Frank Fang
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã kết thúc một hội nghị chính trị kéo dài bốn ngày hôm 18/07, hứa hẹn sẽ thực hiện “các cải tổ toàn diện,” bao gồm cả những cải tổ nhắm vào nền kinh tế nước này. Bắc Kinh cũng công bố quyết định loại bỏ cựu ngoại trưởng khỏi cơ quan chính trị hàng đầu.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng hội nghị này chỉ mang tính hình thức, nhưng việc cải tổ ban lãnh đạo cho thấy sự tranh đấu nội bộ giữa các cấp cao nhất của Bắc Kinh.
Cuộc họp diễn ra hai lần trong một thập niên, gọi là Hội nghị Toàn thể lần thứ Ba này được triệu tập bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do lãnh đạo Đảng là ông Tập Cận Bình chủ trì. Theo Tân Hoa Xã, một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ủy ban đã thông qua một nghị quyết bao quát toàn bộ các quyết định của mình nhưng chỉ công bố phần tóm tắt nghị quyết đó cho công chúng dưới hình thức một bản thông cáo.
Trong thông cáo chung này có rất nhiều mục tiêu chính sách trải rộng—liên quan đến các lĩnh vực từ an sinh xã hội và phân phối thu nhập đến cải tổ hệ thống tài chính và chăm sóc sức khỏe—nhưng lại có rất ít chi tiết cụ thể.
Các chuyên gia cho biết thông cáo thiếu nội dung thực chất nhưng cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về cuộc tranh đấu chính trị có thể đang diễn ra trong nội bộ nhà cầm quyền cộng sản này.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá ngành Trung Quốc học tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: “Thông cáo chỉ gồm một số khẩu hiệu chính trị và hoàn toàn là sáo rỗng.” Ông gọi những cải tổ kinh tế được nêu trong thông cáo là “không có gì mới.”
Ông Cung Tường Sinh (Kung Shan-Son), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR), một tổ chức tư vấn ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ “đang xướng lại giai điệu cũ,” mặc dù thông cáo đề cập đến cải tổ trong nhiều lĩnh vực như quân sự, kinh tế, khu vực nông thôn, công nghệ, và phát triển nhân tài.
Ông Cung cho biết chỉ có thể biết thêm về chương trình cải tổ mới của Trung Quốc nếu ĐCSTQ quyết định công bố toàn văn nghị quyết của Ủy ban Trung ương. Theo ông Cung, nếu văn bản này được công bố rộng rãi, thì thế giới bên ngoài có thể biết liệu chương trình cải tổ có nội dung mới hay bất kỳ chỉ thị trực tiếp nào từ chính ông Tập hay không.
Chính sách
Thông cáo thảo luận về sự cần thiết phải “giải quyết” rủi ro trong lĩnh vực địa ốc và các khoản nợ ngày càng tăng mà chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ phải đối mặt. Thông cáo này cũng đề cập đến sự cần thiết phải “tăng cường cải tổ hệ thống quản lý đầu tư từ ngoại quốc và việc đầu tư ra ngoại quốc.”
“Các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại quốc lo ngại về sự an toàn của họ trước sự kiểm soát chặt chẽ và phòng ngừa rủi ro của Trung Quốc, vốn là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ,” ông Cung nêu rõ. “Việc đánh cắp công nghệ ngoại quốc cũng gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.”
Ngoài ra, một cải tổ sẽ nhằm mục đích “cải thiện và thúc đẩy” chính sách cơ sở hạ tầng ở ngoại quốc của Trung Quốc, được biết đến với tên gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ của Hạ viện Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đang sử dụng BRI để buộc các nước đang phát triển mắc nợ nhằm gây ảnh hưởng lên họ.
Theo thông cáo, mọi cải tổ sẽ được hoàn thành vào năm 2029, cho phép Trung Quốc đạt được “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” vào năm 2035.
Thông cáo cũng thảo luận về tầm quan trọng của an ninh quốc gia, kiểm soát xã hội, và vai trò lãnh đạo của Đảng—những vấn đề mà ông Cung cho biết đã bộc lộ mối lo ngại của ông Tập Cận Bình về việc duy trì quyền lực chặt chẽ của ông. Kiểm soát xã hội, hay cái mà ĐCSTQ gọi là “duy trì sự ổn định,” xoay quanh việc nhà cầm quyền này đàn áp những người biểu tình hoặc bất đồng chính kiến công khai chỉ trích Bắc Kinh.
Về tương lai của chính quyền Trung Quốc sau hội nghị, ông Phùng cho biết ông không mấy lạc quan, vì ĐCSTQ dường như vẫn tiếp tục ưu tiên đặt sự kiểm soát của Đảng lên trên sự thịnh vượng của người dân.
