Còn về biển Đông, di sản của TBT Nguyễn Phú Trọng là gì?

Trương Nhân Tuấn

23-7-2024

Không thấy học giả nào bàn luận tới [di sản của TBT Nguyễn Phú Trọng về biển Đông], từ học giả quốc tế đến học giả quốc nội. Di sản lớn nhứt là việc ra luật về “danh mục bí mật độ tuyệt mật của đảng” tháng 11 năm 2020. Theo văn bản này thì mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biển đảo… từ thời điểm đó trở thành “chuyện tuyệt mật của đảng”.

Từ đó đến nay, báo chí Việt Nam hầu như bị “giới nghiêm”, không nhà báo nào dám viết bài liên quan đến vấn đề biển, đảo nữa. Bất kỳ ai nói, hay viết về chuyện này có thể bị buộc vào tội “tiết lộ bí mật quốc gia”. Đây là tội rất nặng, chiếu theo Bộ luật Hình sự.

Vì sao ông Trọng không muốn dân chúng bàn luận về những vấn đề này? Theo tôi biết, không phải vì “trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc”, mà vì ông Trọng quyết định giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng cách “khai thác chung” với Trung Quốc.

Một cách nôm na, “khai thác chung” có nghĩa tương tự ruộng đồng của Việt Nam từ nay nông dân Việt Nam sẽ cầy cấy chung với nông dân của Trung Quốc. Lúa gạo không biết sẽ chia bằng cách nào?

Theo tôi thấy, Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc trên mọi vấn đề ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Repsol rút giàn khoan, bất chấp khoản tiền bồi thường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ, đô la, vì yêu sách của Trung Quốc. ExxonMobil cũng rút giàn khoan ở mỏ Cá voi xanh, có lẽ vì bị Trung Quốc đe dọa…

Theo tôi biết, qua một số tài liệu đến từ cuộc hội thảo về Biển Đông giữa học giả Việt Nam và học giả Trung Quốc, vùng khai thác chung còn có thể là vùng Tư Chính.

Việt Nam cũng hợp tác với Trung Quốc về dự án “hai hành lang một vành đai”. Hai hành lang Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Hà Nội – Hải Phòng. Vành đai là đường bờ biển từ mũi Quỳnh Châu (Trung Quốc) bao gồm các tỉnh trong Vịnh Bắc Việt.

Việt Nam cũng gia nhập dự án “Vành đai – con đường của Trung Quốc”. Việt Nam cũng cam kết với Trung Quốc việc “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”…

Theo tôi thì đây là di sản nặng nề nhứt của ông Trọng để lại cho thế hệ sau. Di sản không hẳn là tích sản mà còn có thể là tiêu sản (nợ nần…). Tiêu sản này chắc chắn sẽ di hại đến đời con, đời cháu… Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể lấy lại quyền tự chủ, có thể “mời” Trung Quốc về nước…

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts