Nguồn: Tasnim Nazeer, “First Known Survivor of China’s Forced Organ Harvesting Speaks Out,” The Diplomat, 10/08/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lời khai của Trình Bội Minh đã cung cấp một cái nhìn hiếm hoi và đáng lo ngại về nỗi kinh hoàng mà các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc phải đối mặt.
Trong một tiết lộ rùng rợn, Trình Bội Minh, người sống sót đầu tiên được biết đến của chiến dịch cướp nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đã trò chuyện với nhà báo Tasnim Nazeer của tờ The Diplomat về quá trình sống sót trước nghịch cảnh của mình.
Trình đã công khai chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng của mình tại một cuộc họp báo ở Washington, D.C., vào thứ Sáu ngày 09/08/2024, phơi bày câu chuyện của mình và tình trạng cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Lời khai của ông đã cung cấp một cái nhìn hiếm hoi và đáng lo ngại về nỗi kinh hoàng mà các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, phải đối mặt. Ông được cho là người sống sót duy nhất được biết đến của nạn cướp nội tạng ở Trung Quốc, và lời khai của ông là chưa từng có trong việc phơi bày những tội ác ẩn giấu của ngành công nghiệp tàn bạo này.
Trình, người đến từ một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Sơn Đông, đã bị giam giữ và tra tấn nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2004 vì thực hành Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh có nguồn gốc từ Phật giáo. Tin rằng Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của họ, chính quyền Trung Quốc đã xem Pháp Luân Công là một giáo phái nguy hiểm và đã đàn áp một cách có hệ thống những người thực hành đạo trong suốt hàng chục năm.
Nói chuyện từ trong một chiếc xe hơi ở Washington, D.C., Trình nói với tôi: “Vào một ngày năm 2002, tôi được yêu cầu thu dọn đồ đạc và đột ngột bị chuyển đến Nhà tù Cáp Nhĩ Tân rồi sau đó là Nhà tù Đại Khánh. Ở đó tôi càng bị tra tấn nặng nề hơn.”
Trình hồi tưởng lại sự tàn bạo ngày càng gia tăng mà ông phải đối mặt khi bị giam giữ. Trong một lần đặc biệt khủng khiếp, ông đã bị tra tấn đến mức bất tỉnh.
Trong thời gian bị giam cầm, Trình đã bị buộc phải xét nghiệm máu – một dấu hiệu đáng ngại về khả năng nội tạng của ông có thể được dùng để cấy ghép. “Họ đã xét nghiệm máu tôi nhiều lần và tra tấn tôi bằng đủ loại hình thức vô nhân đạo,” ông nói.
“Sự tra tấn trong nhà tù rất có hệ thống. Một là tra tấn tinh thần và hai là tra tấn thể xác. Về mặt tinh thần, họ gây áp lực cho tôi và các thành viên trong gia đình tôi vì họ muốn tôi từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công, và nếu tôi không làm vậy thì họ sẽ ép vợ tôi ly hôn khi tôi ở trong tù.” Trình được cho biết rằng nếu vợ ông không ly hôn với ông, bà sẽ phải đối mặt với sự bức hại tương tự như những gì ông đang phải đối mặt.
Sau nhiều giờ tra tấn dã man theo kiểu “phanh thây,” trong đó chân tay ông bị kéo căng đau đớn từ bốn phía, Trình đã nuốt một chiếc đinh nhỏ rỉ sét và một lưỡi dao cùn mà ông tìm thấy trong phòng tra tấn. Dù không có dấu hiệu bệnh tật ngay lập tức, nhưng ông vẫn bị buộc phải đến bệnh viện vào ngày 16/11/2004.
Gia đình ông được thông báo rằng ca phẫu thuật của ông, được cho là để loại bỏ những vật mà ông đã nuốt, có tỷ lệ tử vong đến 80%.
“Họ nói tôi phải phẫu thuật nhưng tôi kiên quyết từ chối. Thế là họ đè tôi xuống rồi tiêm một mũi, và tôi nhanh chóng bất tỉnh, ” Trình kể lại. “Khi tỉnh dậy, tôi vẫn còn ở trong bệnh viện và cảm thấy bên sườn đau khủng khiếp. Có một ống máu được nối với tôi. Tôi bị còng vào giường.”
