10-8-2024
Việc có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng bị cho thôi chức ngay trong ngày ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư vừa là dấu hiệu cho thấy công cuộc chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ, vừa là động thái răn đe để củng cố quyền lực của ông Lâm, các nhà quan sát chính trị nói với VOA.
Các ủy viên Trung ương phải ra đi gồm có Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng thời cũng là Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.
Thông cáo được Trung ương Đảng phát đi sau hội nghị toàn thể hôm 3/8 cho biết bốn vị này ‘có một số vi phạm’ theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương nhưng không nói rõ là vi phạm gì.
Trước đó trong ngày, hội nghị Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ tuyệt đối là 100% để ‘suy tôn’ ông Tô Lâm, chủ tịch nước, lên làm người lãnh đạo tối cao của Đảng thay cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin.
Tại cuộc họp báo ngay sau đó, tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục công tác phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ với phương châm như cũ là ‘không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai’.
‘Cờ đến tay là phất’
Việc một loạt ủy viên trung ương phải ra đi ngay ngày Tổng bí thư mới lên nắm quyền là điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, nó cho thấy ông Tô Lâm ‘cờ đến tay là phất, và phất một cách rất quyết liệt’.
“Nó có thể là lời răn đe đối với những người khác rằng từ nay cho đến Đại hội 14 thì việc sắp xếp lại nhân sự nằm trong tay tổng bí thư mới,” ông nhận định.
Theo ông A thì động thái này ‘chắc chắn có tác dụng làm cho các ủy viên trung ương phải sợ ông Tô Lâm’. Ông dẫn ra việc mặc dù 4 ủy viên trung ương buổi chiều bị mất chức nhưng buổi sáng hôm đó vẫn cùng toàn thể Trung ương Đảng bỏ phiếu 100% cho ông Tô Lâm.
Ông A cho rằng đây là ‘điều kỳ lạ’ và nó ‘cho thấy sự kinh sợ của các ủy viên trung ương’ trước ông Tô Lâm.
Tuy nhiên, nhìn bên ngoài thì nó lại gửi thông điệp về cuộc chiến chống tham nhũng vốn là di sản mang dấu ấn của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng theo lời của nhà quan sát này.
“Thông điệp là công cuộc đốt lò vẫn tiếp tục, bởi có những người và những vụ việc đã khởi động từ thời ông Trọng chủ trì công việc chống tham nhũng, nhiều hồ sơ đã có sẵn rồi thì những việc đấy vẫn được tiếp tục,” ông A nói và cho rằng việc này có tác dụng tuyên truyền rất lớn đối với người dân.
Nhưng việc Đảng không công bố vi phạm của 4 ủy viên trung ương bị mất chức lại ‘không hề làm cho người dân tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư mới’. “Người dân sẽ cho rằng các ông ấy đang đánh nhau,” ông nói thêm.
Theo lời nhà quan sát này thì ‘do chế độ độc tài sinh ra tham nhũng và không thể chống tham nhũng’ nên có lý do để tin rằng việc chống tham nhũng ‘là để loại bỏ những người không theo ý mình’.
‘Củng cố quyền lực’
Từ thủ đô Washington D.C., Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến, nhận định rằng đây là động thái ‘củng cố quyền lực’ của ông Tô Lâm.
“Làm việc bao giờ cũng phải có ê-kíp. Ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước thì cần phải có ê-kíp của riêng mình. Những người nào không hợp với ông hoặc thuộc phe đối lập với ông ấy thì đây là thời điểm ông ấy phải thanh trừng để củng cố quyền lực cho chính mình,” ông Quân nói.
Ông lưu ý việc báo chí Việt Nam dùng từ ‘suy tôn’ để mô tả việc ông Tô Lâm được Trung ương Đảng bầu lên làm tổng bí thư với số phiếu được cho là tuyệt đối.
Về việc Đảng ra thông báo kỷ luật ngay ngày ông Tô Lâm lên nắm quyền, ông Quân phân tích: “Nó củng cố quyền lực ngay lập tức, củng cố quyền lực một cách quyết liệt, và đưa ra một thông điệp là sẵn sàng xử lý bất cứ đối tượng nào.”
Về thông điệp chống tham nhũng qua động thái trên, luật sư này cũng cho rằng thông điệp chống tham nhũng của ông Tô Lâm ‘là công khai, rõ ràng và mạnh mẽ là ông ấy sẽ đi theo đường hướng của ông Nguyễn Phú Trọng’.
Tuy nhiên, ông nhắc lại việc ông Tô Lâm trong suốt quá trình đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng đã triệt hạ các đối thủ để bây giờ ‘đường ông ấy rộng thênh thang để ông ấy tiếp tục bước lên vị trí cao hơn’.
“Bây giờ dân chúng đã nhìn rất rõ, họ thấy không phải kỷ luật là chống tham nhũng mà chỉ là cái cớ mà thôi, cái cớ để người ta triệt hạ lẫn nhau nhằm củng cố quyền lực.”