Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 3 – cuộc họp lớn nhất về chính sách kinh tế

Minh Lý

Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương 3 - cuộc họp lớn nhất về chính sách kinh tế
Các nhân viên an ninh đứng bên ngoài Khách sạn Kinh Tây, nơi những người lãnh đạo Trung Quốc đang tiến hành Hội nghị Trung ương 3, một cuộc họp then chốt về kinh tế, tại Bắc Kinh vào ngày 15/7/2024. (Ảnh: GREG BAKER/AFP thông qua Getty Images)

Hội nghị Trung ương 3 (Phiên họp Toàn thể lần thứ 3) của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã khai mạc vào ngày 15/7. Tại sao thế giới lại chú ý nhiều đến cuộc họp này như vậy?

Hội nghị Trung ương 3 lần này sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, trong ngày đầu tiên, ông Tập Cận Bình đã thay mặt Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo công tác và giải thích về “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Cải cách sâu rộng toàn diện và Thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc hơn nữa (Dự thảo thảo luận)”.

Đây sẽ là những cuộc họp kín. Sau khi kết thúc, Tân Hoa Xã sẽ công bố các quyết định được đưa ra tại hội nghị.

Tờ Sing Tao Daily (Nhật báo Tinh Đảo) của Hong Kong đưa tin, hơn 370 ủy viên và ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả ban lãnh đạo đảng, cũng như các quan chức cấp cao của các cơ quan trung ương, các tỉnh và quân đội sẽ tham dự phiên họp toàn thể này. Hội nghị này thường được tổ chức kín tại Khách sạn Kinh Tây.

Theo thông tin công khai, Khách sạn Kinh Tây, tọa lạc tại quận Hải Điến – một quận nội thành của Bắc Kinh, trực thuộc Tổng cục Quản lý Sự vụ Cơ quan của Quân ủy Trung ương. Đây là nơi cao cấp dành riêng cho các quan chức chính quyền và các hội nghị nội bộ.

Tại sao Hội nghị Trung ương 3 lại được chú ý nhất?

Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần và sẽ xuất hiện Ủy ban Trung ương khóa mới. Trong 5 năm này, Ủy ban Trung ương sẽ tổ chức tổng cộng 7 hội nghị trung ương, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất một lần.

Hội nghị Trung ương 3 là phiên họp được thế giới bên ngoài chú ý nhất, vì chương trình nghị sự trong cuộc họp này sẽ quyết định trọng tâm công tác của ban lãnh đạo khóa mới, đặc biệt là định hướng chính sách kinh tế.

Theo thông lệ, Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đáng ra phải được tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm ngoái. Nhưng đến ngày 27/6 vừa qua, ông Tập Cận Bình mới chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị và ấn định ngày họp hội nghị này.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), các quyết sách trọng đại hoặc mang tính bước ngoặt về cải cách kinh tế thường được đưa ra trong phiên họp toàn thể này. Ví như:

  • Năm 1978, Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI là sự kiện đánh dấu mốc mở đầu cho cải cách, mở cửa ở Trung Quốc.
  • Năm 1993, Hội nghị Trung ương 3 của khóa XIV đã thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Một số vấn đề liên quan đến việc thiết lập Hệ thống kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội”.
  • Năm 2013, Hội nghị Trung ương 3 của khóa XVIII đã thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về Một số vấn đề trọng đại liên quan đến Cải cách sâu rộng toàn diện”. Theo đó, thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.

Những thách thức về kinh tế của Trung Quốc

CNN chỉ ra, Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, nợ chính quyền địa phương cao và nhu cầu tiêu dùng yếu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang suy giảm niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc với Âu – Mỹ ngày càng gia tăng.

Hồi đầu năm nay, Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc nói với The Epoch Times rằng, nếu khủng hoảng bất động sản thực sự khiến chính quyền các địa phương phá sản, họ sẽ phải phát hành thêm tiền tệ và trái phiếu chính phủ, nhưng điều này sẽ gây ra lạm phát.

Ngành bất động sản là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của Trung Quốc, ngành xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP của nước này. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, các công ty bất động sản lớn của Trung Quốc đã liên tiếp vỡ nợ. Nợ nần chồng chất cộng với việc thị trường bất động sản trì trệ đã khiến cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu lan sang hệ thống tài chính.

Ngoài ra, vốn nước ngoài cũng đã và đang tháo chạy khỏi Trung Quốc trên quy mô chưa từng có. Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, từng nói với The Epoch Times rằng, việc bị Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm (vào ngày 5/12 và 6/12/2023) cũng sẽ khiến số lượng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh, vốn quốc tế sẽ tăng tốc tháo chạy khỏi Trung Quốc, vì họ không còn lạc quan về triển vọng của nước này.

Cũng trong ngày hôm nay 15/7, chính quyền Trung Quốc đã công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế mới nhất. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm 2024 của Trung Quốc đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự kiến.

Cách ông Tập và ban lãnh đạo cấp cao giải quyết các thách thức về kinh tế của Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến đời sống và niềm tin của người dân nước này.

Minh Lý tổng hợp

Related posts