Tôi đi theo Cải Lương

Buổi trình diễn ở đảo Bidong vào tháng 11 năm 1986. Ngồi ở giữa là soạn giả Trúc Quân, bên cạnh là nhân viên Cao Ủy tay cầm hồ sơ phỏng vấn!

Mến tặng các anh Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn văn Tuấn, Quang Hà và Phúc Tiến, những người đã cho tôi nguồn cảm hứng để viết bài này.

Một buổi tối đầu tháng 6 năm 1999, tôi theo chân một vài người bạn đến thăm thi sĩ Lệ Hoàng ở Bankstown. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau kể chuyện văn nghệ, ca hát nghêu ngao. Chuyện xảy ra đã gần 20 năm mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Hôm đó, ngoài chị Đăng Lan, anh Vi Phát còn có một người mà tôi chưa hề gặp mặt. Chị mặc áo màu nâu đậm, ngồi nghiêm trang, ít nói, thỉnh thoảng cười nhẹ như góp chuyện với mọi người. Tò mò, tôi hỏi chị Lệ Hoàng thì được chị giới thiệu:

  • Xin giới thiệu, đây là chị Cúc, là soạn giả cải lương Trúc Quân đó.

Tôi chào chị Cúc, không giấu được sự kinh ngạc là ở xứ Úc xa xôi này có một soạn giả Cải Lương! Tôi nói chuyện với chị khá lâu. Thật ra, tôi không biết nhiều về Cải Lương nhưng điều lôi cuốn tôi là tấm lòng của chị đối với Cải Lương: chị muốn bảo tồn và phát huy bộ môn Cải Lương ở nước Úc này. Rồi chị kể những lần chị tổ chức Cải Lương, vừa làm soạn giả, đạo diễn, vừa bán vé, sắp đặt mọi việc trong ngoài.

Xúc động trước cảnh một phụ nữ lẻ loi tự gánh trên vai một việc làm to lớn và ý nghĩa, tôi buộc miệng:

  • Tôi sẽ tiếp tay với chị và sẽ giới thiệu bộ môn Cải Lương này đến với xã hội đa văn hóa Úc.

Câu nói trong cuộc gặp gỡ định mệnh ngắn ngủi này đã đưa tôi đến với Cải Lương và thay đổi cuộc đời của tôi rất nhiều trong 20 năm sau đó.

Chị đưa tôi 2 thiệp mời còn nóng hổi từ nhà in đi xem vở Cải Lương “Vợ và Tình” (mà chị là soạn giả) vào tuần lễ sau đó tại Bankstown Sports Club. Tôi mời mẹ tôi đi cùng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đưa mẹ tôi đi coi Cải Lương và cũng là lần đầu tiên tôi được xem “live” trọn một tuồng Cải Lương. Trước đó tôi chỉ được nghe Cải Lương qua dĩa nhựa, băng cassette hay xem qua loa một vài phút trên Đài Truyền Hình Saigon đầu thập niên 70. Hai mẹ con tôi còn được ngồi ở hàng ghế đầu. Thật là một vinh dự.

Cải Lương là… nước mắt

Thú thật là tôi đã khóc. Nhìn sang bên cạnh thấy mẹ tôi cũng chảy nước mắt. Tôi không hiểu Cải Lương có ma lực nào mà con tim tôi tưởng đã quá khô cằn sau bao biến động cuộc đời nay bỗng nhạt nhòa nước mắt. Mẹ tôi về nhà kể lại với mấy đứa em của tôi rằng:

  • Tuần rồi mạ đi coi Cải Lương với thằng M. Hay lắm. Mấy chục năm rồi giờ mới được coi Cải Lương. Mạ được ngồi ở hàng ghế đầu, thấy rõ người diễn trên sân khấu, thấy được họ khóc nữa. Mạ không hiểu thằng M. nó làm gì trong đoàn Cải Lương mà nghệ sĩ đến chào nó và người điều khiển chương trình xuống nói chuyện với nó hoài. Mãn tuồng có một diễn viên trẻ lắm (Ngọc Thành) chạy xuống hỏi nó:
  • Con diễn có được không chú?

