Đại hội đảng Dân Chủ đã mang đến cho cử tri điều gì?

Nhã Duy

24-8-2024

Đại hội đảng Dân Chủ (DNC) vừa kết thúc sau bốn ngày tổ chức tại Chicago. Nếu các cử tri Dân Chủ hay cử tri độc lập vẫn còn hoài nghi sự tiến cử Phó Tổng Thống Kamala Harris vào cương vị ứng viên tổng thống một cách bất ngờ vào phút chót trong cuộc bầu cử tới, thì qua kỳ đại hội này đã có thể mang đến cho họ một sự lạc quan và hy vọng hơn.

DNC đã cho thấy phía đảng Dân Chủ một lòng đoàn kết và hậu thuẫn bà Kamala Harris. Hầu hết những cấp lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm cao nhất trong đảng đều tham dự và phát biểu, điều mà đại hội đảng Cộng Hòa hồi tháng trước đã không có được. Không những vậy, ban tổ chức DNC còn mời được cả những đảng viên kỳ cựu phía đảng Cộng Hòa tham gia phát biểu, trong đó có những nhân vật từng phục vụ trong nội các cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống phía đảng Cộng Hòa năm nay.

Với chủ đề “Vì dân, vì tương lai chúng ta” cho cả đại hội, các diễn giả tại DNC lần lượt trình bày các vấn đề liên quan đến quyền tự do, dân quyền của người dân, dân chủ và công lý cho xã hội, cùng các chính sách an sinh xã hội, sự phát triển và thịnh vượng cho tương lai nước Mỹ. Và tất nhiên, nêu bật quá trình phục vụ cùng khả năng lẫn phẩm cách một lãnh đạo Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ khi ủng hộ và kêu gọi bầu cho liên danh Kamala Harris và Tim Walz.

Cổ xúy và thực hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, phía đảng Dân Chủ đã không hoặc rất ít chỉ trích nhắm vào những người Cộng Hòa. Tuy nhiên họ tấn công trực diện vào cựu Tổng Thống Donald Trump, thay cho sự ôn hòa, né tránh trước kia. Không nhắm vào các vấn đề cá nhân mà các diễn giả phía Dân Chủ hầu như đã đồng loạt phô bày trọn vẹn chân dung một Donald Trump qua các dữ liệu và thực tế về các chính sách lẫn tư cách lãnh đạo của ông ta, xem Donald Trump là một cản trở cho tiến trình dân chủ và phát triển của nước Mỹ.

Sự cô lập của Hoa Kỳ về kinh tế và đối ngoại trong các chính sách của ông Trump được các diễn giả phân tích là ngăn cản sự phát triển của nước Mỹ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như gây thêm khó khăn cho người dân trước tình trạng lạm phát gia tăng toàn cầu do dịch bệnh và chiến tranh trong vài năm qua.

Các diễn giả cũng lên án Dự Án 2025 của tổ chức Heritage Foundation qua cương lĩnh dành cho nhiệm kỳ tổng thống tới của ứng viên đảng Cộng Hòa. Cương lĩnh này đề nghị dùng quân đội trấn áp người dân, kiểm duyệt báo chí và xóa bỏ Bộ Giáo Dục cùng nhiều cơ quan chính phủ khác, cắt giảm ngân sách về an ninh nội địa và dân sinh, tư nhân hóa hệ thống y tế, giáo dục Hoa Kỳ…

Cương lĩnh này cực đoan và vấp phải sự chỉ trích của người dân Mỹ đến độ Donald Trump và ban tranh cử của ông phủ nhận sự can dự. Hầu hết các thành viên soạn thảo cương lĩnh này đã hay được dự đoán sẽ phục vụ nội các của Donald Trump một khi ông đắc cử. Thống Đốc Tim Walz trong diễn từ chấp nhận sự tiến cử vào cương vị ứng viên phó tổng thống bảo rằng, không có cương lĩnh nào được soạn thảo công phu để rồi không sử dụng.

Trong phát biểu của mình, cựu Trung Tá Không Quân đồng thời là cựu dân biểu liên bang thuộc đảng Cộng Hòa là Adam Kinzinger đã bày tỏ sự cảm nhận của mình về DNC đến những người Cộng Hòa đồng đảng của mình theo sau: “Tôi muốn nói với những người Cộng Hòa của tôi rằng, những người Dân Chủ cũng ái quốc như chúng ta, họ yêu đất nước này cũng nhiều như chúng ta. Và họ tha thiết bảo vệ những giá trị Mỹ trong và ngoài nước như những người bảo thủ chúng ta đã từng…”. Ông sử dụng chữ “đã từng” khi thất vọng trước một đảng Cộng Hòa với những giá trị truyền thống mà ông từng theo đuổi và nay chỉ còn phục vụ cho Trump.

