Nguyễn Đức
Trò chơi tất tay của Nga đã đặt hết nguồn lực quốc gia vào một cái rổ Ukraina. Nó đã bộc lộ những lỗ hổng chết người.
Mùa hè năm 2023, quân đội Kiev đã mở một cuộc tấn công qui mô với kỳ vọng tiến ra biển Azov, cắt đứt chiến tuyến làm đôi. Nhưng kết quả thì thảm bại.
Nhưng Ukraina cũng rút ra được một bài học, đó là: Nga đã đầu tư một tuyến phòng ngự vững chắc, tốn rất nhiều tiền của và công sức. Vì vậy, lao vào tấn công như cách đã làm chỉ làm hao tổn nguồn lực của quân đội Ukraina. Tổng thể nó sẽ làm suy yếu quân đội Ukraina.
Kiev cần có tiếp cận khác. Không phải ngẫu nhiên mà đã họ đã cho Quân đoàn tự do Nga tràn qua lãnh thổ Nga 2 lần. Với một nhúm quân tràn qua biên giới với mục đích xem phản ứng của đối thủ, xem hệ thống phòng thủ, phương tiện phòng thủ, con người phòng thủ… Và các tướng lĩnh Ukraina đã ấp ủ một kế hoạch táo bạo, không ai nghĩ đến. Đó là tấn công lãnh thổ đối thủ, buộc đối thủ phải chia lửa trên chiến trường. Mục đích làm suy giảm nguồn lực đối thủ và gây náo loạn, chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo.
Ngày 06.8.2024, quân Ukraina đã tràn qua vùng Kursk với một vài trăm đến 1.000 quân. Lần này họ mang quân tinh nhuệ, với sự hỗ trợ của máy bay và hỏa lực phòng không. Chỉ trong vòng 3 ngày họ đã chiếm được 430km2. Quan trọng nhất họ chỉ còn cách trung tâm tỉnh Kursk chỉ còn 40km. Đó là một đòn tấn công chớp nhoáng và đầy tính toán.
Từ đây họ cho một dàn drone như một chiến thuật bày đàn tấn công nhiều mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Đáng kể nhất là tấn công sân bay Lipetsk cách chiến tuyến 280 km làm nổ tung 700 bom lượn đang được cất giữ tại đây. Đồng thời tấn công vào tỉnh Belgorod và nhiều tỉnh thành khác.
Từng đàn drone tràn ngập trên bầu trời Nga để tấn công vào những mục tiêu đã định. Nga phải vất vả chống đỡ và sẽ tiếp tục chống đỡ.
Nó nói lên đều gì? Nó cho ta thấy Nga đã mang hết nguồn lực quốc gia bỏ vào cái rổ Ukraina và có nguy cơ không còn nguồn lực để đối phó nếu đối phương tấn công mình.
Nga đã không tiên liệu cho một cuộc chiến lâu dài khi chỉ lên kế hoạch cho một cuộc chiến 3 ngày. Sự chủ quan đã làm cho Nga sa lầy. Khi họ sa lầy, họ chơi tất tay. Được ăn cả, ngã về không.
Trong kinh doanh, dòng tiền là quan trọng. Có những dự án tuyệt vời đã chết ở ngưỡng cửa thiên đường vì không còn tiền. Nga đã dùng hết nguồn lực tích lũy trong nhiều thập kỷ vào cuộc chiến này và rất có nguy cơ vỡ trận.
Và nếu điều đó đúng thì rất có thể Putin đã đặt cược nước Nga vào ván bài Ukraina và cũng có thể đó là ván bài cuối cùng của cuộc đời mình.
N.Đ.