Tôi giấu mẹ tôi là “tôi đi theo Cải Lương” vì sợ mẹ tôi la “xướng ca vô loại” và “ăn rồi làm chuyện tào lao, không lo cho gia đình”. Tôi định một ngày nào đó cũng sẽ cho mẹ tôi hay, chứ không thể giấu mãi được. Đối với một số bạn bè thân thiết, chẳng những tôi không sợ bạn bè cười mình “quê mùa” mà còn hãnh diện là đàng khác vì bây giờ tôi có một “sứ mạng” thật to tát và ý nghĩa: bảo tồn và phát triển Cải Lương ở xứ người.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về thế giới Cải Lương. Tôi vào thư viện và Internet tìm tài liệu. Nào là sách “Nghệ-thuật sân-khấu Việt-Nam: Hát-bội, cải-lương, thoại-kịch, thú xem diễn-kịch” của Trần Văn Khải xuất bản năm 1970, “Hồi ký 50 năm mê hát, Năm mươi năm cải lương” của Vương Hồng Sển xuất bản năm 1968 và đặc biệt là hồi ký của Giáo Sư Trần Văn Khê.

Thế giới bao la nhưng gần gũi

Buổi diễn tuồng “Quan Âm Thị Kính” vào tháng 6 năm 2005 tiếp tay với chùa Vĩnh Nghiêm gây quỹ giúp nạn nhân sóng thần ở Tích Lan. Từ trái sang phải: Mỹ Linh, Ngọc Hà (vai Thị Mầu), Bảo Trang (vai Thị Kính), Trọng Nghĩa, Lâm Nhật Quang, Hà Nam (anh đã cạo đầu để đóng vai nhà sư).

Tôi như một đứa bé đứng trước một rừng đồ chơi. Thật là một sự khám phá thú vị. Cải Lương là một thế giới bao la, đa dạng và rất chuyên môn, xứng đáng là một bộ môn nghệ thuật được nghiên cứu nghiêm túc tại đại học và có thể là đề tài của nhiều luận án tiến sĩ. “Hàn lâm” như vậy mà Cải Lương lại hấp dẫn và gần gũi với mọi giới từ bình dân đến trí thức!

Cải Lương đã biến thể từ nhạc đờn ca tài tử, ca ra bộ cuối thế kỷ 19 thành một bộ môn sân khấu được người Việt, nhất là người miền Nam đón nhận nồng nhiệt. Cải Lương đã đi từ đình chùa, lòng chợ thưở ban sơ đến rạp hát, hí viện mà điển hình là buổi trình diễn tuồng “Pháp Việt Nhứt Gia” ngày 16/11/1918 cách đây 100 năm tại Nhà Hát Lớn Saigon đường Catinat, hí viện lớn nhất Đông Dương thời đó.

Cải Lương đã đi từ Nam ra Bắc rồi Trung. Nhiều soạn giả trong đó có soạn giả Vạn Lý và nghệ sĩ đã chạy theo tiếng gọi của Cải Lương từ Bắc vào Nam lập gánh như đoàn Kim Chung, Kim Chưởng trong thập niên 50, 60.

Cải Lương đã đến Pháp nhiều lần. Ngoài những lần tham dự Hội Chợ Thế Giới Paris 1889, Hội Chợ Thế Giới Paris 1900, Hội Chợ Thuộc Địa Marseille 1906 khi còn là hát bội, đờn ca tài tử, Cải Lương còn được đoàn Phước Cương đem chuông đi đánh xứ người tại Hội Chợ Thuộc Địa Quốc Tế Paris 1931 tạo một tiếng vang lớn.

