Trong khi các chuyên gia giữ quan điểm về sự ảm đạm của triển vọng thị trường, nhiều người cho rằng sẽ không có sự thay đổi chính sách đột phá nào.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị tham dự Hội nghị Trung ương 3 từ ngày 15 đến ngày 18/7, mở đường cho các cuộc thảo luận kinh tế quan trọng tiềm tàng.
Tuần trước, Bộ Chính trị gồm 24 thành viên của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), do ông Tập Cận Bình đứng đầu, thậm chí đã đưa ra một chỉ dẫn quan trọng về chương trình thảo luận của hội nghị trung ương sắp tới, tuyên bố rằng “nghị quyết về việc cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc” sẽ được trình lên để giới tinh hoa của Đảng phê duyệt.
Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của thị trường là có thể thấy rõ trong các ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều người trong số họ cho rằng sẽ không có sự thay đổi chính sách đột phá nào, vốn là điều thường thấy trong quá khứ.
“Kỳ vọng thị trường đang ở mức thấp khi hướng tới sự kiện này, và kỳ vọng cho một bất ngờ theo chiều hướng đi lên cũng vậy”, các nhà phân tích tại Barclays FICC Research cho biết trong một ghi chú vào tuần trước.
Theo ngân hàng đa quốc gia của Anh này, kể từ thông báo chính sách lớn vào tháng 5, Trung Quốc dường như đã dùng hết các lựa chọn của họ trên mặt trận bất động sản, để lại ít chỗ trống cho những bất ngờ tích cực trong lĩnh vực này. Đồng thời, trọng tâm rộng đặt vào các cải cách về phía cung, chẳng hạn như đổi mới công nghệ và tự chủ chuỗi cung ứng, dự kiến sẽ được nhìn nhận là vẫn như cũ, do đó là một sự kiện không đáng chú ý đối với thị trường.
Bên cạnh đó, những hành động làm thay đổi thị trường sẽ đòi hỏi phải tập trung vào kích thích hoặc hỗ trợ về phía cầu, nhưng đó sẽ là “một sự kiện có xác suất thấp”, ghi chú cho biết.
Vào tháng 5, sau khi giá nhà giảm gần 10% kể từ đầu năm, Bắc Kinh đã công bố một loạt những biện pháp mới để phục hồi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nước này. Trong số các sáng kiến, ngân hàng trung ương đã hạ mức thanh toán trước tối thiểu cho các khoản vay thế chấp và loại bỏ mức sàn lãi suất đối với căn nhà đầu tiên và thứ hai.
Tuy nhiên, xét đến việc Hội nghị Trung ương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản và căng thẳng thương mại và thuế quan đáng kể với phương Tây, các chuyên gia cho rằng có thể có những tín hiệu sâu sắc về việc triết lý kinh tế dựa trên đổi mới của ông Tập sẽ định hình việc ra quyết định của chính quyền như thế nào.
Các nhà phân tích dự kiến những vấn đề sau sẽ được nêu bật trong các cuộc họp của Hội nghị Trung ương 3.
Trọng tâm của ‘kỷ nguyên hậu bất động sản’
Theo Goldman Sachs, trọng tâm cải cách tại hội nghị này nhiều khả năng sẽ là kiềm chế rủi ro trong “kỷ nguyên hậu bất động sản”, khi lĩnh vực bất động sản không còn là động lực tăng trưởng chính và tài chính của chính quyền ít phụ thuộc hơn vào nguồn thu liên quan đến bất động sản. Goldman Sachs cho rằng các cải cách sẽ theo hướng kiềm chế khả năng xảy ra những kết quả hết sức tiêu cực, đồng thời cố gắng tăng khả năng xảy ra những kết quả hết sức tích cực.
Các chuyên gia nói rằng, xét đến quá trình điều chỉnh sâu rộng và kéo dài trong lĩnh vực nhà ở, Hội nghị Trung ương 3 có thể đề xuất xây dựng một mô hình mới cho thị trường nhà ở của Trung Quốc, nhấn mạnh vào việc cải thiện thị trường và tạo ra một hệ thống nguồn cung nhà ở giá rẻ. Theo Barclays, trong tương lai gần, Bắc Kinh có thể ưu tiên thực hiện các chính sách giảm tồn kho dưới sự chỉ đạo của nhà nước trước khi đưa ra thêm nguồn tài trợ và những biện pháp mới để giảm mức tồn kho.
Về vấn đề hạn chế rủi ro dẫn đến những kết quả hết sức tiêu cực, Goldman Sachs kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu hơn về việc vay mượn của chính quyền trung ương, việc giải quyết nợ của chính quyền địa phương và các cải cách về hệ thống thuế trong tương lai.
“Về việc hạn chế rủi ro tiêu cực, chúng tôi tin rằng chìa khóa là quản lý rủi ro tài khóa, tài chính và kinh tế bắt nguồn từ sự suy giảm của thị trường bất động sản và việc giảm đòn bẩy nợ ngầm của chính quyền địa phương”, Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
Với việc đầu tư trực tiếp nước ngoài đang giảm và việc đang diễn ra xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc theo hướng ưu tiên về gần quê nhà hoặc về các nước thân thiện, Barclays cũng dự đoán Hội nghị Trung ương 3 sẽ ủng hộ những nỗ lực tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Bắc Kinh có thể cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong những lĩnh vực như viễn thông và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Barclays kỳ vọng lĩnh vực tài chính sẽ tiếp tục được mở cửa, với khả năng Trung Quốc sẽ giới thiệu các sản phẩm phái sinh liên quan đến lãi suất và tỷ giá hối đoái để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tăng cường khả năng chấp nhận tài sản bằng đồng nhân dân tệ (CNY).
Những rủi ro
Những Hội nghị Trung ương 3 trước đây đã ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Đáng chú ý là vào năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chính sách “cải cách và mở cửa” tại cuộc họp này, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này.
Và trong khi hầu hết các chuyên gia không kỳ vọng vào những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế tại phiên họp sắp tới, một số thậm chí còn nhìn thấy những lực tác động có thể đè nặng lên phiên họp tháng 7.
“Chúng tôi thấy những rủi ro khi lĩnh vực bất động sản vẫn là mối quan ngại. Rủi ro tiêu cực [cũng] nằm ở tốc độ thực hiện. Về mặt địa chính trị, cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ có khả năng là điểm tham chiếu chính, trong khi các tranh chấp thương mại có thể liên quan đến nhiều nền kinh tế hơn là chỉ Hoa Kỳ”, nhà phân tích Frederic Neumann của HSBC đã viết trong một ghi chú vào đầu tháng này.
Thay vì có một sáng kiến chính sách “bùng nổ lớn”, các nhà phân tích dự đoán về việc các biện pháp cải cách hiện có được tiếp tục hoặc thậm chí mở rộng trong một khoảng thời gian nhiều năm.
Những biện pháp này có thể bao gồm những cải cách tài chính và tài khóa để kiềm chế những rủi ro tài chính hệ thống và ngăn chặn tác động tiêu cực từ sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản, cũng như việc tiếp tục hỗ trợ cho những ngành công nghiệp mới nổi và đô thị hóa để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.
Bất kể những chính sách được công bố là gì, có thể sẽ mất vài tháng để xác định liệu các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 sẽ có tác động đáng kể hay không.
“Do bản chất dài hạn của chương trình thảo luận của Hội nghị Trung ương 3, chúng tôi nghĩ rằng sẽ mất thời gian để xây dựng những chi tiết cụ thể về chính sách và thực hiện những cải cách được công bố”, Goldman Sachs kết luận.
Bảo Nguyên biên dịch