Từ thuộc địa nghĩ về vai trò của Việt Nam hiện nay

PGS.TS. Trần Kiên (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)  

Nhân có anh bạn chia sẻ tút Facebook mới về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, anh em trao đổi thế nào lại ra tới tận bà Phúc Thái, mẹ cố giáo sư Vũ Văn Mẫu. Có một tình tiết rất đáng chú ý về bà Phúc Thái là bà không biết chữ, nhưng bà là một trong các nữ thương nhân thành công và giàu có nhất ở Hà Nội vào đầu thế kỷ XX.

Thú vị hơn, bà là mẹ của những giáo sư, tiến sĩ đầu tiên và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Con trai cả – giáo sư luật Vũ Văn Mẫu. Con trai thứ – giáo sư Vũ Như Canh, tiến sĩ toán lý thời Pháp và là một trong những người đầu tiên được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong hàm giáo sư vật lý vào năm 1956 tại trường Đại học Sư phạm (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Con gái – tiến sĩ Vũ Thị Sửu, có lẽ là nữ tiến sĩ dược đầu tiên của Việt Nam (?).

Một người phụ nữ không biết chữ như bà Phúc Thái mà tạo ra được những kết quả to lớn như vậy, nếu được giáo dục đầy đủ thì người như bà còn có thể tạo ra những tác động xã hội vĩ đại như thế nào nữa? Suy nghĩ tản mạn này xuất hiện đúng lúc khi tôi cũng đang tìm hiểu về giáo dục phụ nữ trong lịch sử Việt Nam, cho một đề tài khác mà tôi theo đuổi.

Cho tới khi người Pháp thiết lập thành công chế độ thuộc địa ở Việt Nam, phụ nữ không phải là đối tượng giáo dục chính thức. Không có trường học nào dành cho nữ giới dưới thời phong kiến cả. Việc giáo dục cho phụ nữ, nếu có, là việc riêng của từng gia đình. Đó là theo tìm hiểu của tôi cả ở Việt Nam và Trung Quốc.

Chỉ tới thời Pháp thuộc, phụ nữ mới bắt đầu được đi học. Một cách chính thức. Chuyện cũng sẽ không có gì mới lạ nếu như các nhà giáo dục học và lịch sử sau này không phát hiện ra rằng không chỉ mở cửa trường học cho phụ nữ, Pháp còn thí điểm cho phép nam nữ học chung ở Việt Nam. Đầu tiên là chung trường. Sau hình như còn chung lớp. Đây đúng là một chính sách mang tầm cách mạng dân quyền và nhân quyền 1789 của chính người Pháp khi nó đã hiện thức hóa các nguyên tắc căn bản như: bình đẳng, cấm phân biệt đối xử, bình đẳng giới, quyền giáo dục.

Một khảo cứu hình như còn khẳng định ngôi trường đầu tiên dạy chung nam nữ ở Việt Nam là Trường Tiểu học Pháp – Việt ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày nay. Và việc dạy chung này diễn ra từ năm 1899 đến 1914. 

Trường tiểu học Pháp – Việt tại Vinh, được cho là ngôi trường đầu tiên dạy chung nam nữ ở Việt Nam. Ảnh: TL

Phát hiện này là to chuyện. Rất to là đằng khác, vì chính sách cho nam nữ học chung chỉ xảy ra ở Pháp vào thời Đệ ngũ cộng hòa, tức là sau năm 1958. Vậy là Pháp đi sau Việt Nam ta hơn nửa thế kỷ. Hay nói như một số sử gia và nhà giáo dục thì hình như Pháp quốc đã sử dụng xứ thuộc địa Việt Nam như một “phòng thí nghiệm” cho các cải cách xã hội, thiết chế trước khi nhập khẩu trở lại và triển khai chính thức ở “mẫu quốc”. Không chỉ trong giáo dục. Tôi còn tìm thấy bằng chứng cả trong luật pháp (như dân sự, sở hữu trí tuệ) hay cả về tổ chức khoa học công nghệ. Không chỉ trong giai đoạn Pháp thuộc ở Việt Nam mà còn trong một số quan hệ chính quốc – thuộc địa khác nữa.