Chính phủ Việt Nam đã đưa nhiều đoàn nghệ sĩ sang Pháp giúp vui cho kiều bào trong thập niên 60, 70. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga cũng đã từng sang Pháp lưu diễn. Pháp được chiếu cố nhiều vì trước 1975, đây là quốc gia có đông kiều bào Việt sinh sống nhất, lên đến hàng trăm ngàn người. Đôi khi nghệ sĩ Cải Lương tiện đường xuôi Nam đến một số quốc gia ở phía Bắc Châu Phi để giúp vui cho kiều bào.

Cải Lương cũng được mang đến một số nước láng giềng như Thái, Lào, Miên để giúp vui cho kiều bào Việt Nam hay đến các nước ở Đông Nam Á để trao đổi văn hóa.

Trước 1975, số kiều bào Việt Nam tại Úc rất ít nên chính phủ Việt Nam hay bầu đoàn không đưa nghệ sĩ Cải Lương sang Úc trình diễn. Ngay cả Mỹ, Gia Nã Đại và một số nước ở Âu Châu, tuy kiều bào Việt Nam có phần đông đảo hơn nhưng Cải Lương phải đợi đến sau năm 1975 mới theo chân đoàn người tị nạn đến những quốc gia này.

Quả thật như vậy, Cải Lương đã theo chân cặp vợ chồng nghệ sĩ Điền Thanh – Bạch Lựu, nghệ sĩ Bảo Trang, soạn giả Trúc Quân và nhiều nghệ sĩ cải lương khác đến Úc trong thập niên 80. Trên đường đi, Cải Lương còn ghé qua trại tị nạn ở đảo Bidong, trại Sungei Besi ở Mã Lai nữa!

Buổi trình diễn Cải Lương vào tháng 11 năm 1986 tại đảo Bidong quả là có một không hai. Sáng hôm đó, phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn đến đảo để phỏng vấn chọn người chuyển về trại Sungei Besi gần Kuala Lumpur. Buổi tối họ được mời xem Cải Lương. Sau đó, từ diễn viên chính đến những em nhỏ đóng vai phụ (extra) đều được phái đoàn chấp thuận chuyển về Sungei Besi chờ định cư. Đa số những người này cuối cùng đều được nhân viên di trú Úc chấp thuận cho đi Úc. Thế là hạt giống Cải Lương đã được gieo trên đất Úc!

Hạt giống Cải Lương nẩy mầm

Sau buổi trình diễn vở “Vợ và Tình” vào tháng 6 năm 1999 tại Bankstown, anh em nghệ sĩ chúng tôi quyết định thành lập Đoàn Cải Lương Hoa Anh Đào để củng cố tổ chức và chuẩn bị mở rộng địa bàn hoạt động đến với khán giả Úc. Trước đó, anh em đã từng diễn với nhau một số vở như “Tướng cướp Bạch Hải Đường”“Lá Sầu Riêng” góp phần với cộng đồng gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão Linda năm 1997 nhưng chưa có tên tuổi chính thức. Nghệ sĩ Bảo Trang cũng đã thành lập nhóm “Hoa Thế Hệ” trong trường Văn Hóa Việt Nam để đào tạo mầm non Cải Lương. Và trước đó nữa, cộng đồng người Việt tại Úc lại được gặp và nghe nghệ sĩ thượng thặng Hữu Phước và Phượng Liên năm 1995 nhờ công khó của Điền Thanh – Bạch Lựu.

Niềm hy vọng còn dài: hai nghệ sĩ trẻ Thạch Vũ và Ái Thanh trong “Biển Mặn Niềm Đau” diễn vào tháng 10 năm 2017 gây quỹ sửa chữa Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sydney.

Mục đích của đoàn không là thương mại. Ước mơ của chúng tôi là bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật cải lương trên đất Úc. Chúng tôi còn muốn làm việc từ thiện nên chọn câu châm ngôn “Đem nghệ thuật phụng sự xã hội” cho đoàn.

Tháng 11 năm 1999, một cơn bão lớn đã tàn phá miền Trung Việt Nam. Xót xa trước hoàn cảnh bi đát của hàng trăm ngàn nạn nhân, cộng đồng người Việt trên khắp nước Úc đã tổ chức nhiều cuộc lạc quyên, gây quỹ cứu trợ qui mô.

