Trung Quốc muốn Mỹ hóa quân đội?



Như đã nói trong bài trước, những mục tiêu mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền là các đảo xa, hay vùng đất xa tranh giành như với Ấn Độ: để chiếm lại thì phải có sự hợp đồng giữa các quân chủng, trên bộ thì lục quân và không quân, ngoài biển thì cả hải – lục – không quân.

Nhưng đây lại là một thách thức mà còn lâu thì thì Quân đội Trung Quốc (PLA) mới vượt qua được. Mà để vượt qua thì PLA phải cải tổ để có thể hoạt động y như là quân đội Mỹ về mặt tổ chức, tham mưu và hành quân.

Những thách thức

Thứ nhất là thách thức mang tính khái niệm, nằm ngay trong chính việc xây dựng học thuyết chiến tranh của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Trong bản đề cương đầu tiên về chiến tranh thông tin ra đời năm 1999, PLA đã thể hiện cách hiểu máy móc và đơn giản về phương thức chiến tranh mới đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các quân chủng. Trong khi đó thì tự thân các đơn vị của các quân chủng hay binh chủng khác nhau vẫn duy trì sự độc lập trong phương thức tác chiến, trang bị và cả hệ thống thông tin liên lạc và tiếp liệu.

Thay vì vì tập trung hệ thống quân lực vào một cơ cấu chỉ huy thống nhất, các quân chủng lại gửi những sĩ quan đại diện của mình đến các sở chỉ huy của những quân chủng khác ở cấp chiến dịch và chiến thuật. Trong chiến tranh thì tính kịp thời, tính nắm bắt thời cơ và hành xử đúng lúc đóng vai trò quyết định. Nhưng cách tổ chức kiểu này đòi hỏi phải gia tăng nhân sự và thiết bị thông tin, nghĩa là làm bộ máy tham mưu cồng kềnh hơn và do đó sẽ làm chậm quá trình quyết định.

Đến năm 2003, PLA mới nhận ra sai lầm, “ngộ” ra rằng “hiệp đồng tác chiến” trong chiến tranh hiện đại không đơn thuần là kết hợp nhiều quân chủng mà phải có sự hợp nhất trong quá trình thiết lập kế hoạch và chỉ huy giữa các quân chủng khác nhau.

Thứ hai là sự lệch pha về kỹ thuật. Từ một quân đội bán cơ giới mà“tiến thẳng” lên “quân đội kỹ thuật cao” mà “không kinh qua” giai đoạn cơ giới toàn phần không chỉ khiến PLA bị thiếu đồng bộ trong trang bị mà còn là trình độ giữa các đơn vị khác nhau. Sự lệch pha này sẽ hạn chế khả năng phối hợp, liên lạc thông suốt giữa các đơn vị, như vậy thì còn gì là “chiến tranh thông tin”?

Thứ ba là thiếu kinh nghiệm thực tế. Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng quân chủng trong chiến tranh hiện đại. Những cuộc tập trận thường xuyên với quân đội Nga diễn ra 2 năm 1 lần kể từ năm 2002 là cơ hội để PLA kiểm tra năng lực trên lý thuyết và khả năng thực hiện trên chiến trường. Những cuộc tập trận này luôn cho thấy sự khác biệt lớn giữa quân đội 2 nước, gây ra do sự thiếu kinh nghiệm của PLA.

Trong một cuộc tập trận như vậy, khi các sĩ quan hai bên lên kế hoạch tấn công vào một thành phố. Trung Quốc thì chọn phương án thiết giáp tiến vào trước trong khi Nga, với kinh nghiệm xương máu từ Afghanistan và Chechnya, lại mạnh mẻ bác bỏ. Nga muốn làm theo kiểu của Mỹ trong cuộc chiến Iraq là cho biệt kích đột nhập để làm hàng ngũ đối phương rồi loạn, sau đó bộ binh sẽ tùng thiết xe tăng vào chiếm mục tiêu.

Thứ tư là cơ cấu tham mưu, chỉ huy. Quyền hạn cao nhất của PLA nằm trong tay Quân ủy Trung ương, bên dưới là 4 tổng bộ gồm tham mưu, hậu cần, chính trị, quân khí, rồi dưới nữa là 3 bộ tư lệnh quân chủng hải quân, không quân, và hỏa tiễn chiến lược.