Nhưng phát hiện này cũng dẫn tới một câu hỏi khác. Tại sao Pháp lại chọn Việt Nam làm “phòng thí nghiệm” cho một số cải cách xã hội của mình? Và giả thuyết của tôi hiện nay là vì Việt Nam, chính xác hơn là nền văn hóa và con người Việt Nam tại thời kỳ đó, đã đạt tới một trình độ văn minh nhất định để có thể tiếp nhận, thử nghiệm và căn chỉnh các ý tưởng, thiết chế, mô hình mới mẻ đó. Mới mẻ đến mức “mẫu quốc” cũng chưa dám triển khai.

Giả thuyết này có mấy bằng chứng ủng hộ. Đầu tiên từ chính nhận xét của những nhà thuộc địa tại Việt Nam thời kỳ đó như Paul Doumer hay Albert Pierre Sarraut. Những người này, dù vẫn có một cái nhìn phân biệt đối xử về người dân An Nam thì vẫn thể hiện một thái độ tôn trọng với văn hóa và các thiết chế bản địa mà con người ở xứ sở này đã tạo nên, đủ tinh tế và hiệu quả để Pháp quyết định giữ lại và sử dụng như các phương tiện cai trị hữu hiệu. Thiết chế làng xã là một ví dụ điển hình.

Một nghiên cứu khi so sánh các nhãn hiệu, tờ rơi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của thương nhân tại các thuộc địa khác nhau của Pháp ta có nhận xét là qua các mô tả, thể hiện của thương nhân Pháp thời đó thì dân tộc An Nam dường như là dân tộc văn minh nhất trong các xứ thuộc địa của Pháp.

Thú vị không kém có lẽ là tiết lộ của nhà nghiên cứu Goscha, rằng người Campuchia và người Lào chấp nhận ký Hiệp ước bảo hộ với Pháp vì muốn được người Pháp bảo vệ khỏi nguy cơ Việt hóa. Nhưng họ không ngờ sau khi thiết lập chính quyền bảo hộ thì người Pháp lại chủ yếu chọn người Việt sang Campuchia và Lào làm quan cai trị. Chắc là do kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản trị nhà nước cả ngàn năm của người Việt.

Có vẻ như Việt Nam đã vượt quá sự mong đợi của người Pháp khi không chỉ thử nghiệm mà còn áp dụng thành công các ý tưởng, thiết chế xã hội mới. Không chỉ đủ để xuất khẩu ngược lại Pháp mà còn xuất khẩu sang các xứ thuộc địa khác. Algeria chẳng hạn.

Quay trở lại câu chuyện bà Phúc Thái. Tôi lại đặt câu hỏi câu chuyện của bà và tất cả những gì tôi kể ở trên có gợi ý gì cho tôi không? Đầu tiên nó không chỉ gợi mở cho các nghiên cứu hàn lâm mới về các lý thuyết du nhập/ cấy ghép pháp luật hay chủ nghĩa thuộc địa, hậu thuộc địa, giải thuộc địa. Với tôi, nó còn là câu hỏi về giá trị của Việt Nam và việc kết hợp các giá trị đó vào trong các khung khổ nhận thức và thiết chế mới mà chúng ta đang cố gắng du nhập vào Việt Nam.

Phúc đức tại mẫu là văn minh tinh thần Việt. Nhưng nếu biết kết hợp và khuếch trương tinh thần đó qua các thiết chế xã hội hiện đại một cách khéo léo thì dân tộc ta chắc sẽ phúc phận lắm. Và một câu hỏi nữa lại nảy sinh – Làm như thế nào? 

T.K.

Related posts