Đoàn Cải Lương của chúng tôi góp tay bằng buổi trình diễn Cải Lương gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung tại Bankstown Sports Club vào tháng 1 năm 2000. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm “ông bầu”, một “ông bầu bất đắc dĩ” thiếu thốn mọi thứ: khả năng, vốn liếng, vòng quen biết rộng rãi. Tôi chỉ biết lấy tấm lòng mà bước tới. Đây cũng là lần đầu tiên đoàn diễn Cải Lương Hồ Quảng, vở “Lửa Loạn Cô Tô Đài”, dàn dựng khá tốn kém.

Chúng tôi bán được gần 500 vé sau gần 2 tháng trời tập luyện nhưng chỉ trình diễn được một buổi. Thực tế ở Úc là vậy. Thành phố Sydney chỉ có khoảng 80 ngàn người Việt làm sao sánh được với thành phố Saigon, cái nôi của Cải Lương, có gần 3 triệu dân thời hoàng kim trong thập niên 60. Ngày xưa đoàn Dạ Lý Hương có thể diễn cả tháng trời ở rạp Quốc Thanh mà vẫn còn khách. Diễn ở Saigon xong, đoàn còn về miền Tây hay ra Trung lưu diễn nữa.

Sau khi kết toán sổ sách, ông bầu lỗ nặng. Tiền vé không đủ trả chi phí. Anh em nghệ sĩ không lấy một đồng thù lao mà còn như vậy. Nhưng tôi được an ủi là số tiền lạc quyên trước, sau và ngay đêm trình diễn của đồng hương cho nạn nhân bão lụt khá cao, hơn 10 ngàn đồng vào thời đó. Ngoài ra, nhờ diễn từ thiện mà đoàn chúng tôi có thêm một số khán giả mới, bình thường chưa chắc họ đã đi xem Cải Lương.

Chúng tôi chuyển hết số tiền này cho Hội Hồng Thập Tự Úc. Chúng tôi không thể nào dùng tiền khán giả đóng góp cứu trợ để bù vào chi phí dàn dựng, trình diễn được. Chị Trúc Quân có vẻ ái ngại cho tôi lần đầu “ra quân” mà bị lỗ nên hứa sẽ gắng đi làm để trả lại cho tôi. Tôi khoát tay từ chối vì trước đây chị đã chịu đựng quá nhiều rồi. Thật ra, điều tôi lo ngại là nghệ sĩ sẽ không trình diễn nữa vì không có thù lao. Nhưng … tôi đã lầm. Anh em vẫn không muốn lấy thù lao từ đó đến nay. Tôi thật cảm động và ngưỡng mộ tấm lòng này.

Công thức sống còn

Tôi thử làm bài toán về tài chánh thì thấy rằng nếu khéo chi tiêu, tiền bán vé có thể trang trải mọi chi phí vì anh em nghệ sĩ không lấy thù lao. Dĩ nhiên đoàn phải trả lại cho anh em những chi phí mà họ đã bỏ tiền túi ra như tiền xăng, vé xe lửa đi tập dượt chẳng hạn. Vậy chỉ còn chi phí nặng nhất là tiền rạp. Nếu được giảm hay không phải trả tiền rạp thì chắc chắn chúng tôi sẽ có dư. Số tiền dư đó nhập chung với tiền đóng góp của đồng hương để gửi đến những người xấu số thì tuyệt biết bao. Còn nếu không dư mà bị thiếu một chút thì tiền đóng góp vẫn được gửi đến đầy đủ cho những người bất hạnh đó, ông bầu hay bà bầu có bị lỗ một chút cũng chẳng sao.

Nghĩ như thế nên trong gần 20 năm qua, đoàn chúng tôi vẫn giữ “công thức” như vậy cho trên 50 buổi trình diễn dù chị Trúc Quân hay tôi làm “bầu” (đa số do chị làm, tôi chỉ thỉnh thoảng thôi). Công thức này xem ra hiệu nghiệm nhưng chúng tôi phải đối đầu với hai vấn đề.