Tương tự vậy, cựu phó Thống Đốc tiểu bang Georgia là Geoff Ducan cũng phát biểu rằng, ông là người Cộng Hòa nhưng đến dự trong tư cách một người Mỹ. Một người Mỹ quan tâm đến tương lai quốc gia hơn là tương lai Donald Trump. Ông không đồng tình với mọi chính sách của bà Kamala Harris nhưng kêu gọi người Cộng Hòa không đồng tình với Donald Trump và cử tri độc lập hãy bỏ phiếu cho bà Kamala Harris. Ông nói: “Nếu bầu cho bà Kamala Harris trong năm 2024 này, quý vị không phải thành người Dân Chủ mà quý vị là những người ái quốc“.

Trong đêm cuối cùng của đại hội DNC, Phó Tổng Thống Kamala Harris đã có diễn từ chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ và đưa ra các kế hoạch hành động một khi đắc cử. Những thước phim đi cùng đã cho cử tri thấy rõ ràng hơn một chân dung và hành trình phục vụ trong lãnh vực công quyền lâu dài của bà, từ vai trò đứng đầu ngành tư pháp của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ cho đến nhà lập pháp liên bang, hành pháp quốc gia, bà Haris dường như đã có được sự chuẩn bị, thử thách và sẵn sàng cho vai trò lãnh đạo quốc gia và thế giới.

Theo lời cựu Đệ Nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng Thống Kamala Harris và Thống Đốc Tim Walz có thể phạm lỗi lầm, nhưng họ xứng đáng là những người lãnh đạo quốc gia và phục vụ người dân từ quá trình và tinh thần quốc gia của họ.

Ảnh: Cựu Tổng thống Barack Obama lên sân khấu trong ngày thứ 2 của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tại Chicago, ngày 20-8-2024. Nguồn: Reuters

Có ít nhất là sáu nghiệp đoàn nhân công lớn cùng các nghiệp đoàn giáo chức liên bang, tiểu bang tại Mỹ với hàng chục triệu thành viên đã tham gia phát biểu tại DNC hay ra tuyên cáo ủng hộ bà Kamala Harris.

Các số liệu theo dõi về số lượng người xem truyền hình từ Nielsen cho biết, đã có khoảng hơn 20 triệu người xem đại hội DNC hàng đêm trên các hệ thống truyền hình chính tại Mỹ, trong đó đêm đại hội cuối cùng với trên 26 triệu khán giả.

Những người Dân Chủ chia sẻ sự xúc động lẫn tự hào khi theo dõi đại hội DNC sống động và trẻ trung, chan chứa những giá trị và thông điệp tự do, nhân bản và bác ái, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn đến người tham dự và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình và mạng xã hội. Những tiếng hò reo “USA, USA, USA” vang dội trong suốt bốn ngày đại hội cho thấy tinh thần và sự phấn khích, củng cố tinh thần và niềm tin của những người phía đảng Dân Chủ, dù những tư tưởng cấp tiến này khó có thể được những người ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump chấp nhận. Nhưng điều quan trọng mà phía đảng Dân Chủ kỳ vọng là họ có thể thuyết phục được giới trẻ cùng những cử tri độc lập hay các cử tri Cộng Hòa không chấp nhận Donald Trump bỏ phiếu cho liên danh.

Nhìn ở quan điểm chính trị nào thì đại hội DNC năm nay có lẽ cũng xứng đáng để những nhà hoạt động dân chủ và dân quyền tại các quốc gia thiếu dân chủ khác, và ngay ở Việt Nam có thể xem và học hỏi ít nhiều về tinh thần quốc gia cùng những nguyên tắc và giá trị dân chủ và tự do của các đảng phái chính trị lớn tại Mỹ.

Nếu cả hai bên Cộng Hòa và Dân Chủ đều xem đây là một “trận chiến” thì chỉ còn hơn hai tháng nữa, nước Mỹ và thế giới sẽ biết được kết quả của trận chiến cam go giữa những người ủng hộ Donald Trump từ phía đảng Cộng Hòa và những người ủng hộ những nguyên tắc và nền tảng quốc gia ở phía đảng Dân Chủ.

Người dân Mỹ đã đến lúc có thể phá vỡ những định kiến và rào cản từ ngày lập quốc cho đến nay hay chưa, khi chọn lựa một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ thì đại hội đảng Dân Chủ năm nay đã mang cho những người Dân Chủ niềm hy vọng đó.

Related posts