Hạt giống đỏ và kết cục đen

Lê Thiếu Nhơn

3-8-2024

Hôm nay, 3/8, thêm bốn cán bộ cấp cao được cho thôi nhiệm vụ, gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm và Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Bốn vị rời khỏi nhà đỏ, trẻ tuổi nhất và bất ngờ nhất là Đặng Quốc Khánh, sinh năm 1976.

Đặng Quốc Khánh nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường vào ngày 22/5/2023. Tính đến nay chỉ mới được 14 tháng ngồi ghế thượng thư.

Đặng Quốc Khánh từng là một hạt giống đỏ rất được kỳ vọng. Đặng Quốc Khánh có học vị tiến sĩ ngành quản lý đô thị, cũng không quan trọng bằng việc Đặng Quốc Khánh có thân phụ là Đặng Duy Báu đảm đương Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh từ năm 1996 đến năm 2005.

Năm 40 tuổi, Đặng Quốc Khánh đã là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vị chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước thời điểm ấy được thử thách bằng sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 6/7/2019, Đặng Quốc Khánh được điều chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Đại hội Đảng khóa 13, Đặng Quốc Khánh chính thức trở thành ủy viên Trung ương Đảng và tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thêm 2 năm, trước khi về kinh đô.

Ảnh: TTXVN

Bây giờ, Đặng Quốc Khánh quay lại “làm người tử tế” ở tuổi 48, có gì nghe xót xa và ngậm ngùi. Không lẽ Đặng Quốc Khánh chuyển sang làm thơ, như ngày nào ở vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã viết bài thơ “Đón anh về” được phổ nhạc hát vang lừng: “Sống bám đá mà đánh giặc. Chết hoá thành bất tử! Đồng đội đưa các anh về hội tụ giữa vòng tay chan chứa tình Hà Giang/ Thung sâu, rừng thẳm bao người đang nằm lại/ Dâng nén tâm nhang xin đón nhận ngày về”?

Hạt giống đỏ có kết cục đen là do đâu? Vì được “nâng đỡ không trong sáng”, hay vì kém tu dưỡng giữa quan trường nhiều cạm bẫy?

Cứ cái đà hạt giống đỏ rơi rụng bẽ bàng, thì chả còn biết tin tưởng ai nữa. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Related posts