Thụy Điển đã bày tỏ sự ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các công ty Trung Quốc khi khối này phát triển gói trừng phạt thứ 15 nhắm vào các nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã cho biết trong tuần này rằng có thể cần phải tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Thụy Điển Dagens Nyheter hôm 5/8, Ngoại trưởng Billstrom nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn dòng chảy một số hàng hóa từ Trung Quốc đến Nga, mà ông cho biết các nguồn tin của NATO ước tính chiếm khoảng 80% tổng số nguyên vật liệu mà Moscow cần cho nỗ lực chiến tranh của mình.
Theo bản dịch tiếng Anh bài phát biểu bằng tiếng Thụy Điển, Ngoại trưởng Bilstrom chỉ trích: “Với những hành động của mình, Trung Quốc đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Để chấm dứt hành động xâm lược của Nga, điều quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đã đang áp dụng.”
Lời kêu gọi của ngoại trưởng Thụy Điển được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các thực thể Trung Quốc đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt hiện tại của phương Tây, điều này cho phép Moscow tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự chống lại Kyiv bất chấp phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt.
Gói trừng phạt thứ 14 của EU đối với Nga được thông qua vào tháng Sáu, đã nhắm mục tiêu vào 19 công ty Trung Quốc trong tổng số 61 thực thể bị cáo buộc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Gói trừng phạt này bao gồm một loạt các biện pháp trừng phạt, kể cả hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ lưỡng dụng và cấm sử dụng các cơ sở của EU trong việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đến bất kỳ quốc gia bên thứ ba nào, bao gồm cả Trung Quốc.
Ngoại trưởng Billstrom lưu ý, Thụy Điển đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt này đối với các công ty Trung Quốc. Khi được hỏi về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể Trung Quốc, ông xác nhận rằng điều này có thể cần thiết để đảm bảo rằng “chúng ta bịt càng nhiều lỗ hổng càng tốt trong mạng lưới các biện pháp trừng pháp đã được áp dụng.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO
Phát biểu của ngoại trưởng Thụy Điển được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO được tổ chức ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Tại hội nghị này, các quốc gia thành viên NATO coi Trung Quốc là “quốc gia hỗ trợ quyết định” cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Liên minh quân sự phương Tây cũng bày tỏ lập trường cứng rắn đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc và những thách thức ngày càng tăng mà họ cho rằng Bắc Kinh gây ra cho an ninh của họ.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo NATO nhận định, quan hệ đối tác “không giới hạn” của Trung Quốc với Nga và “sự hỗ trợ quy mô lớn [của Bắc Kinh] cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga” đang tạo điều kiện cho Moscow tiến hành cuộc chiến của mình. Tuyên bố chung cũng kêu gọi Trung Quốc “ngưng mọi hoạt động hỗ trợ vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến tranh của Nga.”
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc Bắc Kinh đang hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga. Hồi tháng Bảy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích các cáo buộc của NATO là “vô căn cứ”.
Lập trường cứng rắn của Thụy Điển đối với Trung Quốc phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia được công bố gần đây của nước này, trong đó xác định Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh của Thụy Điển, không chỉ vì vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, mà còn vì các hoạt động an ninh và gián điệp rộng lớn hơn của Bắc Kinh ở châu Âu.
Cùng với Nga và Iran, tài liệu chiến lược an ninh quốc gia của Thụy Điển xác định Trung Quốc là quốc gia gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Thụy Điển khi cáo buộc Bắc Kinh góp phần gây ra một loạt “mối đe dọa hỗn hợp” mà quốc gia Bắc Âu này đang phải đối mặt.
Tài liệu này lưu ý: “Các mối đe dọa này [không chỉ] nhắm vào các tác nhân ở mọi cấp độ trong khu vực công của Thụy Điển, mà còn nhắm vào xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các cá nhân.”
Tài liệu chỉ ra: “Các biện pháp này bao gồm tấn công mạng, gây ảnh hưởng quá mức, gây sức ép kinh tế, phá hoại, tác động đến các dòng chảy quan trọng, di cư như một công cụ gây áp lực, các hoạt động tình báo bất hợp pháp cũng như thực hiện các cuộc tấn công và các hành vi bạo lực khác.”
Chiến lược an ninh của Thụy Điển cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, trong khi giảm thiểu rủi ro và sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, phù hợp với những thay đổi trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ.
Thụy Điển đã trở thành thành viên của EU kể từ ngày 1/1/1995 và gia nhập NATO vào ngày 7/3/2024.
Liên Hà, theo The Epoch Times