Cơ cấu chỉ huy tham mưu này cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp dục xem lục quân là xương sống của quân đội và các quân chủng còn lại chỉ là quân chủng phụ. Các vị trí chỉ huy chủ chốt đa số vẫn do các sĩ quan lục quân nắm giữ. Trong khi đó, hợp đồng tác chiến ngụ ý rằng các quân chủng phải bình đẳng với nhau.

Mô hình “quân khu” theo truyền thống cũng là biểu hiện của tư tưởng xem lục quân là chủ đạo. Từ năm 2010 đã có ý kiến đề nghị cải tổ PLA từ mô hình quân khu sang bộ tư lệnh hợp nhất, tương tự như mô hình của Mỹ. Theo đó, 7 quân khu sẽ được tái cấu trúc lại thành 4 bộ tư lệnh khu vực gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, mỗi bộ tư lệnh như thế sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hoạt động quân sự, cũng như chỉ huy mọi đơn vị của các quân chủng trong một khu vực nhất định. Tuy vậy cho đến nay, tất cả vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có bước đột phá thực sự nào. Nếu ngay cả ở những cấp chỉ huy chiến lược của quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể hiện tính đa quân chủng thì rất khó cho những cấp bên dưới thực hiện mục tiêu này.

Thứ năm là việc huấn luyện. Các đơn vị của các quân chủng vẫn được huấn luyện và tập trận riêng biệt, hiếm có sự tham gia của các quân chủng khác. Nếu có thì trình độ hiệp đồng tác chiến rất ít và phần nhiều chỉ mang tính hình thức.

Thì dụ như trong một cuộc tập trận, các sĩ quan chỉ huy của các quân chủng trao đổi với nhau qua đường truyền hình ảnh trực tiếp, hoặc các đơn vị lục quân hỗ trợ đưa các chiến đấu cơ của không quân lên xe lửa như đã nêu ở trên. Như thế PLA gọi là “hợp đồng tác chiến”. Hay các tập trận của hải quân với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm, và máy bay hải quân: đây chỉ là “hợp đồng đa binh chủng” mà các binh chủng trực thuộc một quân chủng duy nhất là hải quân.

Hiện tại PLA đặt ra mục tiêu đạt được khả năng tác chiến đa quân chủng từ cấp sư đoàn trở lên, hay thấp hơn là lữ đoàn nhưng thừa nhận là còn xa mới đạt được trong thực tế.

Lấy thí dụ việc không quân yểm trợ hỏa lực cho lục quân: cho đến nay Không quân Trung Quốc chỉ có thể tiến hành những vụ oanh kích đã được lên kế hoạch trước. Không quân của PLA hoàn toàn không thể yểm trợ hỏa lực tức thời theo đòi hỏi khẩn cấp của chiến trường: đơn vị chiến đấu đang cần yểm trợ gấp, thì giờ là sinh tử, thế mà còn mà lên kế hoạch và chuẩn bị, “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Trước những thách thức này, năm 2015 Tập Cận Bình đưa ra nổ lực cải cách mới theo hướng tinh, gọn, trong đó cắt giảm quân số đến 300,000 người. Đây là con số rất lớn với tất cả các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương nhưng lúc đó chỉ là 1 phân 10 tổng số lực lương vũ trang của Trung Quốc.

Tuyên bố giảm quân này đưa ra ngay ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít và cử hành lễ diễu bình gợi nên nhiều đồn đoán. Một trong số đó kết nối với tình hình kinh tế Trung Quốc đang có những điều chỉnh đi xuống và các vụ án tham nhũng trong giới quân đội cấp cao lần lược được phanh phui. Tuy vậy, nếu nhìn từ một chiều dài lịch sử, điểu chỉnh quân số vừa rồi có thể đơn giản là một tiếp nối của chiến lược hiện đại hóa PLA đã tiến hành ròng rã nhiều năm nay.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc cắt giảm quân số là phù hợp với sự phát triển của tiềm lực quốc gia. PLA sẽ tối ưu hoá cấu trúc và quy mô của mình, xây dựng một quân đội hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc.

