Alex Wu
Các chuyên gia cho rằng bước đi này sẽ gây ra tác hại cho người dân và ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch áp dụng một loại thuế phụ thu địa phương mới, với quy mô trên lý thuyết của nguồn thu này lên tới gần 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (138 tỷ USD) mỗi năm để giải quyết khó khăn về nguồn thu của chính quyền địa phương sau cuộc họp cấp cao đầu tháng này, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Trong văn bản “Nghị quyết” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào giữa tháng 7 này, có ghi rõ rằng để giải quyết khó khăn về tài chính của các chính quyền địa phương, “cần phải tăng nguồn tài chính độc lập của địa phương, mở rộng nguồn thuế địa phương và mở rộng thẩm quyền quản lý thuế địa phương một cách phù hợp”.
Hãng truyền thông tài chính Trung Quốc China Business News đưa tin vào ngày 23/7 rằng dựa trên “Nghị quyết”, chính quyền đang có kế hoạch gộp thuế bảo trì và xây dựng đô thị, phụ thu giáo dục và phụ thu giáo dục địa phương thành một loại phụ thu địa phương. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ được phép xác định mức thuế cụ thể cho loại phụ thu mới này.
Trung Quốc đã áp dụng “thuế bảo trì và xây dựng đô thị” kể từ năm 1985, và nguồn thu này được chuyển cho chính quyền địa phương. Dữ liệu từ Bộ Tài chính của Trung Quốc cho thấy thuế bảo trì và xây dựng đô thị năm 2023 là 522,3 tỷ CNY (72 tỷ USD), chiếm khoảng 4,5% nguồn thu ngân sách công của địa phương.
Chính quyền Trung Quốc bắt đầu áp dụng “phụ thu giáo dục” ở cấp quốc gia vào năm 1986. Sau đó, các chính quyền địa phương cũng được phép áp dụng phụ thu giáo dục địa phương. Năm 2010, những phụ thu này đã được triển khai đầy đủ trên toàn quốc.
Phụ thu giáo dục và phụ thu giáo dục địa phương là các loại phí hành chính và cả hai đều thuộc nguồn thu địa phương. Thuế suất phụ thu giáo dục là 3% và thuế suất phụ thu giáo dục địa phương là 2%. Những loại thuế này được áp dụng cho tất cả các đơn vị làm việc và cá nhân, vốn thực sự nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu dùng.
Theo ước tính của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dựa trên mức thuế suất 5% đối với phụ thu giáo dục và phụ thu giáo dục địa phương, nguồn thu hàng năm trên lý thuyết từ hai loại thuế này sẽ là khoảng 427,3 tỷ CNY (khoảng 59 tỷ USD); cộng thêm 522,3 tỷ CNY (72 tỷ USD) thuế xây dựng thành phố vào năm 2023, 3 loại thuế và phí được gộp lại sẽ có tổng cộng khoảng 949,6 tỷ CNY (khoảng 131 tỷ USD).
Gây tác hại lớn cho người dân
Tin tức này đã gây ra một làn sóng phản đối trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ông Tạ Điền (Frank Xie), một giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói với The Epoch Times rằng ý định tăng thuế địa phương của chính quyền Trung Quốc có thể giúp họ giải quyết khó khăn tài chính của chính quyền địa phương, nhưng đây là một bước đi rất tệ đối với nền kinh tế Trung Quốc và sẽ gây ra tác hại lớn cho người dân Trung Quốc.
“Trong cuộc cải cách thuế gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã chuyển rất nhiều quyền và lợi ích về thuế cho chính quyền trung ương, vì vậy các chính quyền địa phương thực sự nhận được ít tiền hơn. Sau đó, họ đã nghĩ ra một cách để khắc phục vấn đề này, đó là bán đất”, ông Tạ nói.
“Bây giờ, sau khi bong bóng bất động sản vỡ, thu nhập từ việc bán đất đã giảm mạnh và gần như bằng không. Trên thực tế, nhiều chính quyền địa phương không còn có thể trả lương cho nhân viên của mình và phải xin tiền từ chính quyền trung ương”.
Ông Tạ cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ không để các chính quyền địa phương phá sản, nhưng chính quyền trung ương không đủ khả năng cứu trợ họ. “Bây giờ [chính quyền trung ương Trung Quốc] đang để các chính quyền địa phương tăng thuế và tự quyết định mức tăng”.
Ông Tạ dự đoán rằng các chính quyền địa phương sẽ tăng mạnh thuế và tăng gánh nặng cho người dân, “giống như giết con ngỗng đẻ trứng vàng. Điều này sẽ làm giảm áp lực thâm hụt của chính quyền, nhưng sẽ gây thêm áp lực cho người dân”.
“Mọi người sẽ phải chịu nhiều thuế hơn. Đây là một việc làm rất tệ”.
Có hại cho tiêu dùng và nền kinh tế nói chung
Nhà kinh tế học người Đài Loan Hoàng Thế Thông nói với The Epoch Times rằng tình hình tài chính của chính quyền Trung Quốc đang gặp khó khăn đáng kể, nhiều chính quyền địa phương đang mắc kẹt trong bẫy nợ.
“Việc áp dụng những loại thuế này chỉ là chuyển của cải từ người dân thường sang chính quyền địa phương”, ông Hoàng nói.
Ông cho biết điều này sẽ làm giảm sức mua của người dân, từ đó tác động đến hệ thống tài chính. “Động thái này chỉ là một hành động ngắn hạn, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Có thể một ngày nào đó, người dân sẽ không còn tiền để chính quyền thu”.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế học ở Mỹ, nói với The Epoch Times rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, quyền lực tài chính của chính quyền trung ương đã được mở rộng đáng kể, và tất cả tiền bạc đều được chuyển về cho chính quyền trung ương. “Bây giờ nợ nần đã gây áp lực lớn lên các chính quyền địa phương, và chính quyền trung ương không có tiền để cứu trợ họ, vì vậy quyền đánh thuế đang được trao cho các chính quyền địa phương ở nhiều nơi”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch