Cây hoa của Thomas Jefferson và Nguyễn Thái Học

Trần Trung Đạo

7-7-2024

Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học

Phim “Léon: The Professional” là một phim hành động của Pháp nhưng có một tình tiết rất dễ thương và rất nhân văn. Tay sát thủ chuyên nghiệp Leon (Jean Reno đóng) yêu cây xanh và sở hữu một chậu cây. Đi tới đâu anh chàng cũng mang theo chậu cây đó và mỗi ngày đều đem cây ra chỗ có ánh nắng.

Leon bảo bọc cô bé Mathilda Lando (Natalie Portman đóng), 12 tuổi, sau khi người cha buôn á phiện, người mẹ ít quan tâm đến con cái và em trai của cô bị một toán cảnh sát gian tham giết chết. Khi một mình phải đương đầu với đám cảnh sát gian tham đông đảo, sát thủ Leon mở lựu đạn đeo trên người để cùng chết với chúng. Cô bé Mathilda Lando thoát được và trở lại trường học cũ mang theo chậu cây Aglaonema (cây Vạn Lộc) của Leon. Phim chấm dứt với cảnh Mathilda Lando trồng chậu cây xanh trong vườn sau trường học và nói nhỏ một câu cảm động “Leon, tôi nghĩ chúng tôi sẽ yên ổn ở đây”. (I think we’ll be okay here, Leon).

Trên internet có nhiều người trồng hoa Sứ (Plumeria) ở miền lạnh cũng làm giống như anh chàng sát thủ Leon, tức là sáng mang Sứ ra ngoài chỗ nắng và tối mang vào nhà. Hoa Sứ trồng ở Hawaii, Florida hay các vùng ấm không có gì đáng nói. Những nơi đó, Sứ được trồng dưới đất hay trong chậu và để ngoài vườn quanh năm. Đến đầu mùa hè Sứ trổ bông rất đẹp. Tuy nhiên ở vùng lạnh như Boston hay Minnesota thì khác. Muốn Sứ có ánh nắng sáu giờ một ngày là chuyện gian nan. Tháng Tư tuyết vẫn còn rơi và đầu tháng Năm ban đêm có khi lạnh dưới không độ C.

Một người ở vùng lạnh mở một blog trên internet để thử tính kiên nhẫn của mình bằng cách mỗi sáng thứ Hai chụp một bức ảnh nhánh Sứ của anh mới mua và đăng trên blog. Nhiều người tò mò ghé xem cây Sứ của anh lớn thế nào. Anh cũng mang Sứ ra chỗ có ánh nắng mỗi ngày và khi trời lạnh lại mang vô nhà. Anh kiên nhẫn làm vậy suốt nhiều tháng cho đến một ngày Sứ có nụ và nở một chùm hoa. Anh rất vui và những người theo dõi blog của anh cũng vui theo.

Năm ngoái tôi có mua một nhánh Sứ của một bà ở California, mang cây Sứ về từ Hawaii hai chục năm trước. Tôi cũng bắt chước anh chàng kia đem Sứ ra ngoài vào ngày nắng và tối mang vào nhà khi trời trở lạnh. Công việc lặp đi lặp lại từ mùa hè năm ngoái tới nay, ngoại trừ mùa đông. Tháng trước, những nụ hoa đã bắt đầu tượng hình và tuần trước Sứ trổ hoa. Hôm đi chơi xa về, vài bông Sứ trắng nhụy vàng mỉm cười chào ông bà chủ. Hôm nay cả chùm hoa Sứ nở rộ. Tôi không phải là mẫu người có đức tính kiên nhẫn. Đem chậu Sứ ra vào mỗi ngày chẳng qua là để tập dù ở tuổi này có thể đã trễ tràng.

Nhiều loại Sứ màu hồng, màu đỏ tươi rất đẹp. Sứ nhà tôi, giống như Quê Hương tôi, mộc mạc và đơn giản nhưng thơ mộng với hàng tre bên bờ sông Thu Bồn. Tôi tự an ủi, hoa Sứ nhà mình không rực rỡ nhưng là của mình. Tôi chợt nhớ tới bài hát sinh hoạt quen thuộc chúng tôi thường hát “Ta không chê của người, ta không khen của ta, nhưng dù sao đi nữa, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Trưởng Huỳnh Ái Tông cho biết bài hát của nhạc sĩ Trần Văn Bùi.