Trình bị còng vào giường bệnh, với ống truyền IV được dán vào chân, ống dẫn lưu ở ngực trái, ống thở oxy ở mũi, và một vết mổ dài 35 cm ở ngực trái. Thông thường, việc loại bỏ những vật thể như vậy sẽ được thực hiện thông qua nội soi, nhưng Trình lại phải trải qua phẫu thuật mở lồng ngực.
“Các bác sĩ và một số quan chức của ‘Văn phòng 610’ có mặt ở đó,” ông nhớ lại. Văn phòng 610 là một tổ chức bí mật và quyền lực khét tiếng của chính quyền, được giao nhiệm vụ thực hiện việc đàn áp Pháp Luân Công.
Sau cuộc phẫu thuật cưỡng bức, Trình bị đưa trở lại trại giam tại Nhà tù Đại Khánh, nơi ông bị khó thở và mệt mỏi nghiêm trọng. Dù phải chịu đựng sự tra tấn liên tục của các cai ngục vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, Trình vẫn rất kiên quyết.
Tháng 3/2006, ông bắt đầu tuyệt thực và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đại Khánh Long Nam. Khi đến nơi, chị gái ông đã có mặt và chứng kiến Trình bị còng vào giường bệnh. Một cai ngục thông báo với chị gái ông rằng Trình đã nuốt một con dao và cuộc phẫu thuật cần thiết để lấy con dao đó ra có tỷ lệ tử vong là 80%. Đây là lần thứ hai gia đình được cung cấp thông tin như vậy, nhưng lần này, cả Trình và gia đình ông đều không được yêu cầu đồng ý phẫu thuật.
Trình khẳng định rằng ông không nuốt bất kỳ đồ vật nào và không có tình trạng bệnh lý nào cần phải phẫu thuật trước khi bị ép buộc phải đến bệnh viện. Ông tin rằng chính quyền đang lên kế hoạch giết mình.
Đêm đó, trước khi diễn ra ca phẫu thuật đã được lên lịch, Trình yêu cầu được cởi còng để sử dụng nhà vệ sinh ở cuối hành lang. Khi ông quay lại phòng, người bảo vệ đã quên không còng ông lại và ngủ thiếp đi, vô tình tạo cơ hội cho ông trốn thoát qua cầu thang thoát hiểm bên trong bệnh viện.
“Tôi để ý thấy có lối thoát hiểm khi đi vệ sinh và tôi biết nó ở đâu nên có thể dùng nó để cố gắng trốn thoát khỏi bệnh viện… Tôi chạy xuống cầu thang và gọi taxi trước bệnh viện rồi nhanh chóng rời khỏi khu vực đó, đi thẳng vào thành phố Thiên Tân,” ông nói.
Trình đã trốn thoát sang Thái Lan và đến sống trong trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Sau một cuộc đào thoát đầy kịch tính khỏi Trung Quốc và chín năm trốn tránh chính quyền, Trình đã đến được Mỹ vào năm 2020.
Một khám phá nghiệt ngã
Khi đến Mỹ, Trình đã trải qua một loạt cuộc kiểm tra y tế để xác nhận nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của mình: các phần của gan và một phần phổi của ông đã bị phẫu thuật cắt bỏ.
“Lúc đó, tôi không nhận ra đó chính là cướp nội tạng. Sau khi trải qua các xét nghiệm y tế, tôi mới phát hiện ra rằng nội tạng của mình đã bị cướp,” Trình giải thích. “Một phần gan và phổi của tôi đã bị cắt bỏ. Tôi thậm chí còn không biết về điều đó cho đến khi được khám ở Mỹ.”
Các chuyên gia cấy ghép đã xác nhận thông qua chụp CT gần đây rằng Trình bị thiếu phân thùy 2 và 3 của thùy gan trái, cũng như một nửa thùy dưới bên trái của phổi. Những phát hiện này, cùng với một báo cáo chi tiết về trường hợp của ông, đã được trình bày trước một hội thảo ở Washington D.C.
