Mông Cổ tiết lộ ‘đường ống cứu trợ’ Nga-Trung có thể sẽ chẳng đi đến đâu

Bảo Ngọc

Mông Cổ tiết lộ ‘đường ống cứu trợ’ Nga-Trung có thể sẽ chẳng đi đến đâu (Ảnh: Giám sát năng lượng toàn cầu, OSM-Boundaries).

“Chúng tôi đang bước vào giai đoạn tạm dừng kéo dài và Matxcova không còn tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận như mong muốn với Bắc Kinh và có thể tạm dừng dự án”, ông Bayarlkhagva – cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ nói.

Newsweek đưa tin vào ngày 20/8 rằng, đường ống khí đốt tự nhiên được đề xuất của Nga tới Trung Quốc đã gặp trở ngại mới nhất vào thứ Sáu tuần trước, khi quốc gia Đông Á không giáp biển Mông Cổ loại dự án này khỏi kế hoạch hành động quốc gia cho đến năm 2028. 

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có tên “Sức mạnh Siberia 2” (Power of Siberia 2) do ông Putin đề xuất sẽ kết nối các mỏ khí đốt tự nhiên ở khu vực Altai của Nga với phía Đông Bắc Trung Quốc. Trong đó, khoảng 1/3 đường ống được cho là được xây dựng ở Mông Cổ, giáp biên giới Trung Quốc và Nga.

Doanh số bán khí đốt của Nga đã giảm do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm cách mở rộng vị thế của nước này tại Trung Quốc và các thị trường khác.

Tuy nhiên, dữ liệu công bố vào tháng 1 cho thấy, doanh số bán khí đốt của Nga sang Trung Quốc không bù đắp được tổn thất thương mại với châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sau cuộc chiến. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina hiện đang bước sang năm thứ ba.

Nga đã thảo luận trong nhiều năm về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Sức mạnh Siberia 2”, sẽ vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ miền bắc nước Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển quốc gia 2024-2028 của chính phủ Mông Cổ không đề cập đến dự án đầy tham vọng này, theo tờ SCMP (South China Morning Post) của Hồng Kông ngày 19/8.

Munkhnaran Bayarlkhagva, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ, nói với tờ báo rằng dự án đường ống có thể bị trì hoãn.

Ông Bayarlkhagva cho biết: “Chúng tôi đang bước vào giai đoạn tạm dừng kéo dài và Matxcova không còn tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận như mong muốn với Bắc Kinh và có thể tạm dừng dự án”.

Quan chức này cũng cho rằng, có sự khác biệt giữa Matxcova và Bắc Kinh về điều mà họ tin là tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga có ý định “đơn phương” kiểm soát các bộ phận của đường ống được đề xuất ở Mông Cổ. Một khi điều này xảy ra, điều đó có nghĩa là ảnh hưởng của Matxcova ở Mông Cổ sẽ gia tăng đột ngột và lâu dài, điều này sẽ gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Ngành năng lượng được coi là huyết mạch chủ chốt của nền kinh tế Nga. Và nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Xuất khẩu dầu mỏ và công nghiệp năng lượng của Nga chiếm khoảng 30% doanh thu ngân sách của đất nước và rất quan trọng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina.

Năm 2023, dòng khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc thông qua dự án đường ống “Sức mạnh Siberia 1” đa tăng thêm 7 tỷ mét khối, đạt 23 tỷ mét khối, gấp 1,5 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Nga hồi tháng 1 cho biết điều này chỉ “bù đắp một phần cho việc giảm vận chuyển từ Nga đến châu Âu qua đường ống”.

Vào tháng 12 năm 2023, Gazprom tuyên bố rằng sản lượng khí đốt tự nhiên trong nửa đầu năm đó đã giảm gần 1/4 xuống còn 179,45 tỷ mét khối.

Related posts