Mỹ từ chối công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Trong 72 quốc gia đã công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Trung Quốc xác nhận sớm nhất, vào năm 2004. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường của Mỹ.

Ngày 2/8, Bộ Công thương công bố thông tin ngày 2/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Kết luận do Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra sau một năm xem xét. Trong thông cáo, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố: “Việt Nam sẽ tiếp tục bị xếp vào diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính thuế chống bán phá giá tại Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam”.

Thông cáo nêu thêm rằng điều này có nghĩa là “phương pháp được sử dụng để tính thuế của Mỹ chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn được giữ nguyên”.

Bộ Công thương Việt Nam xác nhận việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

“Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.”, thông báo của Bộ Công thương cho hay.

Bộ Công thương bày tỏ quan điểm “lấy làm tiếc” đối với kết luận trên. Bộ này cho rằng kết luận đã khác nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ “xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng”.

Bộ Công thương cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Việc này nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương.

Bộ Công thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Khi đệ trình yêu cầu việc rà soát quy chế kinh tế phi thị trường lên Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 9/2023, Bộ Công thương Việt Nam nói rằng Việt Nam đã có những cải cách trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Mỹ xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, và cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá ở quốc gia này.

Theo Khoản 771(18) của Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ 1930, 6 tiêu chí khi xem xét một quốc gia kinh tế thị trường bao gồm:

(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền;

(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;

(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;

(iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân;

(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả và (vi) Các yếu tố khác.

Thống kê từ Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại – VCCI đến hết tháng 6/2024 cho biết có 72 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Trong danh sách có Trung Quốc (2004); Nga và các thành viên ASEAN (2007); Úc, New Zealand (2008); Ấn Độ, Hàn Quốc (2009); Nhật Bản (2011); các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sỹ (2012); Canada (2016) và Vương quốc Anh (2023)…

Hiện Mỹ vẫn coi Việt Nam là 1 trong 12 nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan.

Nguyễn Minh

Related posts