Một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm (8/8) cho biết TikTok đã thao túng thuật toán của mình để quảng bá những ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và áp chế nội dung liên quan đến phát ngôn chống cộng. Phát hiện này lặp lại mối quan ngại lâu nay của Chính phủ Mỹ rằng các nước đối địch đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận để làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.
Báo cáo nghiên cứu có tiêu đề “Cuộc tấn công quyến rũ kỹ thuật số của ĐCSTQ” (The CCP’s Digital Charm Offensive) của Viện Nghiên cứu Truyền nhiễm Mạng (Network Contagion Research Institute, NCRI) cho thấy hầu hết nội dung ủng hộ ĐCSTQ đều đến từ các thực thể có liên kết với Chính phủ ĐCSTQ, bao gồm các tổ chức truyền thông và những nhân vật có ảnh hưởng.
Ví dụ, một số blogger làm video về du lịch ủng hộ ĐCSTQ đã không tiếc công sức đăng tải thông tin về phong tục, tập quán của Tân Cương và các khu vực khác, nhưng lại không đề cập đến việc Chính phủ Trung Quốc đã bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các “trại tập trung”.
Để tiến hành nghiên cứu này, các nhà phân tích đã tạo 24 tài khoản mới trên ứng dụng video ngắn TikTok của ByteDance, YouTube và Instagram, sử dụng 8 tài khoản “Sockpuppet” (tài khoản nhân bản, tài khoản con rối) giả làm người dùng trẻ 13 tuổi ở Mỹ để thu thập dữ liệu.
Tìm kiếm bằng tài khoản này với các từ khóa “nhạy cảm” chính trị của ĐCSTQ điển hình nhất gồm “Thiên An Môn”, “Tây Tạng”, “Duy Ngô Nhĩ” và “Tân Cương”, đã thu thập được hơn 3.400 kết quả tìm kiếm liên quan. Sau đó, những người đánh giá đã phân loại các video theo nội dung của chúng thành 4 loại: “ủng hộ cộng sản”, “chống cộng sản”, “trung lập” hoặc “không liên quan”.
Phân tích các kết quả tìm kiếm này cho thấy thuật toán của TikTok hiển thị tỷ lệ nội dung “ủng hộ cộng sản”, “trung lập” hoặc “không liên quan” cao hơn nhiều so với Instagram và YouTube. Có ít nội dung “chống cộng” hơn nhiều so với hai nền tảng còn lại.
Ví dụ trong kết quả tìm kiếm “Tây Tạng”, tỷ lệ video “ủng hộ cộng sản” được TikTok hiển thị chiếm 30,1%, cao hơn nhiều so với 13,7% của Youtube và 4,7% của Instagram. Để so sánh, TikTok chỉ hiển thị 5% video “chống cộng”, thấp hơn nhiều so với 12% của Youtube và 31,7% của Instagram.
Phân tích cho thấy, TikTok đang đàn áp nội dung chống cộng nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của các bình luận chỉ trích chính quyền ĐCSTQ. So với YouTube và Instagram, TikTok có tỷ lệ nội dung chống cộng thấp nhất. Đồng thời, 61% đến 93% kết quả tìm kiếm trên TikTok là nội dung ủng hộ cộng sản hoặc không liên quan. Điều này cho thấy TikTok khuếch đại một cách có hệ thống những nội dung ủng hộ cộng sản, và những nội dung không liên quan để phân tán sự chú ý, nhằm cố gắng che phủ tỷ lệ nội dung chống cộng chỉ còn sót lại rất ít trên nền tảng.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng TikTok tiến hành “chiếm quyền điều khiển thẻ (từ khóa)” bằng cách thao túng thuật toán, tức là gắn các thẻ phổ biến về các chủ đề mà Chính phủ ĐCSTQ cho là rất nhạy cảm hoặc mang tính khiêu khích vào các bài đăng không liên quan, nhằm mục đích khiến công chúng nhầm lẫn với những thông tin sai sự thật và làm chìm nội dung chân thực.
Trong kết quả tìm kiếm cho cụm từ “Duy Ngô Nhĩ” do thuật toán của TikTok đề xuất, tỷ lệ video bị đánh dấu là “không liên quan” cao tới 60,3%, trong khi tỷ lệ dành cho Instagram và YouTube là dưới 4%. Điều này cho thấy TikTok đã áp dụng chiến lược chiếm đoạt thẻ (tag / từ khóa) để làm suy yếu tác động của các ngôn luận chống cộng.
Mặc dù phân tích dữ liệu trên cho thấy xu hướng ủng hộ cộng sản trong thuật toán của TikTok, nhưng phân tích siêu dữ liệu về sự tham gia (lượt thích và lượt xem của người dùng) cho thấy trong số 4 “từ nhạy cảm” chính trị của ĐCSTQ, ngoại trừ “Tây Tạng”, nội dung chống cộng đã thu được mức độ tương tác của người dùng cao hơn đáng kể so với nội dung ủng hộ cộng sản.
Truyền thông thân cộng thống trị các chủ đề về Tân Cương
Trong các tìm kiếm liên quan đến “Tân Cương”, tỷ lệ nội dung ủng hộ Cộng sản trên YouTube và Instagram tăng vọt, đạt lần lượt 52,6% và 49,3%, cao hơn gấp đôi so với TikTok (24%). Các nhà nghiên cứu cho rằng sự bất thường này là do tài sản của các phương tiện truyền thông thân Cộng sản — bao gồm sự kết hợp giữa những chủ blog video du lịch có ảnh hưởng và các tài khoản truyền thông nhà nước — các tài khoản truyền thông này từ đầu đến cuối đều chiếm chủ đạo trong các thảo luận xã hội về những từ khóa này, do đó lật ngược kết quả tìm kiếm.