Thứ nhất là khán giả. Chúng tôi cần một số lượng khán giả tối thiểu, 400, 500 chẳng hạn, để tiền bán vé có thể trang trải chi phí. Thực tế là khán giả ngày một thưa. Đến nay, sau 20 năm hoạt động, chúng tôi chỉ còn bán được trên dưới 300 vé. Giới trẻ không đến với Cải Lương mà khách lớn tuổi thì chỉ có giảm vì lý do sức khỏe.

Thứ hai là nghệ sĩ tương lai của đoàn. Tre già thì măng phải mọc. Chúng tôi phải đào tạo tài năng mới, không thể dựa hoàn toàn vào nghệ sĩ được đào tạo trước đây ở Việt Nam mãi được. Trong ý hướng đó, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi tuyển tài năng ca cổ vào ngày 7/10/2000 và đồng thời gây quỹ cho Hội Hồng Thập Tự. Chánh chủ khảo của cuộc thi là soạn giả nổi tiếng Vạn Lý của đoàn Kim Chung thập niên 50, 60. Quán quân của giải, Kim Phượng, giờ đây là một nghệ sĩ chính của đoàn.

Nhiều bộ môn nghệ thuật cần sự tiếp tay, tài trợ của chính phủ, không thể để chúng tự bươn chải trên thị trường thương mại đôi khi tàn nhẫn vì sự canh tranh gay gắt hay sự tiếp thị dồn dập, vũ bão của những tập đoàn, đại công ty. Ở đây tôi không muốn nói đến sự tài trợ của chính phủ với mục đích chính trị, tuyên truyền. Nếu không có sự tài trợ vô điều kiện của chính phủ Úc, chưa chắc Opera Australia, Sydney Symphony Orchestra vẫn còn tồn tại và sống mạnh cho đến bây giờ.

Trong suy nghĩ đó, đầu năm 2001 chúng tôi kiện toàn tổ chức thành Nhóm Nghệ Sĩ Úc Châu rồi nộp đơn xin ngân quỹ (funding) của Chính Phủ Liên Bang qua cơ quan Australia Council for the Arts để trình diễn vở “Thảm Kịch Xanh” của soạn giả Trúc Quân. Vở tuồng này nói lên hai thảm trạng đang hoành hành và dày xéo nhiều gia đình: ma túy và cờ bạc.

Những hoạt động từ thiện của đoàn trong năm 2000 đã tạo được nhiều thiện cảm với chính phủ liên bang cũng như tiểu bang. Nay trước một kịch bản sống động với mục đích xây dựng một xã hội lành mạnh, cơ quan Australia Council for the Arts đã không ngại cấp ngân quỹ cho chúng tôi thực hiện và trình diễn vở “Thảm Kịch Xanh” ngày 29/9/2001 tại Bankstown Town Hall.  

Đến xem vở “Thảm Kịch Xanh” này, ông John Baylis, Manager Theatre của cơ quan, hài lòng và hãnh diện lắm. Ông nói đây là lần đầu tiên cơ quan tài trợ cho một buổi trình diễn nghệ thuật sân khấu Đông Phương thật lạ lùng. Ông còn dẫn theo người đạo diễn phim “The quiet American” đang chuẩn bị lên sàn quay. Nếu quý vị có dịp xem lại phim này, xin để ý cảnh tại một vũ trường, quý vị có thể nhận ra khá nhiều khuôn mặt nghệ sĩ của đoàn Cải Lương chúng tôi đấy!

