Andrew Thornebrooke
HOA THỊNH ĐỐN – Trong tuần này (08-14/07), các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự lớn nhất thế giới sẽ đến thủ đô của Hoa Kỳ để đề ra chiến lược chống lại một loạt các cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở châu Âu, Trung Đông, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh NATO thường niên tại Hoa Thịnh Đốn năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh phòng thủ này và diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn thế giới.
Mối lo ngại lớn nhất của liên minh này là cuộc chiến đang tiếp diễn của Nga ở Ukraine, cuộc xung đột mà đôi khi đe dọa vượt qua các ranh giới quốc tế và cuốn theo các cường quốc NATO đã cung cấp lượng hàng viện trợ nhân đạo và quân sự trị giá hàng trăm tỷ USD cho nỗ lực chiến tranh của Kyiv.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cuộc chiến này là một “chiến dịch quân sự đặc biệt,” với các mục tiêu được tuyên bố là phi quân sự hóa Ukraine và ngăn cản quốc gia này gia nhập NATO.
Hồi tháng trước, ông Putin đã tái khẳng định mục tiêu thứ hai, nói rằng ông sẽ chấp nhận ngừng bắn nếu Ukraine từ bỏ các tỉnh phía đông và ký một thỏa thuận rằng nước này sẽ không bao giờ gia nhập NATO.
Cuộc chiến này đã đóng vai trò như một chất xúc tác để tiếp thêm sinh lực cho liên minh từng có quãng thời gian bệ rạc này.
Nhưng thay vào đó, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã dẫn đến việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành hai thành viên NATO mới, đồng thời thúc đẩy sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng giữa 32 quốc gia thành viên của liên minh này.
Nói chuyện trong một cuộc họp báo với các hãng truyền thông hồi tuần trước (01-07/07), một quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Biden cho biết kể từ năm 2020, số quốc gia NATO chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng đã tăng từ 9 nước lên 23 nước.
“Hướng dịch chuyển đó rất quan trọng,” quan chức này cho biết. “Để nêu một con số bằng dollar, thì chỉ từ năm 2020, NATO đã chi thêm 180 tỷ USD mỗi năm.”
Vì lẽ đó, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh tuần này là thể hiện quyết tâm đồng lòng chống lại những nỗ lực của Nga nhằm vĩnh viễn tách rời Ukraine khỏi NATO.
Quan chức này nói rằng các nhà lãnh đạo NATO sẽ ra mắt một bộ chỉ huy quân sự mới và những hạng mục chuyển giao khác để giúp chuẩn bị cho Ukraine đảm nhận trách nhiệm thành viên NATO “vào ngày đầu tiên.”
Nỗ lực đó, được gọi là “cầu nối dẫn đến tư cách thành viên” của Ukraine, sẽ được tăng cường hơn nữa bằng 20 đến 30 thỏa thuận an ninh song phương giữa từng quốc gia thành viên NATO và Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine hiện không có con đường thiết thực nào để trở thành thành viên của liên minh bất kể cử chỉ thể hiện tình đoàn kết này.
Điều này là do Ukraine sẽ cần phải nhận được sự ủng hộ nhất loạt từ mọi thành viên NATO, bao gồm cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia khó có thể chấp nhận những hành động mà Nga sẽ cho là khiêu khích quá mức.
Ngoài ra, phía sau còn có mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà liên minh này đã trở nên ngày càng sẵn sàng đối phó trong hai năm qua.
Mặc dù tất cả các quốc gia thành viên NATO đều nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng liên minh này đã xem Trung Quốc cộng sản là một mối lo ngại an ninh chính trong tài liệu hướng dẫn chiến lược chính thức của họ hồi năm 2022.
Một mối lo ngại chính của các quan chức NATO là việc ĐCSTQ tiếp tục trợ giúp kinh tế và công nghệ cho Nga, cùng với việc Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg còn đi xa hơn khi nói rằng “Trung Quốc là nước ủng hộ chính cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở châu Âu.”
Tương tự như vậy, ông Stoltenberg đã liên kết cuộc chiến của Nga ở Ukraine với tham vọng của ĐCSTQ nhằm thống nhất Đài Loan dân chủ với Trung Quốc bằng vũ lực và cho rằng một chiến thắng của Nga ở phương Tây sẽ dẫn đến sự xâm lược của Trung Quốc ở phương Đông.
“Nếu quý vị lo sợ Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông hoặc Đài Loan, thì quý vị cần rất quan tâm đến Ukraine,” ông Stoltenberg nói trong một bài diễn văn trực tuyến tại tổ chức tư vấn Trung tâm Wilson hôm 17/06.
Trong một diễn biến liên quan trực tiếp hơn, NATO vẫn đang quay cuồng trước tiết lộ rằng một chiến dịch tấn công mạng do ĐCSTQ hậu thuẫn đã cài đặt thành công phần mềm độc hại vào hàng chục ngàn hệ thống, bao gồm cả các hệ thống trong những tổ chức quốc phòng phương Tây.
Tháng trước, tình báo Hà Lan tiết lộ rằng chiến dịch mang tên “Coathanger” này đã xâm phạm 20,000 hệ thống của hàng chục chính phủ phương Tây, các tổ chức quốc tế, và một số lượng lớn các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Phạm vi của phát hiện đó cho thấy chiến dịch này đã tìm cách có được quyền truy cập lâu dài vào các ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia phương Tây, nhưng vẫn chưa rõ liệu tất cả các nạn nhân đều ở các quốc gia NATO hay là có chung mối liên hệ khác nào đó.
Một điểm đáng quan tâm nữa chắc chắn là cuộc chiến của Israel chống lại nhóm khủng bố Hamas ở Gaza, cuộc xung đột này cũng có những lúc có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột khu vực lớn hơn nhiều.
NATO cam kết sẽ trợ giúp Israel sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào nước này hôm 07/10/2023, khiến khoảng 1,200 người, chủ yếu là thường dân, thiệt mạng và hơn 250 con tin bị bắt.
Tuy nhiên, sự trợ giúp đó là một điểm gây tranh cãi đối với các nhà lãnh đạo thế giới, những người đã nhiều lần gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mong muốn trang bị vũ khí cho Israel và mong muốn bảo toàn mạng sống cho thường dân ở Gaza.
Kể từ tháng 10/2023, Hoa Kỳ đã thông qua luật để cung cấp cho Israel khoản viện trợ an ninh trị giá hơn 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden đã tạm dừng một lô hàng bom nặng 2,000 pound (khoảng 907.2 kg) vì lo ngại rằng vũ khí này sẽ được sử dụng ở những khu vực đông dân cư, nơi những người lánh nạn buộc phải chạy đến nương náu.
Do đó, cách liên minh này phản ứng với việc đàm phán ngừng bắn hiện đang diễn ra với Hamas có thể có tác động sâu rộng đến chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông.
Tâm điểm cuối cùng sẽ là chính bản thân Tổng thống Joe Biden, người [gần đây] bị một nhóm nhỏ các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện chỉ trích. Những dân biểu này tin rằng màn thể hiện của tổng thống trong cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên với cựu Tổng thống Donald Trump cho thấy ông không đủ khả năng tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Sự phản đối kịch liệt này đã khiến tổng thống phải tái khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua và ông tin rằng ông là lựa chọn tốt nhất của Đảng Dân Chủ để có được chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Một vài khoảnh khắc không có sự chuẩn bị trước trong tuần, bao gồm các buổi chụp hình và quốc yến với các nguyên thủ quốc gia, sẽ giúp tổng thống có cơ hội chứng minh liệu ông có khả năng giữ chức vụ hay không trong mắt đảng của mình, cũng như trong lòng công chúng Hoa Kỳ, và phần còn lại của thế giới.
Gia Bảo biên dịch