Trên YouTube, 4 trong số 5 tài khoản hoạt động tích cực nhất trong kết quả tìm kiếm đều là các phương tiện truyền thông chính thức hoặc bán chính thức của Trung Quốc (CGTN, South China Morning Post, ShanghaiEye và CCTV+), số lượng người hâm mộ tích lũy của họ đạt 8 triệu.
Sự thống trị của họ trong kết quả tìm kiếm từ “Tân Cương” là rõ ràng. Trong kết quả tìm kiếm của YouTube, 4 tài khoản ủng hộ ĐCSTQ này đã tạo ra 21,7% nội dung tìm kiếm cho “Tân Cương” và gần 40% nội dung ủng hộ ĐCSTQ.
“Đầu độc tâm trí người dùng trẻ”
Một nhóm nghiên cứu do ông Joel Finkelstein, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Rutgers, đồng thời là thành viên giám đốc kiêm giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Truyền nhiễm Mạng, dẫn đầu cho biết: “Điều bất thường ở TikTok là thông tin chính xác về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ bị loại trừ khỏi nền tảng một cách có hệ thống. Một cuộc khảo sát được thực hiện đồng thời với nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng TikTok nhiều (hơn 3 giờ một ngày), đánh giá hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc tích cực hơn đáng kể so với những người không sử dụng.”
Cuộc khảo sát cho thấy so với ‘những người không sử dụng TikTok’, đánh giá tích cực của ‘những người sử dụng TikTok nhiều’ về hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ đã tăng 49%. Ngược lại, việc sử dụng YouTube và Instagram không có mối quan hệ đáng kể với quan điểm của người dùng về hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ.
Không giống như YouTube và Instagram, việc sử dụng TikTok rõ ràng đã ảnh hưởng đến “quan điểm tích cực” của người dùng về “Thiên An Môn” như một địa điểm du lịch. “Người dùng TikTok liên tục” đồng ý rằng “Quảng trường Thiên An Môn là địa điểm du lịch nổi tiếng” cao hơn 41% so với người không sử dụng.
Ông Joel Finkelstein viết: “Sự thao túng này vượt ra ngoài khả năng sẵn có của nội dung, đến thao túng tâm lý, đặc biệt ảnh hưởng đến người dùng Gen Z”.
Báo cáo cho biết: “Những chiến thuật quỷ quyệt này có ảnh hưởng sâu rộng… định hình một cách hiệu quả quan điểm của nhóm mục tiêu của họ – suy nghĩ của những người dùng trẻ tuổi. Những người dùng này dường như đã vô tình tiếp thu những câu chuyện lệch lạc này, khiến sự hiểu biết của họ đối với các vấn đề lớn toàn cầu bị bóp méo.”
“Bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy TikTok thao túng thuật toán
Báo cáo xác nhận: “Thuật toán của TikTok tích cực ngăn chặn nội dung chỉ trích ĐCSTQ, đồng thời tăng cường tuyên truyền ủng hộ ĐCSTQ và quảng bá nội dung phân tán sự chú ý và không liên quan”.
Báo cáo cho biết, mặc dù những phát hiện hiện tại không thể chứng minh rằng đây là sự thao túng của ĐCSTQ, nhưng nó cung cấp “bằng chứng tình huống thuyết phục và mạnh mẽ” cho thấy TikTok đã bí mật thao túng nội dung.
Vào tháng 12 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Truyền nhiễm Mạng lần đầu tiên công bố báo cáo nghiên cứu sơ bộ, cho biết bằng cách phân tích số lượng bài đăng có thẻ cụ thể (từ ngữ nhạy cảm về chính trị), họ nhận thấy TikTok sẽ kiểm duyệt nội dung dựa vào việc liệu nội dung đó có phù hợp với lợi ích của chính quyền ĐCSTQ hay không, để tiến hành khuếch đại hoặc áp chế.
Sau khi báo cáo đầu tiên được công bố, TikTok đã tắt tính năng đo lường thẻ (hashtag). Động thái này khiến các nhà nghiên cứu không thể lặp lại nghiên cứu này một lần nữa.
Để tiếp tục nghiên cứu này, trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu “hành trình của người dùng” (user journey) bằng cách tạo các tài khoản mô phỏng trải nghiệm của thanh thiếu niên Mỹ khi sử dụng mạng xã hội.
Báo cáo đầu tiên chỉ tiết lộ khả năng TikTok thao túng nội dung, và không khám phá các thuật toán hoặc hoạt động kiểm duyệt cụ thể, đồng thời cho biết thêm rằng báo cáo mới này sẽ bù đắp cho những thiếu sót này.
Người phát ngôn của TikTok phản bác kết quả của báo cáo, nói rằng việc tạo tài khoản mới và tìm kiếm những từ khóa này không phản ánh trải nghiệm của người dùng thực.
Vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật buộc ByteDance phải bán tài sản TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên phạm vi toàn nước Mỹ.
TikTok sau đó đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ, yêu cầu hủy bỏ luật này, cho rằng Quốc hội không có bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của mình rằng ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia.
Viện Nghiên cứu Truyền nhiễm Mạng tại Đại học Rutgers bang New Jersey là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận bao gồm các nhà khoa học chính trị, chuyên gia bảo mật và nhà phân tích nghiên cứu. Tổ chức này nhận được tài trợ từ Đại học Rutgers, Chính phủ Anh và các tổ chức từ thiện tư nhân.
Theo Vương Quân Nghi, Epoch Times