“Hội nghị không làm thay đổi đường hướng của Đảng, đó là khôi phục chủ nghĩa toàn trị [kiểu Mao] và củng cố quyền lực của Đảng,” ông Phùng cho biết. “Mặc dù hiệu quả kinh tế suy giảm mạnh, Đảng vẫn đang thắt chặt kiểm soát xã hội.”
Tranh đấu chính trị
Ngoài các mục tiêu chính sách, Bắc Kinh còn thông báo rằng ông Tần Cương—bộ trưởng ngoại giao tại nhiệm ngắn nhất của Trung Quốc, người đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong hơn một năm qua—đã chính thức từ chức khỏi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Theo một thông cáo được truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa ra, ĐCSTQ đã chấp nhận “đơn xin từ chức” của ông Tần và tước bỏ tư cách thành viên Ban Chấp hành Trung ương của ông.
Ông Tần, từng được xem là người được ông Tập Cận Bình đỡ đầu, đã bị thay thế mà không có bất kỳ lời giải thích nào vào tháng 07/2023, chỉ bảy tháng sau khi ông được thăng chức tại bộ trưởng ngoại giao.
Sự thiếu minh bạch đã làm dấy lên suy đoán của các nhà quan sát bên ngoài về lý do đằng sau một trong những cải tổ quan trọng nhất bên trong nội bộ ĐCSTQ. Nhiều người cho rằng việc ông hạ đài có liên quan đến một cuộc tình ngoài hôn nhân, trong khi một số khác lại viện dẫn sự tranh đấu chính trị nội bộ trong giới tinh hoa của Đảng như là lý do.
Tuyên bố hôm 18/07 không cung cấp thêm thông tin chi tiết hay nói rằng ông Tần phải chịu bất kỳ cuộc điều tra nào. Ad
Tuy nhiên, các nhà phân tích giải thích đây là một dấu hiệu tốt cho số phận của cựu nhà ngoại giao này.
Ông Phùng cho biết: “Ông Tần Cương được gọi là ‘đồng chí,’ cho thấy rằng ông chưa bị khai trừ khỏi Đảng và không phải chịu bất kỳ hình phạt nào, ngoài việc bị tước bỏ các chức danh.”
Ông nói, “Việc này giống như một cú hạ cánh mềm” đối với ông Tần, và cũng có thể giúp tránh làm mất thể diện ban lãnh đạo của Đảng, vì ông Tập đã thăng chức cho ông Tần lên vị trí bộ trưởng trước các nhà ngoại giao kỳ cựu khác.
Ông Cung, người theo dõi chặt chẽ hệ thống chính trị Trung Quốc, cho biết tuyên bố mới nhất cho thấy tình huống đằng sau việc sa thải ông Tần không nghiêm trọng như dự kiến. Ad
Ông so sánh mô tả của ĐCSTQ về ông Tần với mô tả của đảng này về một cựu bộ trưởng khác, ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu).
Theo thông cáo, ĐCSTQ cho biết hội nghị đã thông qua quyết định trục xuất ông Lý của Bộ Chính trị vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật,” một uyển ngữ thường được sử dụng cho các cáo buộc tham nhũng.
“Đơn xin từ chức của ông Tần Cương đã được chấp nhận, điều này rõ ràng khác biệt với cách đối xử với ông Lý Thượng Phúc,” ông Cung nói, đồng thời nêu rằng điều này cho thấy cách ĐCSTQ nhìn nhận mức độ nghiêm trọng trong các vi phạm của hai người cũng khác nhau.
Theo ông Cung, tuyên bố này dường như xác nhận có sự tranh đấu chính trị bên trong nội bộ của ĐCSTQ. Ông cho rằng sự hạ đài của ông Tần “nhiều khả năng” liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực của ông ấy với nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ, ông Vương Nghị (Wang Yi).
Trước khi ông Tần được bổ nhiệm làm ngoại trưởng vào tháng 12/2022, ông Vương đã giữ chức vụ này được gần một thập niên. Ông Vương đã đảm nhận lại chức vụ đó sau khi ông Tần bị sa thải. Nhà ngoại giao cấp cao này cũng là chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Đảng, trở thành cố vấn chính về chính sách đối ngoại cho lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Kể từ khi ông Tần biến mất, Bắc Kinh đã chính thức sa thải hơn chục quan chức quân sự cấp cao và lãnh đạo các công ty công nghệ quốc phòng lớn nhất đất nước. Các quan chức bị nhắm mục tiêu gồm những người chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn, một đơn vị quân đội chuyên giám sát các hỏa tiễn hạt nhân và hỏa tiễn thông thường của nước này.
Theo thông cáo, ĐCSTQ cũng thông báo hôm 18/07 rằng ông Tôn Kim Minh (Sun Jinming), tham mưu trưởng Lực lượng Hỏa tiễn, đã bị khai trừ khỏi Đảng vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Doanh Doanh biên dịch