Gordon G. Chang
Trước những cảnh báo nghiêm khắc của Hoa Kỳ, các ngân hàng lớn của Trung Quốc năm nay đã rút khỏi các giao dịch liên quan đến Nga.
Vậy phải chăng những nỗ lực trừng phạt của Mỹ thực sự có hiệu quả rồi?
Không. Bắc Kinh chỉ chuyển các giao dịch sang các ngân hàng nhỏ hơn và các kênh phi ngân hàng thôi. Để giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc đang sử dụng một chiến thuật đã có từ nhiều thập niên: trò chơi vỏ bọc.
Trong trường hợp tốt nhất, thì các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ làm hạn chế chứ không chấm dứt được mối quan hệ thương mại đang phát triển nhanh chóng giữa Trung Quốc và Nga.
Bắc Kinh, đối tác “không giới hạn” của Moscow, đã cung cấp trợ giúp toàn diện cho nỗ lực chiến tranh của Nga kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã cung cấp các máy công cụ, vi mạch bán dẫn, và các mặt hàng lưỡng dụng khác. Họ cũng đã giúp đỡ về mặt công nghệ vũ khí và hình ảnh vệ tinh. Báo cáo từ năm ngoái cho thấy các bên Trung Quốc đã bán ra lượng lớn đạn dược.
Hơn nữa, Trung Quốc đã cung cấp trợ giúp về ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức ngân hàng Trung Quốc đã trở nên cảnh giác khi làm việc với Nga, đặc biệt là kể từ tháng Ba. Reuters đưa tin hồi tháng Sáu cho biết, “Lo ngại về khả năng bị trừng phạt đã khiến các ngân hàng lớn của Trung Quốc hạn chế thanh toán cho các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến người Nga, hoặc rút lui hoàn toàn khỏi mọi sự tham gia.”
Không có gì bí ẩn về lý do tại sao các ngân hàng lớn của Trung Quốc chạy khỏi Nga: Những đại ngân hàng này — nếu xếp hạng theo tài sản thì bốn ngân hàng lớn nhất thế giới đều là của Trung Quốc — biết rằng Hoa Kỳ có khả năng tuyên một bản án tử trên thực tế. Ví như, Bộ trưởng Ngân khố có thể chỉ định, theo Mục 311 của Đạo luật USA PATRIOT, rằng các ngân hàng Trung Quốc là “mối lo ngại chính về rửa tiền.” Thì các ngân hàng bị chỉ định không còn có thể thanh toán các giao dịch bằng USD thông qua New York, nơi thực hiện thanh toán mọi giao dịch bằng USD.
Vì đồng USD có vị thế thống lĩnh cao nhất trong các giao dịch quốc tế, nên việc chỉ định theo Mục 311 sẽ khiến các ngân hàng nhà nước Trung Quốc phải đóng cửa ở hầu hết mọi nơi bên ngoài Trung Quốc và thậm chí làm giảm hoạt động kinh doanh của họ bên trong chính quốc gia đó. Bộ Ngân khố đã từng áp dụng Mục 311 một cách rất hiệu quả vào năm 2017 đối với Ngân hàng Đan Đông (Bank of Dandong), một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc, vì đã tham gia vào các giao dịch bị cấm với Bắc Hàn.
Ngoài ra, Hoa Thịnh Đốn còn có các công cụ khác để tấn công các ngân hàng Trung Quốc. Năm 2012, Bộ Ngân khố cũng đã cắt Ngân hàng Côn Luân (Bank of Kunlun) của Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ bằng cách viện dẫn Đạo luật Trừng phạt, Trách nhiệm giải trình, và Thoái vốn Toàn diện đối với Iran năm 2010.
Khi các ngân hàng lớn của Trung Quốc bắt đầu rút khỏi hoạt động kinh doanh với Nga, thì các ngân hàng khác của Trung Quốc đã thế chỗ. Reuters đưa tin hồi cuối tháng Tư rằng “Một số công ty Trung Quốc đang chuyển sang các ngân hàng nhỏ ở biên giới.”