Đã liên tục xuất hiện những cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang tham gia vào việc cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm – chủ yếu là thành viên của Pháp Luân Công, nhưng cũng có cả những người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng – suốt nhiều thập kỷ.
Năm 2021, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về những thông tin đáng tin cậy về hoạt động này. “Cướp nội tạng ở Trung Quốc dường như nhắm vào các nhóm thiểu số dân tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo cụ thể đang bị giam giữ tại các địa điểm khác nhau, những người thường không được giải thích lý do tại sao họ bị bắt giữ hoặc không được xem lệnh bắt giữ,” họ nói. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về phân biệt đối xử với các tù nhân hoặc người bị tạm giam dựa trên sắc tộc, tôn giáo, hoặc tín ngưỡng của họ.”
Nhưng rất khó tìm được bằng chứng. Các nhà phân tích đã phải dựa vào việc phân tích tỉ mỉ các số liệu thống kê về hiến tặng nội tạng và hồ sơ y tế của Trung Quốc để điều tra vấn đề này.
Nhưng lời khai của Trình đã thay đổi mọi thứ.
David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế và đồng sáng lập Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), đã bình luận về tầm quan trọng của vụ việc của ông Trình:
Vấn đề đặc biệt này đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên sâu, vì không có nạn nhân nào còn sống, không có thi thể để khám nghiệm tử thi, cũng như không có hiện trường vụ án hay tài liệu nào dễ tiếp cận… Cho đến nay, chưa có ai có thể đứng lên và nói rằng họ đã bị giết để lấy nội tạng. Thi thể thường được hỏa táng sau khi bị cướp nội tạng nên không có gì để xem xét cả.
Trình có thể nói rằng ông đã bị cướp nội tạng vì có những phần gan và phổi của ông bị mất, và điều đó là không thể chối cãi. Nó cung cấp một bằng chứng trực quan, một nạn nhân còn sống để lên tiếng, mà chúng ta chưa từng thấy trước đây với kiểu lạm dụng này.
Matas nhấn mạnh tính chất chưa từng có tiền lệ trong sự sống sót của Trình, nhưng cũng lưu ý rằng “sự sống sót của Trình thật sự đáng sợ vì đây là trường hợp đầu tiên tôi được chứng kiến – một người thậm chí không biết [mình đã bị cướp nội tạng] cho đến khi đến Mỹ và được kiểm tra.”
“Trường hợp này củng cố quan điểm rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị ác quỷ hóa đến mức họ không được đối xử công bằng, và sự ngược đãi đó mở rộng đến việc cướp nội tạng.”
Matas, người đã nghiên cứu sâu rộng về cướp nội tạng ở Trung Quốc, cũng đã đưa ra một tuyên bố tại cuộc họp báo, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình và kêu gọi chính phủ Trung Quốc giải trình. Matas tin rằng, mỗi năm, ước tính có hơn 100.000 người bị giết vì mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.
Những nỗ lực của một người ủng hộ không mệt mỏi
Giáo sư Sen Nieh, người đã dành hàng chục năm giải cứu các tù nhân lương tâm như Trình, đã đóng vai trò then chốt trong việc đưa ông đến Mỹ. “Mọi chuyện bắt đầu vào cuối năm 2015, khi một người bạn mang những bức ảnh Trình với vết sẹo dài trên cơ thể đến chia sẻ câu chuyện của ông với tôi,” Nieh nhớ lại. “Điều này khiến tôi vô cùng cảm động và tôi quyết định giúp đỡ ông ấy. Tôi đã đến gặp các thành viên Quốc hội, ủy ban đối ngoại, và thượng nghị sĩ, nhiều người trong số họ rất cảm động và đã viết thư ủng hộ.”
Sau nhiều năm nỗ lực và được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, Nieh đã thành công trong việc đưa Trình sang Mỹ vào tháng 7/2020. “Ông ấy đang lẩn trốn ở Bangkok, và công cuộc giải cứu cuối cùng phải mất 5 năm. Với tôi, đó là một phép màu; tôi gần như đã bỏ cuộc, nhưng mọi chuyện đã thành công. Trình có lẽ là nhóm người cuối cùng có thể đến Mỹ trước lệnh phong tỏa vì COVID-19.”
