Tin VN sáng thứ Tư: Vụ chuyến bay giải cứu: Bắt nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka

Vụ chuyến bay giải cứu: Bắt nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka

Ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: vnconsulate-osaka.org)

Ông Nguyễn Hồng Hà bị bắt để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu”.

Ngày 4/10, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản.

Công an cũng thực hiện lệnh bắt bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Ông Hà bị điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Bà Ngọc Anh bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cả hai đều liên quan đến vụ thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các tỉnh, thành liên quan.

Mới đây hôm 27/9, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.

Vụ án này được cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1. Đến nay, đã có 22 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Hồi cuối tháng 6, cơ quan điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19 vừa qua. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng.

Trần Ba

Vụ nghiệm thu ‘khống’ 3,1 tỷ đồng tại dự án giao thông: Bắt thêm 1 một giám đốc

Công an đọc lệnh bắt ông Phạm Văn Hải. (Ảnh: congan.quangnam.gov.vn)

Công an Quảng Nam đã bắt thêm một giám đốc doanh nghiệp vì liên quan đến sai phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, xảy ra tại dự án đường giao thông nối huyện Nam Giang và Tây Giang.

Ông Phạm Văn Hải (SN 1954, trú ở TP.HCM), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Du lịch CIT (trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên – Huế), đã bị bắt tạm giam 4 tháng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vào ngày 3/10.

Ông Hải bị điều tra về hành vi nghiệm thu công trình không đúng với thi công thực tế, tại dự án đường giao thông nối xã Zuôih (huyện Nam Giang) với xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

Liên quan đến dự án trên, hồi cuối tháng 8, ông Thái Minh Hoàng (SN 1964), nguyên Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Nam Giang và ông Nguyễn Đình Tấn (SN 1959), Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn giám sát Bách khoa, cũng bị bắt giam, do sai phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan điều tra, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đường giao thông nối xã Zuôih với xã Lăng dài 32 km, tổng vốn đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng để mở tuyến đường dài 16 km.

Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Nam Giang làm chủ đầu tư, công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Du lịch CIT thi công và Công ty cổ phần tư vấn giám sát Bách khoa tư vấn giám sát.

Sau hơn 10 năm triển khai, dự án còn ngổn ngang, toàn tuyến hơn 7km toàn sình lầy, nhiều đoạn cỏ cây mọc um tùm. Một số hạng mục như mương nước bị phủ kín bởi cây bụi, một số đoạn bị hư hỏng do sạt lở. Tuy nhiên, công trình này vẫn được nghiệm thu, giải ngân số tiền 123 tỷ đồng với đoạn đường dài 10 km.

Cơ quan chức năng cáo buộc ông Hoàng (đại diện chủ đầu tư), ông Tấn (đại diện đơn vị giám sát) và ông Hải tiến hành nghiệm thu không đúng với thi công thực tế, gây thiệt hại số tiền 3,1 tỷ đồng.

Tháng 7/2022, ông Hoàng bị khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc.

Bảo Khánh

Phú Quốc: Lại phát hiện thi thể nam giới trôi dạt vào bờ biển

Trước đó, tại xã Dương Tơ, người dân phát hiện 7 thi thể nam giới, nghi là người Trung Quốc, trôi dạt vào bờ biển. (Ảnh: vtv.vn)

Tại bờ biển Bãi Dương thuộc ấp Bãi Vòng (xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc, Kiên Giang), người dân phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ.

Báo chí nhà nước cho biết thi thể được phát hiện vào khoảng 10h30 ngày 4/10.

Giới hữu trách nhận định thi thể là nam giới, khoảng 40 tuổi. Vị trí phát hiện thi thể nạn nhân nằm ở phía Đông của đảo Phú Quốc. Nơi đây cách xa khu vực phát hiện 7 thi thể vào ngày 29/9.

Công an TP. Phú Quốc cho biết đã có người ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, liên hệ cơ quan điều tra để nhận dạng. Nhà chức trách đang xác định nhân thân và điều tra nguyên nhân thiệt mạng của người đàn ông.

6 ngày trước, người dân phát hiện 7 thi thể nam giới trôi dạt vào bờ biển xã Dương Tơ. Công an tìm thấy 2 căn cước Trung Quốc trong ví của 2 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết 7 thi thể được nghi là những nạn nhân người Trung Quốc bị chìm tàu ở vùng biển Campuchia vào 22/9.

