Phát hiện một lục địa bị mất giữa Canada và Greenland

Phát hiện một lục địa bị mất giữa Canada và Greenland
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một lục địa bị mất nằm sâu trong nhánh phía nam của Bắc Băng Dương, được hình thành cách đây 60 triệu năm. (Ảnh: Jensbn/Wikimedia/CC BY 2.5)

Trong khi nghiên cứu các chuyển động kiến tạo mảng của khu vực giữa Canada và Greenland, các nhà khoa học tại Đại học Derby của Anh đã tình cờ phát hiện ra khối đất dài khoảng 400 km bên dưới eo biển Davis, được hình thành cách đây 60 triệu năm.

Họ giải thích rằng, vi lục địa nguyên thủy (proto-microcontinent) vừa được phát hiện là kết quả của một quá trình địa chất kéo dài. Đây là một mảnh vỏ lục địa tách ra từ một lục địa lớn hơn, hình thành do sự rạn nứt liên tục và sự tách dãn đáy biển giữa Greenland và Bắc Mỹ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng vi lục địa này đã tách ra khỏi Greenland sau một quá trình kiến tạo khiến khu vực này và Canada tách làm đôi vào khoảng 118 triệu năm trước.

Tiến sĩ Jordan Phethean nói với Phys.org: “Sự rạn nứt và hình thành vi lục địa là những hiện tượng đang diễn ra liên tục – với mỗi trận động đất, chúng ta có thể đang tiến gần hơn tới sự phân tách vi lục địa tiếp theo. Mục đích công trình của chúng tôi là hiểu sự hình thành của chúng đủ rõ để dự đoán sự tiến hóa trong tương lai”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra vi lục địa mới bằng cách sử dụng kết hợp dữ liệu độ dày lớp vỏ từ bản đồ trọng lực, dữ liệu phản xạ địa chấn và mô hình kiến tạo mảng. Bản đồ trọng lực chứa thông tin về mật độ đá, độ sâu và sự phân bố của các loại đá gây ra dị thường. Bằng cách tái tạo hoạt động kiến tạo xảy ra trong khoảng 30 triệu năm, nhóm nghiên cứu tập trung vào cách dị thường lớp vỏ hình thành.

Theo các nhà khoa học, với độ dày khoảng từ 17 đến 22 km, vi lục địa mới được phát hiện lớn hơn các vi lục địa khác. Họ nhấn mạnh rằng việc hiểu cách nó hình thành rất quan trọng đối với khoa học hiện nay.

Vi lục địa là một phần của vỏ lục địa, thuộc lớp ngoài cùng của Trái Đất. Lớp vỏ này được chia thành nhiều mảng kiến tạo, hay còn gọi là các tấm đá khổng lồ.

Ở độ sâu từ 80 đến 190 km dưới bề mặt, Trái Đất có tồn tại một lớp đá đặc biệt ở trạng thái giữa lỏng và rắn. Dưới tác dụng của nhiệt độ cực cao, đá tại đây dần chuyển sang trạng thái nóng chảy. Điều này dẫn đến sự hình thành một lớp vật chất có độ nhớt cao, có khả năng di chuyển chậm như chất lỏng đặc, nhưng vẫn giữ được một số tính chất của đá rắn. Chuyển động này sẽ đẩy các mảng kiến tạo, khiến chúng cọ sát vào nhau dẫn đến động đất và phun trào núi lửa. Khi điều này xảy ra, một khối đất có thể sẽ bị tách ra khỏi các lục địa chính và tạo thành vi lục địa.

Khoảng 118 triệu năm trước, vết nứt đầu tiên giữa Canada và Greenland bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, mãi đến khoảng 61 triệu năm trước, quá trình tách dãn đáy biển mới thực sự diễn ra, dẫn đến sự hình thành của vùng biển ngày nay được gọi là eo biển Davis.

Sau đó khoảng 3 triệu năm, các nhà khoa học báo cáo rằng hướng tách dãn đáy biển đã dịch chuyển từ đông bắc-tây nam sang bắc-nam, làm tách rời vi lục địa nguyên thủy tại eo biển Davis. Sự chuyển dịch này kéo dài khoảng 33 triệu năm và chỉ dừng lại khi Greenland va chạm với đảo Ellesmere nằm ở phía bắc.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ hy vọng những phát hiện của họ có thể được sử dụng để hiểu cách các vi lục địa nguyên thủy khác trên khắp thế giới hình thành, bao gồm vi lục địa Jan Mayen ở phía đông bắc Iceland và Gulden Draak Knoll ngoài khơi bờ biển Tây Úc.

Theo Daily Mail

Related posts