Nieh nhấn mạnh tầm quan trọng của lời khai của Trình, nói rằng: “Không ai hiểu được chúng tôi muốn nói gì về một người sống sót sau khi bị cướp nội tạng vì 99,9% nạn nhân đã chết sau khi mổ lấy nội tạng. Đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi tìm thấy một người sống sót.”
Ông giải thích thêm về bằng chứng y tế: “Chúng tôi đã trình bày tất cả các kết quả xác nhận rằng thùy gan trái của Trình đã bị cắt và một phần nhỏ phổi của ông cũng đã bị cắt. Trường hợp này sẽ buộc Trung Quốc phải đối mặt với sự thật rằng đây là một người sống sót, và họ không thể phủ nhận điều đó được nữa.”
Một cuộc đời bị tổn thương bởi bất công
Sự sống sót của Trình dù kỳ diệu nhưng đã để lại cho ông những vết sẹo sâu sắc về thể xác và tinh thần. “Tôi đã mất đi nhiều năm cuộc đời và nỗi sợ bị truy lùng chưa bao giờ thực sự biến mất,” Trình thừa nhận, nhấn mạnh đến tác động lâu dài của trải nghiệm của ông.
“Đôi khi, tôi bật dậy lúc nửa đêm, hồi tưởng lại những ngày trong tù. Khuôn mặt của những lính canh, sự vô trùng lạnh lẽo của phòng bệnh, cảm giác bất lực tột độ – tất cả vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi,” ông chia sẻ.
Tuy nhiên, bất chấp mọi thứ ông đã trải qua, Trình vẫn quyết tâm lên tiếng, nhớ lại một lời thề với những tù nhân lương tâm Pháp Luân Công khác ở Trung Quốc. “Khi ở Trung Quốc trong tù, tôi đã thỏa thuận với các học viên Pháp Luân Công khác rằng bất cứ ai sống sót sẽ nói với thế giới hãy chấm dứt những tội ác của chính quyền Trung Quốc, nhưng nhiều người trong số họ đã bị giết.”
Bằng cách cung cấp bằng chứng về nạn cướp nội tạng, “Tôi không chỉ nói thay cho bản thân mình mà còn nói thay cho tất cả những người đã bị tra tấn đến chết, những người sẽ không bao giờ còn có cơ hội được nói và kể cho thế giới những gì thực sự đã xảy ra,” Trình tuyên bố.
Kêu gọi hành động
Khi Trình dũng cảm chia sẻ câu chuyện của mình với thế giới, cộng đồng quốc tế đang đứng trước một thời khắc quan trọng. Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công nhằm mục đích giải quyết tội cướp nội tạng ở Trung Quốc đã được đệ trình lên Thượng viện Mỹ vào tuần trước. Đạo luật này là một bước quan trọng trong việc buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác này.
Đối với Nieh và Matas, sự sống sót của Trình vừa là tia hy vọng, vừa là lời nhắc nhở rõ ràng về cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc. “Cướp nội tạng vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc, và nó không chỉ diễn ra mà còn ngày càng ngoài tầm kiểm soát,” Nieh cảnh báo. “Các nhà lãnh đạo của chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ.”
Matas cũng nhấn mạnh sự cấp bách này: “Chúng ta cần hiểu rằng cướp nội tạng không chỉ là vi phạm nhân quyền – đó là tội ác chống lại loài người. Nó đang diễn ra ở quy mô gần như không thể tưởng tượng được và nó đòi hỏi một phản ứng từ cộng đồng toàn cầu.”
Trình cũng nói rằng ông hy vọng cộng đồng quốc tế có thể ngăn chặn tình trạng cướp nội tạng tàn ác này sau khi lắng nghe trải nghiệm của chính ông.
“Tôi là một trong những người may mắn – tôi đã sống sót. Nhưng có vô số người đã không may mắn như tôi. Tiếng nói của họ đã bị làm cho im bặt, nhưng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay cho họ. Thế giới cần biết chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Tội ác này không thể được phép tiếp tục.”
Tasnim Nazeer là một nhà báo từng đoạt giải thưởng và là Đại sứ vì Hòa bình của Liên đoàn Hòa bình Toàn cầu.