Cải Lương lan tỏa khắp nơi

Từ đầu năm 2000, qua nghệ sĩ Quang Châu vốn đã đến với đoàn từ những ngày đầu tiên, chúng tôi bắt đầu đi tìm và liên kết với những nghệ sĩ Cải Lương Việt Nam ở Melbourne. Anh sống ở Melbourne, khôi nguyên của lớp diễn xuất Nhạc Viện Saigon năm nào, đi đi về về Sydney như cơm bữa, làm mưa làm gió trên sân khấu Cải Lương Sydney. Anh đã lấy nước mắt của rất nhiều khán giả, nhất là lần đóng vai Tùng trong “Nửa Đời Hương Phấn” vào tháng 10 năm 2014. Thường thì nghệ sĩ khi diễn không được khóc vì khóc thì không hát và diễn được nhưng vì quá nhập vai nên anh đã khóc thật rất nhiều lần.

Ngọc Hà, cô “đào lẳng” kiêm “đào thương” của đoàn, thường đóng chung với anh và đã chứng kiến giọt nước mắt thật của anh vì cô đứng cạnh cách có mấy phân. Ngọc Hà là người có tay nghề, từng “học nghề” với đoàn Thanh Minh Thanh Nga và là người đã đào tạo rất nhiều mầm non sau này cho đoàn.

Qua anh Quang Châu, chúng tôi kết nối được với nhiều nghệ sĩ Cải Lương khác ở Melbourne. Đoàn đã lưu diễn ở Melbourne và anh chị em ở Melbourne cũng thường lên Sydney trình diễn nhiều lần.

Ngay từ ban đầu, chúng tôi cũng đã liên kết được với anh Trần Minh Sách ở Brisbane. Anh là người mê Cải Lương, hát Cải Lương rất mùi và là tiền đạo đắc lực của chúng tôi ở Brisbane. Vừa diễn xong vở “Thảm Kịch Xanh”, đoàn chúng tôi tất tả lên Brisbane để trình diễn cho đồng hương xem vào đêm 13/10/2001. Chính anh, với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Brisbane, đã nộp đơn xin tài trợ với Bộ Nghệ Thuật, chính phủ tiểu bang Queensland và đã được chấp thuận. Qua sự tài trợ này, đoàn chúng tôi đã diễn vở “Tây Thi gái nước Việt” tại City Hall, Brisbane ngày 3/11/2002.

Chúng tôi còn có dịp trình diễn Cải Lương ở Perth và Darwin, cách Sydney vài ngàn cây số. Thế là hạt giống Cải Lương đã lan tỏa khắp nơi từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc của lục địa Úc bao la!

Những năm đầu tiên của chúng tôi đã có những bước tiến thật khích lệ như thế.

Cải Lương đơm hoa kết trái

Đoàn đã cộng tác và góp mặt tại những buổi gây quỹ từ thiện của nhiều hội đoàn khác. Đoàn cũng đã giúp vui tại nhiều hội chợ Tết của cộng đồng người Việt ở Sydney cũng như Brisbane.

Chúng tôi đã có cơ hội trình diễn nhiều vở tuồng nổi tiếng từ xưa như “Nửa Đời Hương Phấn”, “Tuyệt Tình Ca”, “Đi Biển Một Mình”, “Nhân Quả”, “Xử Án Phi Giao”, “Quan Âm Thị Kính”, nhiều thể loại từ tình cảm xã hội, Hồ Quảng đến kiếm hiệp! Nhưng điều chúng tôi hãnh diện vô cùng là đoàn có “thầy tuồng” Trúc Quân viết riêng cho đoàn những tuồng “độc chiêu” như “Vợ và Tình”, “Thảm Kịch Xanh”, “Tình Thù Rực Nắng”, “Biển Mặn Niềm Đau”, “Vợ Cưới Vợ Thừa”.

Chúng tôi cũng “đầu quân” được ca sĩ tân nhạc “chuyên trị” nhạc dạ vũ Kim Thúy. Cô ca rất mùi và đóng vai những bà mẹ đau khổ, nhọc nhằn, hy sinh cho con cái phải nói là xuất thần. Nhạc sĩ tân nhạc La Tuấn Dzũng đến tiếp tay, điều khiển sân khấu từ hậu trường âm thầm, lặng lẽ nhưng rất hiệu quả. Gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cũng đến với đoàn, góp tay cùng chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 Cải Lương vào tháng 11 năm ngoái. Cải Lương có pháp thuật nào mà đã thu hút được những tài năng tân nhạc xuất sắc này? Sự hợp tác của các anh chị đã giúp chúng tôi bớt lẻ loi và vững tin vào tương lai.

