Ông Nguyễn Nhân Chiến bị cáo buộc nhận hối lộ 14 tỷ đồng (khoảng 840,000 Úc kim) , trong đó nhận 13 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).
C03 đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh và Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh Bắc Ninh (Ban quản lý), cùng về tội Nhận hối lộ.
Ông Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn); Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Viết Toản và Nguyễn Đăng Linh, cùng là cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALCE, cùng bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, đang bỏ trốn, bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ. Bị can này trước đó đã 3 lần bị xét xử vắng mặt trong các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP.HCM với án tổng hợp 30 năm tù.
Theo kết luận điều tra, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng (mất năm 2021), liên hệ với Trần Văn Tuynh đặt vấn đề sẽ phụ trách xin vốn bổ sung từ Thủ tướng Chính phủ cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh.
Đổi lại, bị can Tuynh và chính quyền Bắc Ninh phải giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Bị can Tuynh đồng ý nhưng sau đó bà Nhàn cũng liên hệ và đặt vấn đề tương tự ông Phong.
Do biết bà Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Trung ương nên ông Tuynh báo lại việc này cho ông Sơn.
Sau khi thống nhất để “tránh va chạm”, Công ty Sông Hồng thực hiện 3 gói tại bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ; Công ty AIC thực hiện 3 gói tại Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài.
C03 cáo buộc các bị can đã vi phạm quy định đấu thầu, dùng quân xanh đấu thầu, nâng giá… Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao và gây thiệt hại 48 tỷ đồng cho ngân sách.
Trong vụ án, C03 cáo buộc ông Nguyễn Nhân Chiến đã nhận hối lộ 14 tỷ đồng từ Công ty Sông Hồng và AIC. Số tiền nhận hối lộ ông Chiến khai đã tiêu hết 4 tỷ đồng, còn 10 tỷ đồng xin nộp cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cũng nhiều lần nhận hối lộ của bà Nhàn và Công ty Sông Hồng với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng và đã chi tiêu cá nhân hết số tiền này.
Minh Long
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp thăm cấp nhà nước Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8.
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Dự kiến trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây cũng là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau trực tiếp trên cương vị mới.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cùng một số hoạt động quan trọng khác tại Bắc Kinh và Quảng Châu.
Chuyến đi cũng diễn ra ngay trước cột mốc hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Ông Tô Lâm được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 22/5 và đến ngày 3/8, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư.
Minh Long
Trường Đại học Hà Nội không còn lưu hồ sơ tuyển sinh hệ từ xa của ông Vương Tấn Việt
Trường Đại học Hà Nội cho biết hiện không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.
Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) là trường đại học đầu tiên cấp bằng cử nhân ngành tiếng Anh cho ông Vương Tấn Việt (ông Thích Chân Quang) vào năm 2001.
Như vậy, Trường Đại học Hà Nội là nơi ông Vương Tấn Việt nộp bằng cấp 3 làm điều kiện tuyển sinh đầu vào để theo học bậc đại học.
Năm 2019, ông Vương Tấn Việt tiếp tục được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 vừa học vừa làm, xếp loại giỏi tại Trường ĐH Luật Hà Nội.
Theo đại diện nhà trường, ông Việt theo học chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa trong thời gian từ năm 1994 – 2001.
Thời gian học ngành Ngôn ngữ Anh của ông Vương Tấn Việt kéo dài 6 năm 4 tháng, từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2000, hệ đào tạo từ xa. Bằng tốt nghiệp đại học của ông Việt được cấp vào đầu năm 2001.
Như vậy, thời gian đào tạo 6 năm 4 tháng nằm trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo từ xa.
Đáng chú ý, Nhà trường cho biết hiện không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.
Trường Đại học Hà Nội cho hay đã phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ học tập của ông Vương Tấn Việt. Sau khi có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt, nhà trường sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ông Vương Tấn Việt thời gian qua gây xôn xao dư luận khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm.
Phía Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT và quyết định của nhà trường.
Tiếp đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa xác minh ông Vương Tấn Việt không có trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM,
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết kết quả xác minh bước đầu của Bộ cho thấy việc nghi ngờ giá trị tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ.
Bộ GD-ĐT đã kiểm tra trên hồ sơ tại kho lưu trữ của Bộ từ cách đây hơn 1 tháng, và xác định ban đầu là “ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM”.
Bộ GD-ĐT còn đang gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thành lập hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Ông Vương Tấn Việt, tức ông Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa bị kỷ luật không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.
Thời gian qua, trước hàng nghìn người, ông Thích Chân Quang đã nói về nhân quả. Trong đó có một số nội dung gây hoang mang dư luận như: “Ai hát karaoke nhiều người đó có nguy cơ chết làm ma câm”; “không có chuyện gì đáng để đi mà xách xe đi tào lao, tốn xăng, làm ô nhiễm không khí thì về già sẽ phải nằm một chỗ, tức là bị tai biến hoặc bị liệt”; “người câu cá là những người lừa đảo”… Các bài giảng được đưa lên website của thiền tôn Phật Quang và mạng xã hội.
Minh Long