9-8-2024
Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an Đặc khu kinh tế Bò Kẹo – Lào cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ liên quan, đã xuất kích tấn công tổ chức tội phạm chuyên hoạt động lừa đảo qua mạng. Kết quả, 155 đối tượng đã bị bắt, thu giữ hơn 100 hộ chiếu, gần 500 điện thoại, hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và nhiều công cụ, tài liệu.
Đây là một chuyên án đáng chú ý, bởi lẽ nhiều năm qua các vụ lừa đảo qua mạng liên tục xảy ra từ thành thị đến nông thôn, đẩy nhiều gia đình vào bi kịch không dễ chia sẻ. Tổ chức tội phạm vừa bị sa lưới ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo do người nước ngoài cầm đầu và hoạt động trong hai năm qua theo tiêu chí “dùng người Việt lừa người Việt”.
Thủ đoạn chủ yếu của băng nhóm này là tạo ra vỏ bọc thành đạt giàu sang rồi dụ dỗ đầu tư và mời gọi hợp tác bằng những chiêu trò khống chế tâm lý để chiếm đoạt tài sản của hàng chục nghìn người.
Theo công bố từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các vụ lừa đảo qua mạng không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, mà Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông tạm thời thống kê được 24 kiểu lừa đảo phổ biến. Năm 2023, người Việt Nam đã bị lừa đảo qua mạng chiếm đoạt 10 nghìn tỷ đồng.
Nghĩa là, tổ chức tội phạm vừa phanh phui ở Đặc khu kinh tế Bò Kẹo chỉ là một trong rất nhiều tổ chức tội phạm vẫn đang lợi dụng không gian mạng để quấy rối cuộc sống bình yên của người Việt Nam.
Từ một chuyên án đáng hoan nghênh tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo, cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa những cuộc ra quân trấn áp tội phạm lừa đảo qua mạng. Đặc biệt, phải truy quét các đối tượng thường mạo danh công an, tòa án, viện kiểm sát… để lừa đảo người dân lương thiện và cả tin.
Bởi lẽ, khi nhân viên công quyền bị mạo danh làm phiền lụy dân sinh, thì không chỉ làm hoen ố hình ảnh đại diện thực thi pháp luật, mà còn tạo ra nhiều hoài nghi về công lý và chính nghĩa trong cộng đồng.
Tội phạm lừa đảo qua mạng đã mang tính quốc tế, không còn là câu chuyện của riêng nước ta. Cho nên, ngoài việc hoàn tất hồ sơ một chuyên án tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo để đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe những kẻ dã tâm khác, rất cần thiết tham khảo kinh nghiệm và phối hợp tác chiến với các quốc gia trên thế giới để ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua mạng.
Xin lấy nước Nga làm ví dụ. Năm 2023, nước Nga đã có 15,8 tỷ ruble (tương đương 4.600 tỷ đồng Việt Nam) bị chiếm đoạt từ các vụ lừa đảo qua mạng, nên chính quyền bắt buộc các nhà khai thác dịch vụ điện thoại di động phải sử dụng hệ thống “Antifrod” (chống gian lận) để chặn các cuộc gọi đáng ngờ.
Mới đây, Tòa án quận Petrodvortsovy của thành phố St. Petersburg tuyên phạt nhà cung cấp dịch vụ di động Megafon với số tiền 600 nghìn ruble (tương đương 175 triệu đồng Việt Nam) vì đã cho phép thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo.
Nguồn: Tiếng Dân