Vũ Minh Khương, viên “quan văn” ở nước ngoài của triều đình đỏ

Jackhammer Nguyễn

5-11-2021

Vũ Minh Khương

Đây là bài thứ tư tôi đề cập tới ông Vũ Minh Khương, bởi viết về ông nhiều quá tôi đâm ngại. Dù không muốn viết gì về ông, nhưng tôi buộc phải lên tiếng.

Số là ông vừa ca tụng việc chống dịch của các lãnh đạo Việt Nam hiện nay theo kiểu một tấc tới trời, trong trả lời với phỏng vấn hôm 3-11-2021 với BBC Việt ngữ, dù rằng các lãnh đạo ấy thất bại be bét, khi họ đã làm cho Việt Nam qua mặt Nhật Bản về số người chết vì Covid19, với 22.342 người, so với 18.290 người chết ở Nhật, theo thống kê mới nhất.

Tôi hiểu là Ban Biên tập BBC cố gắng tìm những ý kiến khác cho cân bằng, nhưng chờ mãi không thấy ý kiến nào ngược với ông Khương cả, nên tôi đành lên tiếng.

Tôi không đi vào chi tiết trong phát biểu của ông Khương, mà chỉ nói tới một điểm, đó là ông nói rằng, Việt Nam có khả năng học hỏi và lớn lên từ thất bại, tổn thất (?). Ông dùng chữ Việt Nam, nhưng mọi người đều hiểu rằng ông muốn ca ngợi các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ông Khương ạ, học hỏi cái gì mà sau khi chứng kiến thảm cảnh ở châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, nơi người già cả bị giết chết hàng loạt, mà các nhà lãnh đạo CSVN lại ưu tiên chích ngừa cho bộ đội và công an, thay vì ưu tiên cho người già?

Có những tin từ Việt Nam nói rằng, Đảng CSVN không ưu tiên chích ngừa cho người già trên 65 tuổi, vì họ là những người không sống thêm được bao lâu. Hơn nữa, những người đó không làm ra lợi ích cho xã hội, cho nên ưu tiên cho lớp trẻ chích trước, đi làm để phục hồi kinh tế. Tôi không dám tin vào suy nghĩ ác độc động trời đó. Cả ở Mỹ, châu Âu, và Ấn Độ đều cho thấy, chính quyền lo cứu người già trước để chặn ngay cơn dịch, thế thì (các nhà lãnh đạo) Việt Nam học cái gì?

Ông Khương ạ, đầu năm 2021, tay dân túy Ấn Độ Modi cho dân chúng ăn chơi xả láng để thúc đẩy những mục tiêu chính trị của ông ta, làm cho dịch bùng nổ. Trong khi đó, Việt Nam thậm chí nhiều tuần không có ca nhiễm cộng đồng, còn ca nhiễm từ nước ngoài mang về cũng rất ít. Việt Nam học cái gì mà vẫn tổ chức bầu cử Quốc hội hôm 23/5, lại còn cho báo chí ca ngợi rằng đó là “ngày hội toàn dân”, “ngày hội non sông” (ông cũng như tôi, biết rằng, có hay không có Quốc hội cũng chẳng sao cả), để rồi đến giữa tháng 7 phải phong tỏa cả miền Nam?

Tôi có đọc những ý kiến của ông Khương lâu rồi, nhưng chẳng có ấn tượng gì, vì nó toàn là tụng ca kiểu “sỹ phu Bắc Hà”, mà đôi khi tinh ý mọi người có thể nhận thấy dấu vết của văn chương tuyên giáo trong đó, dù ông Khương đã rất cố gắng thay đổi. Thật ra, nếu ông là bí thư chi bộ (?) Đảng CSVN ở Singapore thì ông ca ngợi Đảng của ông thì cũng bình thường, có điều ông nên công khai điều đó, chứ đừng giả dạng là một trí thức độc lập “nghiên cứu ở nước ngoài”.

Nói về trí thức Việt Nam, như bà Phạm Thị Hoài có lần trích dẫn lời ông Nguyễn Kiến Giang, rằng họ có tính phò chính thống, mà bà Hoài gọi là “tư cách quan văn”. Ông Khương cứ nói thẳng mình là quan văn cộng sản, đang công cán ở Singapore đi cho nó tròn, chẳng ai làm gì ông đâu. Bọn tư bản nó vẫn cần các “quan văn” đỏ như ông, làm cầu nối vào bên trong Việt Nam để còn “bóc lột” giai cấp vô sản trong đó nữa chứ!

Trước đại dịch Covid thì tôi chẳng quan tâm tới những lời tụng ca này của ông Khương, nhưng khi đất nước đang khốn đốn vì Covid ông lại tụng ca những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự khốn đốn đó, thì không thể tha thứ được.

Cuối cùng tôi xin có đôi lời với kẻ được tụng ca và người tụng ca:

Nhà nước CSVN sau khi chống dịch quá bết bát nên cần những lời tụng ca như của ông Khương, mà lại trên “đài địch” BBC nữa, thì cũng dễ thông cảm. Nhưng đừng say đắm quá với những lời tụng ca ấy, giống như các ông đã từng say đắm với câu chuyện “đại thắng Covid” hồi đầu năm 2020, mà không cần quan tâm tới chuyện đi mua vaccine chống dịch, cứ ngồi đó mà tự sướng với nhau, kết quả là bốn tháng trời tan hoang, dân chúng bỏ chạy tán loạn, kinh tế không biết làm sao để hồi phục.

Còn đối với danh (tụng) ca Vũ Minh Khương thì tôi nghĩ rằng, với vốn liếng chữ nghĩa của ông, ông có thể làm được nhiều điều có ích hơn, thay vì cứ tụng ca. Còn nhớ một thời ông Khương được báo chí trong nước bốc lên thành giáo sư “Hà-vợt”, dù ông chỉ đến đại học lừng danh Harvard bên Mỹ để học. Dẫu biết rằng các trường danh giá như thế của Mỹ cũng hay lam nham cái chuyện cho đám nhà giàu, đám quan chức ngoại quốc vào một cách dễ dàng, để gây thanh thế và để có tiền. Nhưng “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ông Khương đã từng bỏ công từ Hà Nội sang Boston, rồi bây giờ là giảng viên ở Singapore nữa, có đâu mà cứ thốt lên những bài tụng ca ngày càng khó nghe như thế?!

Related posts