Việc chuyển sang các ngân hàng nhỏ hơn hẳn đã được dàn dựng ở Bắc Kinh. Chính quyền trung ương Trung Quốc và Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, và các ngân hàng không thể làm bất cứ điều gì — đặc biệt là một điều nhạy cảm như giúp đỡ Nga giữa một cuộc chiến tranh lớn — nếu không có sự chấp thuận từ cấp cao nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc.
Bắc Kinh rất ranh mãnh. Ông Jonathan Ward, tác giả của “Thập niên Quyết định: Chiến lược Lớn của Mỹ để Chiến thắng Trung Quốc” (The Decisive Decade: American Grand Strategy for Triumph Over China), giải thích với bà Maria Bartiromo của Fox Business vào giữa tháng Sáu, “Vì vậy, nếu họ chuyển các giao dịch của mình vào các ngân hàng nhỏ hơn mà có thể bị trừng phạt, thì quý vị biết đấy, lựa chọn này cho phép họ có khả năng nhất định trong việc để một ngân hàng sụp đổ mà không chịu ảnh hưởng.”
Các quan chức Trung Quốc cũng đang cố gắng phòng hộ cho các ngân hàng của họ. Như “người đứng đầu một cơ quan thương mại tại một tỉnh đông nam đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi ích tại Nga” đã giải thích với Reuters, “Các giao dịch giữa Trung Quốc và Nga sẽ ngày càng diễn ra qua các kênh ngầm.” Các kênh ngầm như vậy bao gồm tiền mã kim, vốn thường bị cấm ở Trung Quốc.
Chế độ Trung Quốc đang biến người Mỹ thành trò hề. Đã đến lúc Hoa Thịnh Đốn trừng phạt tất cả các ngân hàng Trung Quốc, tất cả các tổ chức tài chính Trung Quốc khác, và tất cả các tập đoàn Trung Quốc, xem hết thảy những tổ chức này như một tổ chức duy nhất. Đã đến lúc các quan chức Mỹ ngừng sử dụng các biện pháp trừng phạt nửa vời, kiểu phạt cái này lại để nổi lên cái khác.
Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức cũng nên bị trừng phạt, điều hành một nhà nước đơn nhất và yêu cầu tất cả các bên trong xã hội phải tuân lệnh tuyệt đối. Các ngân hàng và các doanh nghiệp khác hoạt động trong các công ty vỏ bọc riêng biệt và có thể thuộc các chủ sở hữu riêng biệt, nhưng chúng không tách biệt.
Tóm lại, xã hội Trung Quốc không được tổ chức theo cùng một cách như xã hội Mỹ.
Bà Agathe Demarais, tác giả của cuốn “Phản tác dụng: Các Biện pháp Trừng phạt Định hình lại Thế giới Chống lại Hoa Kỳ Như thế nào” (“Backfire: How Sanctions Reshape the World Against US Interests,” đã nói với NPR về cách thực hiện các biện pháp trừng phạt, “Tốc độ là tất cả.” “Các biện pháp trừng phạt có xu hướng khởi tác dụng nhanh chóng hoặc không bao giờ có tác dụng, ” bà lưu ý. “Trừng phạt gây ra một cú sốc trong nền kinh tế bị nhắm đến.”
Bằng cách kiên nhẫn truy đuổi theo sau hết tổ chức này đến tổ chức khác vi phạm lệnh trừng phạt, Hoa Thịnh Đốn đã cho Trung Quốc đủ thời gian để điều chỉnh và khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ trở nên vô hiệu. Các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu quả, khi áp dụng logic của bà Demarais, nếu được áp dụng ngay lập tức đối với tất cả các tổ chức của Trung Quốc để tạo ra tác động bất ngờ mạnh tối đa.
Sẽ chẳng có ích gì khi áp dụng lệnh trừng phạt nếu không có khả năng ngăn chặn hành vi vi phạm.
Bài viết ban đầu được đăng trên trang web của Viện Gatestone.Ad
Nhật Thăng biên dịch