Tôi mượn chuyện phim và chuyện nhánh hoa Sứ ở nhà để nói đến một loại cây hoa khác cũng có vài đặc tính giống hoa Sứ.

Loại cây khác này trồng ở Mỹ, Anh, Pháp hay các nước Châu Âu v.v… không có gì đáng để nói. Những nơi đó khí hậu điều hòa, đất tốt, mưa đều, ít lũ lụt, người dân có nhận thức cao, không bị ai uốn nắn thành những chiếc lò xo Bolsai, cây sẽ lớn và nở hoa một cách tự nhiên.

Nhưng ở Việt Nam loài cây này rất khó trồng. Thời tiết Việt Nam khắc nghiệt hơn nhiều, bão chưa ngưng nước đã dâng cao, nắng cháy suốt mùa hè và mưa dầm có khi kéo dài năm, sáu tháng. Những đặc điểm khách quan đó đòi hỏi người chăm sóc loại hoa này ở Việt Nam phải sở hữu một đức tính vô cùng quan trọng, đó là tính kiên nhẫn.

Có hai danh nhân, một Mỹ và một Việt, đã từng trồng loại hoa này: Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba đồng thời là một trong những người soạn nên hiến pháp Mỹ và Nguyễn Thái Học, lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Cây hoa mà hai danh nhân Mỹ, Việt nói tới là Cây Hoa Tự Do.

Thomas Jefferson, trong lá thư gởi William Stephens Smith, con rể của tổng thống Mỹ thứ hai, John Adam, năm 1787, đã viết: “Cây tự do phải được chăm sóc tốt theo thời gian bằng máu của những người yêu nước và bạo quyền” (The tree of liberty must be refreshed from time to time with the blood of patriots and tyrants).

Nguyễn Thái Học cũng nói một câu có ý nghĩa tương tự.

Chạng vạng ngày 16 tháng 6 năm 1930, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí bị đưa từ ngục Hỏa Lò ra ga Hàng Cỏ để từ đó đi Yên Báy bằng xe lửa vào ban đêm. Giờ chia tay Nguyễn Thái Học nói lớn với các đồng chí còn ở lại: “Chúng tôi đi trả nợ nước đây, các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé, cờ độc lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi kính chào các anh em ở lại!” (Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, Hoàng Văn Đào, trang 159-160).

Tôi không nghĩ nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Thái Học đọc được lá thư của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. Nhưng những người mang lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước ở đâu cũng có những suy nghĩ giống nhau.

Văn hóa là dòng chảy mang theo phù sa của cả nền văn minh nhân loại không phải của riêng ai hay của quốc gia nào. Hiến Pháp Mỹ chuyên chở khát vọng từ ‘Bill of Rights’ của Anh. Hiến pháp Nhật tham khảo nhiều từ các quyền cá nhân có trong hiến pháp Mỹ cộng với thể chế đại nghị của Anh do ba sĩ quan Mỹ soạn.

Không có người Nhật nào dự thảo hiến pháp Nhật 1947 nhưng không ai ăn cắp của ai cả, không ai bảo hiến pháp Nhật là của Mỹ. Văn minh nhân loại là của cải của con người. Trái tim, tâm hồn và sức sống của một hiến pháp không phải từ văn bản mà từ con người thực thi, phát huy và bảo vệ hiến pháp.

Thomas Jefferson, Nguyễn Thái Học là những người làm nên lịch sử. Họ sống trong thời đại, đi cùng thời đại nhưng có tầm nhìn xa hơn thời đại. Họ không lấy cuộc đời ngắn ngủi của mình để đo chiều dài lịch sử bởi vì thời gian của họ là niềm tin vào sự trường tồn của quốc gia, dân tộc.

Nguyễn Thái Học bị chém khi mới 28 tuổi nhưng tuổi thật của nhà cách mạng Việt Nam này đến ngày 1 tháng 12 năm nay sẽ tròn 120 tuổi. Lý do, Nguyễn Thái Học không chết, ông vẫn còn sống và sẽ sống trong lòng dân tộc Việt Nam.

Cuộc tranh đấu cho tự do dân của dân tộc Việt hiện nay rất khó khăn và rất gian nan nhưng như Nguyễn Thái Học dặn dò “Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công!”

Đúng vậy, Hoa Tự Do sẽ nở.

Related posts