Chúng tôi không quên những nhạc sĩ vọng cổ như “thầy đờn” Thanh Xuân và anh em trong ban nhạc cổ đệm đàn suốt mấy tiếng đồng hồ mỗi lần diễn. Đó là chưa kể họ phải đờn cho anh em tập tuồng mà mỗi lần diễn anh em phải tập cả chục buổi! Tôi đã từng được ngồi nhắm mắt, lắng nghe tiếng đàn réo rắt của ban nhạc cổ ngay trước mặt mình trong gác trọ đêm khuya mà nghe như xé con tim, có khi lạnh cả xương sống. Chắc hẳn Văn Vĩ, Bảy Bá, Sáu Tửng và những danh cầm ở quê nhà sẽ hãnh diện với lớp hậu sinh ở Úc lắm!

Anh em hậu đài cũng theo đà tiến hóa của nhân loại, sử dụng dụng cụ ánh sáng và âm thanh tân kỳ, máy chơi dĩa CD, USB, computer, Ipad, Iphone, Internet v.v… để hỗ trợ cho diễn viên trên sân khấu. Anh em còn liên lạc nhau qua điện thoại di động, Facebook, Viber để tập tuồng.

Trong vài năm gần đây, cô Ngọc Hà đã mở lớp đào tạo tài năng mới, dành nhiều thì giờ để truyền lại kinh nghiệm và quan trọng hơn là tấm lòng yêu nghệ thuật của cô cho thế hệ mai sau. Nghệ sĩ Bảo Trang vẫn tiếp tục đào tạo nghệ sĩ như chị đã từng làm hơn 20 năm trước. Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy những Ái Thanh, Lê Trí, Thạch Vũ, Kim Phượng đã trở thành những nghệ sĩ ca và diễn xuất sắc không thua kém nghệ sĩ đàn anh, đàn chị.

Chính phủ tiểu bang, liên bang, hội đồng thành phố địa phương, câu lạc bộ nơi có người Việt sinh sống, nhà hàng, giới truyền thông Việt Ngữ và rất nhiều mạnh thường quân mà chúng tôi không thể kể hết tên đã và đang tiếp tay với đoàn vun xới hạt giống Cải Lương để vững sống cho đến ngày nay. Ngày nay nhiều cơ quan, câu lạc bộ, công ty tư nhân đã gia tăng việc tài trợ những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và đưa vào ngân sách sinh hoạt của họ. Đoàn có thể tận dụng thêm nguồn tài lực này như Opera Australia và nhiều nhóm trình diễn khác đã làm, thay vì dựa hoàn toàn vào tiền bán vé.

Cải Lương quả là một món ăn tinh thần thật giá trị và bổ ích cho người Việt ở Úc. Một món ăn ngon như vậy ta có nên mời người khác ăn cùng chăng? Nên lắm chứ, pizza của người Ý, yum cha của người Hoa, thức ăn Thái, Ấn, Nhật đã được người Úc hưởng ứng rộng rãi và nồng nhiệt. Mang Cải Lương đến với dân chúng Úc như là một đóng góp cho xã hội đa văn hóa này luôn là niềm ưu tư của chúng tôi. Nhiều vở opera diễn tại Úc hát bằng tiếng Ý mà khán giả vẫn mua vé giá thật đắt để xem đó sao. Sự hiện diện của một số người ngoại quốc tại lễ kỷ niệm 100 Cải Lương vừa qua đã cho chúng tôi niềm tin tưởng đó.