Nói là nói vậy, nỗ lực cao nhất của Trung Quốc chỉ là Mỹ hóa lực lượng của mình về mặt tổ chức và tham mưu

Cách mạng quân sự hay Mỹ hóa lực lượng

Kể từ đầu những năm 2000, các sĩ quan và quan chức cấp cao Trung Quốc đã thúc đẩy khái niệm RMA, tức cách mạng trong các vấn đề quân sự”. Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa rõ ràng, nhưng tính chất của “RMA mang đặc điểm Trung Quốc” luôn được thể hiện trong Bạch thư Quốc phòng.

Thí dụ Bạch thư Quốc phòng năm 2013 đề cập tới hai điểm quan trọng giúp định hướng quá trình hiện đại hoá PLA.

 Thứ nhất là sự trỗi dậy của các mối đe doạ an ninh từ biển; và thứ hai là sự nổi lên của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật tin học và truyền thông (một trong những thành tố quan trọng nhất của RMA). Từ hai điểm này, Trung Quốc đưa ra khái niệm “chiến thắng một cuộc chiến tranh thông tin hoá ở mức độ khu vực”.

Các tranh luận bên trong nội bộ PLA về RMA và vai trò của tin họ nổi lên mạnh mẽ từ sau chiến dịch “Bão táp sa mạc”. PLA lấy làm kinh hãi trước những gì mà quân đội Mỹ làm được trước quân đội Iraq, vốn chủ yếu trang bị vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc. Với các loại vũ khí chính xác cùng vai trò của tác chiến điện tử, quân đội Mỹ đã tiêu diệt hoàn toàn quân đội Iraq mà không hứng chịu thiệt hại đáng kể nào.

Về tái cấu trúc chỉ huy của quân đội, các dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình muốn cải tổ cấu trúc chỉ huy của PLA theo mô hình bộ chỉ huy hỗn hợp của Mỹ. Đầu tiên là hợp nhất tất cả bộ chỉ huy của các lực lượng không quân, hải quân, lục quân và hỏa tiễn chiến lược có thể được coi là bước đi cải cách cấu trúc đầu tiên. Sau đó bảy đại quân khu sẽ có khả năng rút xuống thành bốn vùng chiến lược.

Đây là tiền đề để tiến tới xây dựng một hệ thống chỉ huy hỗn hợp, có thể hoạt động hiệu quả và linh hoạt theo tình hình chiến trường, và nâng cao năng lực khai triển các chiến dịch đa binh chủng với hệ thống chỉ huy tác chiến dựa trên nền tảng kỹ thuật tin học hiện đại.

Các cải cách kế tiếp có thể là chương trình tối ưu hoá cấu trúc, chức năng và giám sát chiến lược của các đại bản doanh hỗn hợp. Tiếp theo đó là hạn chế vai trò của lục quân và chú trọng hơn đến không quân và hải quân.

Từ lâu Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho việc hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc tình báo, giám sát nhưng vẫn chưa thể tích hợp những hoạt đồng này với hệ thống tham mưu và chỉ huy một các đồng nhất.

Mục tiêu cải tổ của PLA là kết nối thông suốt, an toàn và bí mật giữa các trung tâm hành quân – tác chiến với bộ chỉ huy trung tâm. Thông tin từ chiến trường được gửi về cho trung tâm chỉ huy theo thời gian thực. Năm 2011 PLA đã thiết lập Cục Thông tin hoá và Cục Quân huấn nhằm giám sát các lĩnh vực cải cách quan trọng trên.

Một vấn đề không kém quan trọng là người lính, PLA cần điều chỉnh lại chương trình huấn luyện của mình, tập trung hơn vào các bài huấn luyện tác chiến hỗn hợp đa binh chủng.

Một số chuyên gia còn cho rằng Bắc Kinh còn có thể cải tổ quân sự theo hướng tách một phần của PLA thành một lực lượng tương tự “Vệ binh quốc gia” của Mỹ với nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa, chống khủng bố và giải cứu thiên tai.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts