Tại sao Việt Nam cứng rắn với Facebook trong thời điểm này?
Tuần lễ sau khi luật an ninh mạng Việt Nam có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam lên tiếng cáo buộc một cách cứng rắn Facebook đã không tuân thủ luật này, trong đó có việc không gỡ bỏ những nội dung mà Hà Nội cho rằng xấu, phản động.
Facebook cũng lên tiếng trả lời ngay là họ không vi phạm điều gì cả.
Các nhà quan sát trong nước đưa ra nhận định về động thái mới nhất này của Chính phủ Việt Nam sau đây.
Dự luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
Dự luật này lúc đầu có qui định các nhà cung cấp quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng sau đó rút lại, chỉ ghi là khuyến khích việc này thôi.
Nhưng điều không thay đổi là luật này qui định nhà cung cấp phải cho lực lượng an ninh Việt Nam những thông tin cá nhân nếu được yêu cầu.
Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện, những ý kiến khác chiều với đảng cầm quyền.
Hơn một tuần lễ trôi qua từ ngày luật An ninh mạng (ANM) có hiệu lực, người ta thấy những chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam trên Facebook vẫn không giảm đi, và chưa có nhà bất đồng chính kiến nào bị bắt với lý do vi phạm ANM.
Facebook là diễn đàn chính của những chỉ trích, phê bình, phản biện chính sách nhà nước, Đảng Cộng sản và kể cả những vị có chức quyền tại Việt Nam.
Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được.
Nhận định về động thái cứng rắn của Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết:
“Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được. Trong những ngày vừa qua thì tiếng nói của người dân (trên Facebook) vẫn như cũ, thế là họ mới té ra là thôi chết rồi cái này là do ông Facebook với ông Youtube ở tận đâu đâu, mà những ông này nhiều khi cũng không làm được (theo yêu cầu) vì quá tốn kém. Và thế là họ nghĩ là phải cứng rắn”
Có nhận định tương tự là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn, ông còn nhắc lại những kiến nghị của giới sử dụng Facebook tiếng Việt trong thời gian vừa qua:
“Đó là một thất bại của họ, vì rằng việc đấu tranh của giới hoạt động trong nước và quốc tế yêu cầu Facebook không được trở thành một công cụ cho nhà cầm quyền, đã có tác dụng. Và còn phải kể đến cuộc điều trần của Faebook trước Quốc Hội Hoa Kỳ, cam kết tuân thủ những giá trị dân chủ và nhân quyền. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông trước đây là ông Trương Minh Tuấn có yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ những thông tin mà họ cho là xấu độc, nhưng rõ ràng đến bây giờ hai công ty này không tuân thủ. Vì thế có thể nói bây giờ Facebook đang tạm thắng, và Chính phủ Việt Nam thất bại.”
Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đương nhiệm của Việt Nam để yêu cầu bình luận nhưng không được trả lời.
Cũng có ý kiến nói rằng Facebook đã cho bà Diệp Thị Kiều Trang làm việc cho Facebook Việt Nam nghỉ việc từ ngày 1/1/2019 là để loại ra một người thân với Chính phủ Việt Nam.
Nhưng cũng có nguồn tin nói với chúng tôi rằng mặc dù có ẩn khuất gì đó đằng sau việc bà Kiều Trang nghỉ việc, nhưng vai trò của bà thực ra chỉ giới hạn trong việc tiếp thị mà thôi. Nhân vật chịu trách nhiệm điều hành Facebook chính yếu tại Việt Nam, cũng theo nguồn tin này, là bà Nguyễn Ánh Nguyệt, được Facebook thuê từ tháng 7/2018 tại Hà Nội.
Chúng tôi có tìm cách liên lạc với bà Nguyễn Ánh Nguyệt nhưng không được. Nhân vật này rất ít được biết đến ngay cả trong giới báo chí Việt Nam trong nước.
Cuộc điều trần của Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 9/2018, trong đó đại diện của Facebook nói rằng họ không đặt máy chủ tại Việt Nam và cũng không cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ trước cuộc điều trần đó cho đến nay đã có nhiều than phiền rằng Facebook đã hợp tác với an ninh Việt Nam để đóng những trang có nhiều chỉ trích Chính phủ Việt Nam.
