Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp trong năm tài chính 2024 này, theo dữ liệu trên trang web của ngân hàng.
Nền kinh tế thuộc diện thu nhập trung bình thấp là nơi có Tổng Thu nhập Quốc dân (GNI) trên đầu người nằm trong khoảng từ 1.136 USD đến 4.465 USD/năm, được Ngân hàng Thế giới tính toán theo phương pháp mà họ gọi là Atlas.
Để phân loại cho năm tài chính 2024, Ngân hàng Thế giới dùng GNI đầu người của năm 2022 và việc chia nhóm được thực hiện hôm 1/7/2023 theo thông lệ hàng năm của ngân hàng. Họ cho hay các ước tính về GNI được các nhà kinh tế của ngân hàng này đưa ra chủ yếu dựa vào dữ liệu chính thức được các nước công bố.
Trung bình, mỗi người Việt đạt được GNI là 4.010 USD hồi năm 2022, tăng hơn 18 lần từ mức 220 USDhồi năm 1989, theo Ngân hàng Thế giới. Trong 2 thập niên cho đến năm 2009, Việt Nam là nước có thu nhập thấp. Từ đó đến nay, Việt Nam tiến lên một bậc, thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Trong cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6 về GNI đầu người, dưới Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, trong khi ở trên Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thu nhập trung bình cao với GNI đầu người là 12.850 USD.
Quy đổi theo tỷ giá trung bình của năm 2022, mức GNI đầu người 4.010 USDcủa Việt Nam tương đương khoảng 96 triệu đồng/năm hay 8 triệu đồng/người/tháng.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng về năm 2022 mới được công bố cho thấy người nào mỗi tháng có thu nhập hơn 10 triệu đồng là thuộc diện giàu có, các trang tin Dân Trí, CafeF và Truyền hình Quốc hội dẫn lại tin này hôm 17/4.
Nhóm hộ giàu nhất, tức là nhóm gồm 20% dân số giàu hàng đầu Việt Nam, có thu nhập bình quân một người mỗi tháng đạt 10,23 triệu đồng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số này cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất.
Tính trung bình trên toàn quốc, thu nhập bình quân của một người mỗi tháng hồi năm 2022 là 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Mức chi tiêu bình quân theo đầu người một tháng trên cả nước là xấp xỉ 2,8 triệu đồng, còn ở thành thị là 3,3 triệu đồng và ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng.
Tỷ lệ thanh niên Việt Nam thất nghiệp vẫn cao ở mức 11%
Hiện Việt Nam có khoảng 1 triệu 400 nghìn thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 bị thất nghiệp chiếm tỷ lệ 11% tổng số thanh niên trên cả nước.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam công bố số liệu và cho biết thêm, tỷ lệ thanh niên nông thôn thất nghiệp là 12,8% và thanh niên thành thị là 8,3%.
Theo Bộ này, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Theo báo cáo này, bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những nhóm khác.
Trong quý I/2024, tổng số lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên tại Việt Nam ước tính là 52 triệu 400 nghìn người; giảm hơn 137 nghìn người so với quý IV năm 2023.
Cũng theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý IV/2023 và so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I năm 2024, thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động tại Việt Nam được tổng kết là bảy triệu 600 nghìn đồng; tăng hơn 300 nghìn đồng so với quý IV năm 2023 và tăng gần 550 nghìn đồng so với cả năm 2023.
Những tồn tại của lao động Việt Nam được cho biết là chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường hiện nay. Gần 38 triệu lao động tại Việt Nam chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.
Khánh Vy