Công an Phú Quốc đã phát đi thông báo tìm nhân thân nhưng không có người đến nhận diện. Kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan điều tra xác định không có dấu hiệu tội phạm.

Do không xác định được danh tính nạn nhân nên sau khi khám nghiệm tử thi, lấy mẫu và lưu mẫu ADN, cơ quan công an đã giao Hội Chữ thập đỏ xã Dương Tơ an táng 7 thi thể này tại nghĩa trang nhân dân TP. Phú Quốc.

Minh Long

Thanh niên điều hành nhóm Antifan để tống tiền người nổi tiếng bị bắt, khởi tố

Vũ Văn Đức tại cơ quan điều tra. (Ảnh: congan.nghean.gov.vn)

Lợi dụng việc thông thạo về hệ thống Internet, Vũ Văn Đức đã lập nhiều tài khoản Facebook ảo rồi xin gia nhập, làm quản trị viên của nhiều nhóm Antifan, trang Fanpage, nhằm tống tiền người nổi tiếng.

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Văn Đức (SN 2000, trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, CSHS Công an tỉnh Nghệ An phát hiện trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, có một số người lập các nhóm Antifan, Fanpage có số lượng người theo dõi lớn.

Những trang, nhóm này chuyên đăng tải các thông tin đời tư, từ đó bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng nhằm đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, đây là loại tội phạm mới. Những người phạm tội không sinh sống ở một địa điểm cố định và có nhiều kiến thức chuyên sâu về hệ thống mạng Internet.

Đặc biệt, các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng lo sợ bị ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân nên không trình báo dẫn đến quá trình điều tra của cơ quan công an gặp nhiều khó khăn.

Sau khi xác minh, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ và khám xét khẩn cấp phòng trọ của Vũ Văn Đức tại phường Khai Quang (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và nhà ở của Đức tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, thu giữ 2 điện thoại di động, 1 thẻ ngân hàng và 1 máy tính xách tay.

Tại cơ quan điều tra, Vũ Văn Đức thừa nhận từ tháng 2/2022, do cần tiền tiêu xài và lợi dụng việc mình thông thạo về hệ thống mạng Internet, nên đã lập nhiều Facebook ảo rồi xin gia nhập, làm quản trị viên của các nhóm Antifan, trang Fanpage có số lượng người theo dõi lớn.

Sau đó, Vũ Văn Đức đăng các bài viết nhằm bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng để cưỡng đoạt tài sản.

Bước đầu, cơ quan công an xác định Vũ Văn Đức đã 3 lần cưỡng đoạt tài sản của một người nổi tiếng với tổng số tiền 128 triệu đồng.

Khánh Vy

Công an Bình Dương nói về nghi vấn ‘có cổ phần’ ở karaoke bị cháy khiến 32 người chết

Đại tá Trần Văn Chính khẳng định không có chuyện cán bộ công an có cổ phần trong quán karaoke An Phú (ảnh: NLĐ).

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke khiến 32 người chết, Công an Bình Dương khẳng định không có việc cán bộ công an có cổ phần trong quán karaoke An Phú.

Báo NLĐ đưa tin, ngày 4/10, tại họp báo về tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc dư luận cho rằng số người chết trong vụ cháy quán karaoke An Phú vừa qua là 33, chứ không phải là 32 như báo cáo. 

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an Bình Dương, khẳng định số người chết đến thời điểm này vẫn là 32 người, như đã công bố trước đây.

Ngoài ra, đối với những đồn đoán xung quanh việc công an có cổ phần trong cơ sở karaoke này, ông Chính cho rằng cần có thông tin cụ thể, đồng thời khẳng định chưa phát hiện trường hợp có cổ phần tại cơ sở karaoke An Phú.

Theo ông Chính, vụ án đang được mở rộng điều tra, không có vùng cấm. Sau vụ cháy quán Karaoke An Phú, Công an đã ra quân tổng kiểm tra hơn 600 cơ sở karaoke, trong đó, trên 270 cơ sở vi phạm. Công an đã tạm đình chỉ trên 50 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 4 tỷ đồng.

Huệ Liên

Related posts