Doanh nhân Đài Loan bất ngờ qua đời khi muốn rút tài sản khỏi Trung Quốc

Ông Lô Hoằng Kiệt (Lu Hongjie), Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Gỗ mun ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc. (Nguồn: MXH)

Ông Lô Hoằng Kiệt (Lu Hongjie), giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Gỗ mun Thành Đô (Tứ Xuyên – Trung Quốc) nổi tiếng là một doanh nhân Đài Loan giàu có. Vào đầu năm ngoái, ông trở về Đài Loan và đề cập đến những khó khăn khi chuyển tài sản về, không ngờ vào tháng trước ông đột ngột qua đời khi trở lại Trung Quốc, thi thể của ông được hỏa táng ngay lập tức. Em gái ông ở Đài Loan chỉ nhận được giấy hỏa táng chứ không có giấy chứng tử, những vấn đề liên quan đến cái chết của ông đầy mờ ám.

Bảo tàng Nghệ thuật Gỗ mun Thành Đô (Tứ Xuyên) nằm ở Đô Giang Yển, là bảo tàng đặc biệt quy mô lớn đầu tiên dành riêng cho việc nghiên cứu Văn hóa Gỗ mun do doanh nhân Đài Loan Lô Hoằng Kiệt thành lập vào tháng 12/2000, nơi đây cũng được xem là nơi hoạt động phổ biến khoa học của Thành Đô. Bảo tàng sưu tầm hàng ngàn tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm cấp đặc biệt, 35 tác phẩm cấp 1, và 356 tác phẩm cấp 2. Giá trị những bộ sưu tập gỗ mun được cho là đứng đầu thế giới.

Nguyên nhân cái chết không đơn giản

Theo kênh CTS của Đài Loan đưa tin, ông Lô Hoằng Kiệt – người điều hành cơ sở khai thác, triển lãm và kinh doanh gỗ mun ở Thành Đô – Tứ Xuyên đã gây dựng thành công “đế chế gỗ mun” sau hơn 30 năm nỗ lực. Ông từng nói: “Tôi nghĩ mình sinh ra cho nghề gỗ mun”. Sau khi con trai qua đời, với suy nghĩ lá rụng về cội, ông đã có ý định chuyển khối tài sản khổng lồ về Đài Loan, tuy nhiên bị cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngăn chặn khiến ông không thể làm được điều đó.

Vào tháng 5 năm nay, ông Lô Hoằng Kiệt lại sang Trung Quốc để gom tài sản. Nhưng ngày 21/6 có tin ông đã bất ngờ qua đời, thông tin đồn rằng ông bị khúc gỗ mun đè chết. Thi thể của ông nhanh chóng được cho hỏa táng, người nhà đến lấy tro cũng không nhận được giấy chứng tử, điều này khiến mọi người cảm thấy vụ việc không hề đơn giản.

Cháu gái của ông Lô Hoằng Kiệt là Lô Văn Hân (Lu Wenxin) – Ủy viên Hội đồng huyện Bình Đông (Pingtung) của Đài Loan cho biết: “Ông sở hữu rất nhiều tài sản ở Trung Quốc và đang nóng lòng vận chuyển chúng trở lại Đài Loan. Đang lúc như vậy thì ông thiệt mạng được cho là do tai nạn, đó là điều đáng tiếc, người thân ở Đài Loan không khỏi suy nghĩ còn có lý do nào khác?”

Anh trai thứ hai của ông Lô Hoằng Kiệt là ông Lô Thế Mãnh (Lu Shimeng) nói về cháu trai (con trai của ông Lô Hoằng Kiệt): “Nó đến Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học và qua đời không lâu sau đó. Làm sao một người mọi thứ bình thường lại có thể chết đột ngột ở đó? Tôi không thể không nghi ngờ”.

Mới đây, người thân của ông Lô Hoằng Kiệt đã mang tro cốt ông về Đài Loan và đưa vào chùa, nhưng hàng ngàn tác phẩm gỗ mun của ông vẫn còn ở Trung Quốc và có thể bị chính quyền ĐCSTQ tịch thu. Ông Lô Hoằng Kiệt đã cống hiến cả cuộc đời và công sức để thu thập những bảo vật cấp quốc gia bằng gỗ mun, không ngờ cha con ông lần lượt qua đời ở nơi đất khách quê người, khiến những người thân tại Đài Loan vô cùng đau buồn và phẫn nộ.