Chúng tôi chỉ còn một ưu tư là khán giả ngày một thưa. Chúng tôi phải tìm khán giả mới và nếu cần phải đổi mới từ hình thức tới nội dung. Làm sao để đưa khán giả trẻ về nguồn, về với tinh túy của dân tộc? Khán giả trẻ ở nước ngoài có tâm hồn thánh thiện, không bị vẩn đục, dễ hướng thiện nhưng dầu sao điều này vẫn là một thử thách cho anh em trong đoàn. Chúng tôi không thể đứng yên một chỗ mà phải tiến hóa và thích nghi. Chính nghệ thuật Cải Lương cũng đã làm điều đó trong 100 năm qua. Có thể thế hệ nghệ sĩ trẻ trong đoàn sẽ có một cái nhìn mới lạ và thoáng hơn. Tôi rất tin tưởng ở điều đó. Chúng ta có quyền an tâm là thế hệ trẻ có khả năng, thiện chí và can đảm để đứng ra nhận trách nhiệm lài léo đoàn trong những năm tới.

Cải Lương là … tình thương

Đến nay, đoàn đã hoạt động được 20 năm. Đó cũng là thời gian tôi đi theo Cải Lương. Tôi được học hỏi nhiều về Cải Lương. Nay tôi đã thấm thía Cải Lương đích thực là một nghệ thuật của dân tộc, sinh ra và lớn lên trong lòng những người dân hiền hòa, chất phác. Cải Lương ấp ủ tình tự, đạo lý dân tộc. Hơn 100 năm trước, Cải Lương đã bắt đầu bằng tuồng Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều khuyên răn mọi người phải giữ lễ nghĩa, đạo đức. 100 năm sau, Cải Lương vẫn đứng trên nền tảng đó.

Tôi biết có nhiều thế lực muốn khuynh loát Cải Lương, muốn biến Cải Lương thành công cụ cho một mưu đồ nào đó. Nhưng chúng tôi có thể hãnh diện nói rằng, trong xã hội tự do của Úc, đoàn chúng tôi không hề bị một áp lực nào buộc phải làm chương trình thế này, thế kia, kể cả buỗi lễ lớn nhất của chúng tôi là kỷ niệm 100 năm Cải Lương vừa qua. Chúng tôi chỉ phục vụ cho lý tưởng bảo tồn và phát huy Cải Lương của mình. Và không quên làm Cải Lương để gây quỹ giúp những người nghèo đói, bất hạnh.

Tôi cũng thấm thía trước những tâm hồn mộc mạc, bình dị nhưng đầy tình người của anh chị em nghệ sĩ và những mạnh thường quân, ủng hộ viên, khán giả trung thành với đoàn. Anh em đùm bọc, che chở, chỉ bảo nhau. Tôi đã thấy từ sau bức màn nhung những hình ảnh cảm động đó. Phải vinh dự lắm mới được chứng kiến tận mắt, tận tai. Anh em còn nghĩ đến nghệ sĩ tiền bối, già cả neo đơn sống vất vưởng nơi quê nhà.

Nhưng điều tôi thấm thía và cảm động hơn cả là tấm lòng yêu nghệ thuật của anh em nghệ sĩ trong đoàn. Anh em tập hát 3, 4 tháng trời để chỉ diễn có một lần mà không đòi hỏi thù lao. Không chỉ một đêm diễn mà trên 50 lần diễn trong 20 năm qua! Thật không thể nào tưởng tượng được. Đó chính là lý do vì sao Cải Lương vẫn còn tồn tại ở Úc cho đến bây giờ.

Trương Quang Minh

Sydney, 26/1/2019

Tái bút: Vì số trang có giới hạn nên tôi không thể nhắc hết tên của gần 70 nghệ sĩ, nhạc sĩ Cải Lương đã từng đến với Hội Nghệ Sĩ Việt Nam Úc Châu trong 20 năm qua. Xin các anh chị tha lỗi và nhận nơi đây lời tri ân thành kính của tôi. Các anh chị đã tô điểm cuộc đời của tôi thêm phong phú, ý nghĩa và cho tôi được thưởng thức những gì hay đẹp nhất của Cải Lương.




Related posts