Nhìn lại những sự việc đó, nhà báo Võ Văn Tạo sống tại Nha Trang nói rằng diễn biến mới từ sự cáo buộc của Chính phủ Việt Nam, ông cho rằng đã rõ những vụ đóng các tài khoản Facebook, trong đó có tài khoản của ông xảy ra là do lỗi ở cơ chế tự động của Facebook, được kích hoạt bởi những tài khoản thân với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc đóng tài khoản cũng xảy ra với ông Lê Trung Khoa tại Đức. Ông là nhà báo đầu tiên đưa tin Việt Nam tổ chức bắt người một cách bất hợp pháp trên đất Đức. Ông Lê Trung Khoa đã nhận được lời xin lỗi chính thức của Facebook và được giải thích là do lỗi lầm từ cơ chế tự động.
Tuy nhiên cũng có nhận định khác với ông Nguyễn Quang A và ông Phạm Chí Dũng về cáo buộc cứng rắn của Chính phủ Việt Nam.
Cô Nguyễn Vi Yên, trưởng nhóm SaveNet, từng gửi kiến nghị phản đối luật ANM lên Chính phủ Việt Nam, cho đài RFA biết:
“Mặc dù có làn sóng phản đối dữ dội từ tháng sáu cho đến giờ, như nhóm của chúng tôi với hơn 110 ngàn chữ ký, nhưng họ vẫn không phản hồi gì hết. Cho nên có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng.”Cô Vi Yên nói thêm rằng có lẽ luật ANM là một phép thử mà nhà nước Việt Nam đưa ra để từng bước kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, việc thực thi luật này cũng sẽ theo cái cách từng bước như vậy:
Có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng.
Theo Cô Nguyễn Vi Yên:
“Có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng.
Nếu họ dùng luật ANM bắt bớ ngay những người bất đồng chính kiến thì có thể làm cho người ta sợ, giảm hoạt động một chút, nhưng có lẽ họ cũng sợ vấp phải những phản hồi bất lợi không lường được không những từ trong nước mà còn từ quốc tế nữa.”
Dự báo về những bước đi sắp tới của Facebook và Google, ông Nguyễn Quang A và cô Nguyễn Vi Yên có cùng quan điểm cho rằng có thể Facebook sẽ có những nhượng bộ nào đó, nhưng tình hình hoạt động của những chỉ trích, phê bình trên mạng xã hội vẫn như cũ.
Ông Phạm Chí Dũng thì chỉ ra một nội dung trong những bản tin cáo buộc Facebook của truyền thông nhà nước Việt Nam;
“Khi cáo buộc Facebook, đến chổ biện pháp xử lý thì Chính quyền Việt Nam tỏ ra bối rối, chỉ nói rằng họ sẽ đấu tranh với Facebook, chứ chẳng đưa ra biện pháp cụ thể nào cả. Theo nguyên tắc thì họ có thể kiện Facebook, nhưng họ có dám làm không? Dựa trên cơ sở nào? Tôi cho rằng có ăn gan trời Việt Nam cũng không dám làm chuyện đó.”
Trước đây khi luật an ninh mạng mới ra đời, đã có ý kiến lo ngại nếu Facebook cương quyết không thỏa hiệp mà phải rút khỏi Việt Nam thì những nhà cung cấp công nghệ mạng người Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.
Nhưng cả ba người tham gia ý kiến vào bài viết này thì đều cho rằng khả năng đó về lý thuyết là có nhưng rất thấp vì vai trò kinh tế quan trọng đối với Việt Nam hiện nay của Facebook là rất lớn. Cô Nguyễn Vi Yên cho rằng các nhà làm chính sách Việt Nam chắc chắn cũng phải cân nhắc điều đó.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm nếu nhà nước Việt Nam cho phép điều đó xảy ra, tức là Trung Quốc tiến vào thống lĩnh không gian mạng Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả giá chính trị rất lớn trước nhân dân Việt Nam.
Việt Luận