Liệu Việt Nam có đi theo con đường của Trung Quốc?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 3 tháng 8 năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư mới của Đảng, đánh dấu một bước ngoặt trong nền chính trị Việt Nam. Sự thay đổi lãnh đạo quan trọng này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tương lai của nền chính trị đất nước. Một số nhà quan sát Việt Nam đã đặt câu hỏi liệu ông Lâm, một tướng an ninh và cựu bộ trưởng công an, có áp dụng các khuynh hướng chuyên chế và đưa đất nước đi theo con đường tương tự như của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình hay không.

Để trả lời câu hỏi này, điều quan trọng là cần hiểu được khuynh hướng chính trị của ông Lâm trong những năm tới, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2026. Điều này sẽ cung cấp manh mối về việc liệu cách tiếp cận chính trị của ông có tương đồng với cách tiếp cận của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không. Ngoài ra, chương trình nghị sự về kinh tế và đối ngoại của ông cũng là những chỉ dấu quan trọng cho thấy hướng đi của Việt Nam dưới thời cầm quyền của ông.

Có khả năng cao là ông Lâm, người sẽ bước sang tuổi 69 vào năm 2026, sẽ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam, bất chấp giới hạn về độ tuổi. Hiện tại, ông giữ cả hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng. Có tin đồn cho rằng Đại tướng Lương Cường, một vị tướng quân đội và là thường trực Ban Bí thư, sẽ tiếp quản chức chủ tịch nước từ tay ông Lâm. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận chính thức, khiến câu hỏi điều này có thể xảy ra hay không và nếu có thì khi nào vẫn còn bỏ ngỏ. Cấu trúc quyền lực “tứ trụ” truyền thống của Việt Nam có vai trò như một hệ thống cân bằng và đối trọng nội bộ, giữa bốn vị trí lãnh đạo hàng đầu của đất nước, gồm tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Điều này giúp ngăn chặn sự tập trung quyền lực quá mức vào tay một cá nhân. Nếu ông Lâm có thể giữ cả hai chức vụ, đặc biệt là sau năm 2026, thì đây có thể là một điều đáng quan ngại cho triển vọng chính trị của Việt Nam.

Một câu hỏi mở khác là liệu ông Lâm có tìm cách loại bỏ các đối thủ tiềm tàng và cộng sự của họ, đồng thời cài cắm những người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính phủ hay không. Đây là một chiến thuật phổ biến mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng để củng cố quyền lực của mình. Trong những phát biểu đầu tiên với tư cách là Tổng Bí thư, ông Lâm tuyên bố cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng, vốn là di sản lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch không chỉ mang lại cho ông Lâm tính chính danh cần thiết mà còn là một công cụ hiệu quả để ông loại bỏ bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào, qua đó giúp đưa các đồng minh mà ông tin tưởng vào các vị trí còn trống. Thực tế, chiến lược này đã được thực hiện, qua việc bổ nhiệm Thượng tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, được cho là các đồng minh thân cận của ông Lâm trong Bộ Công an. Ông Quang đã được thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Công an và ông Ngọc là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Một sĩ quan công an khác, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, gần đây cũng đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền lực của Đảng. Đáng chú ý, cả ba vị tướng này đều xuất thân từ tỉnh Hưng Yên, quê hương của ông Lâm. Rất có khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2026, với nhiều vị trí quan trọng khác nữa được trao cho các đồng minh và người được ông Lâm bảo trợ.

Phân tích trên cho thấy nếu ông Lâm thành công trong việc củng cố quyền lực theo các cách thức tương tự mà ông Tập Cận Bình đã tiến hành ở Trung Quốc, đấu đá chính trị ở Việt Nam có thể giảm bớt, và hệ thống chính trị của đất nước có khả năng trở nên ổn định hơn trong ngắn hạn, với ít thay đổi lãnh đạo hơn ở các cấp cao nhất. Tuy nhiên, mặt trái là bầu không khí chính trị của Việt Nam có thể trở nên độc đoán hơn, và nền dân chủ nội Đảng có thể bị ảnh hưởng. Điều này cũng có thể dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa không gian dân sự dưới quyền ban lãnh đạo mới. Rốt cuộc, điều này có thể tạo ra khả năng bất ổn chính trị về dài hạn, đặc biệt là khi ông Lâm nghỉ hưu, làm xuất hiện khoảng trống quyền lực.

Tuy nhiên, có rất ít lý do để tin rằng ông Lâm sẽ đi theo sách lược của ông Tập Cận Bình trong các vấn đề kinh tế và đối ngoại. Hiện tại, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, và ông Lâm không có lý do nào để khiến nó đi chệch đường ray. Ngược lại, ông có thể muốn thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa để củng cố tính chính danh và biện minh cho vai trò lãnh đạo kéo dài của mình. Ông Lâm đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình trong lĩnh vực an ninh, nên ông không có nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế. Đo đó, ông ít có khả năng sẽ can thiệp mạnh vào lĩnh vực này. Thay vào đó, ông có thể tập trung vào công tác quản lý đảng và giao các vấn đề kinh tế cho thủ tướng. Ngoài ra, được biết đến như là một người thực dụng hơn là một nhà lý luận, ông Lâm ít có khả năng sẽ theo đuổi các chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ như Chủ tịch Tập, chẳng hạn như việc thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”, hoặc đàn áp các doanh nhân tư nhân. Trên thực tế, ông Lâm có mối quan hệ cá nhân với giới doanh nghiệp tư nhân, khi em trai ông là một doanh nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực phân phối xe máy, bất động sản và năng lượng. Điều này có thể khuyến khích ông cởi mở hơn với cải cách kinh tế và thân thiện với các nhà đầu tư.

Tương tự như vậy, chính sách đối ngoại của Việt Nam ít có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy nắm quyền của ông Lâm. Ông có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vốn mang gốc an ninh, ông Lâm có thể cảm thấy thoải mái khi làm việc với các nhà lãnh đạo chuyên chế như Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ bỏ bê mối quan hệ với các đối tác phương Tây. Trên thực tế, trong cuộc gặp với đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi tháng 6, ông Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhằm triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới thiết lập. Nói cách khác, dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cân bằng trong quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất cả các chủ thể quan trọng trên toàn cầu. Cách tiếp cận này hiện là lựa chọn chính sách đối ngoại tốt nhất đối với Việt Nam, bất kể ai là tổng bí thư Đảng.

Tóm lại, trong khi ông Lâm có thể sẽ thắt chặt môi trường chính trị trong nước và hạn chế không gian dân sự thông qua việc củng cố quyền lực cá nhân và bổ nhiệm các đồng minh vào các vị trí chủ chốt, điều này không nhất thiết sẽ dẫn tới những thay đổi tiêu cực trong chính sách kinh tế và đối ngoại của đất nước. Về khả năng củng cố quyền lực của ông Lâm, một vấn đề quan trọng cần theo dõi hiện nay là liệu ông Lâm có từ bỏ chức chủ tịch nước hay không, và nếu có thì khi nào.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.

Related posts