Tờ Liberty Times của Đài Loan đưa tin, chị gái của ông Lô Hoằng Kiệt cho biết gần đây ông đã đề cập rằng chức vụ giám đốc Bảo tàng Gỗ mun của ông từng bị nhà chức trách ĐCSTQ tước bỏ vì ông là người Đài Loan, điều này khiến ông cảm thấy rất bức xúc và muốn quay trở lại Đài Loan. Vào buổi sáng xảy ra vụ tai nạn, ông cũng tuyên bố muốn mang về Đài Loan tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ mun, nhưng không ngờ vào buổi chiều ông lại bị tai nạn và thiệt mạng. Thật trùng hợp, ngày hôm sau cơ quan chức năng ĐCSTQ thông báo công nhận ông là giám đốc bảo tàng gỗ mun, điều này thật đáng nghi ngờ.

Chị của ông cho biết, cách đây vài năm Lô Hoằng Kiệt hy vọng tìm được người tiếp quản bảo tàng và đưa ra mức giá khoảng 800 triệu nhân dân tệ, do mức giá quá cao và liên quan đến tài sản quan trọng của Trung Quốc nên cuối cùng thất bại. Do số bộ sưu tập không ngừng phát triển nên tổng giá trị bây giờ thậm chí còn cao hơn.

Theo những chia sẻ từ bạn bè của ông Lô Hoằng Kiệt, cách đây 2 năm con trai cả của ông lớn lên ở Đài Loan đã qua đời vì bệnh, lẽ ra anh ấy sẽ tiếp quản bảo tàng nhưng đột ngột qua đời, nguyên nhân cho là vì căn bệnh tiểu đường mà ngày nay vốn kiểm soát tốt được bằng thuốc. Cái chết của anh cũng gây bất ngờ.

Doanh nhân Đài Loan và vốn nước ngoài ồ ạt rời Trung Quốc

Khi nói về sự việc trên, một blogger nổi tiếng người Canada gốc Hoa là “Mr. Shen” phân tích cho rằng những doanh nhân Đài Loan hay nơi khác vào Trung Quốc làm ăn mà đặt tài sản chính, gia đình và cuộc sống của mình vào một nơi không có pháp luật thì đó là điều quá bất cẩn, dẫn đến kết quả như vậy là không bất ngờ. Blogger này cho rằng người phương Tây đầu tư vào Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ tài sản của họ, nhưng một số doanh nhân Đài Loan lại tập trung toàn bộ tài sản ở đó, điều này rất rủi ro.

Theo thống kê của Trung Quốc tính đến năm 2022, có khoảng 177.000 người Đài Loan đang làm việc tại Trung Quốc, trong số họ có nhiều người làm việc cho các công ty đa quốc gia, nhưng gần đây họ đều đã sơ tán. Reuters đưa tin, gần đây ĐCSTQ đã đưa ra thông báo trừng phạt nhóm nhà hoạt động thúc đẩy Đài Loan độc lập, khiến một số công ty nước ngoài lo lắng và đã sơ tán nhân viên người Đài Loan làm việc tại Trung Quốc.

Ông Shen chỉ ra rằng quan điểm của ĐCSTQ trước đây đối với các doanh nhân Đài Loan là lôi kéo họ tham gia mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, chẳng hạn họ đã cho xây dựng cái gọi là “Thị trấn Đài Loan” cho các doanh nhân Đài Loan ở Bình Đàm tỉnh Phúc Kiến. Trước đây vùng này xe cộ qua lại đông đúc nhưng bây giờ đã thưa thớt, chỉ còn lại một số cửa hàng miễn cưỡng trú lại, trung tâm mua sắm hiện gần như vắng tanh.

Dữ liệu cho thấy đầu tư của các doanh nhân Đài Loan vào Phúc Kiến năm ngoái đã giảm 80% so với năm trước, tổng đầu tư vào Trung Quốc của họ cũng giảm 40%. Ông Shen phân tích đây là điều tốt cho Đài Loan, không ngờ Đài Loan có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhiều cư dân mạng nắm rõ tình hình ở Trung Quốc để lại tin nhắn: “Nếu doanh nhân Đài Loan vẫn ở Đại Lục sẽ gặp hậu quả, nếu không rút vốn sẽ diệt vong, sẽ không có may mắn ngoại lệ”; “Nếu doanh nhân Đài Loan không rời đi, khi có vấn đề nên tự trách mình chứ đừng oán trách Chính phủ Đài Loan”; “Đừng nhìn nước cộng sản với tinh thần của một nước dân chủ”…

Một số người bình luận về cái chết của ông Lô Hoằng Kiệt nhất định có ẩn khuất: “Có nghĩ bằng ngón chân cũng nhận ra mất mạng vì của cải”; “Bị hỏa táng nhanh chóng thì phải có vấn đề, trường hợp này chỉ diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, tại sao không để người thân gia đình chứng kiến?”; “Nếu muốn chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc, khác gì giao nộp mạng sống”…

Điền Tư Vân, Vision Times

Related posts