Bị EU tăng thuế xe điện, Trung Quốc đáp trả bằng thuế chế phẩm sữa

Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu tiếp tục leo thang. Sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố dự định áp thuế bổ sung chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngay lập tức tuyên bố đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất sữa của EU có nhận được trợ cấp của chính phủ hay không. Có phân tích cho rằng nếu EU thông qua chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, thì sẽ kéo lùi kế hoạch phát triển xe điện đắt đỏ của ĐCSTQ; nhưng nếu Trung Quốc đánh vào sản phẩm sữa của EU, thì lại tổn hại cho chính Trung Quốc.

Đánh vào sản phẩm sữa của EU là đánh vào chính Trung Quốc?

Ngày 21/8, Bộ Thương mại ĐCSTQ tuyên bố sẽ điều tra trợ cấp cho các sản phẩm sữa từ EU và các nước thành viên EU, hoặc áp thuế đối với các sản phẩm sữa này xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ Thương mại ĐCSTQ thông báo cuộc điều tra chế phẩm sữa sẽ bao gồm một loạt sản phẩm như phô mai tươi và chế biến, phô mai xanh, sữa và kem có hàm lượng chất béo trên 10%. Cuộc điều tra sẽ kiểm tra các khoản trợ cấp theo Chính sách nông nghiệp chung của EU và các khoản trợ cấp được cung cấp bởi 8 nước EU bao gồm Ý, Phần Lan và Croatia.

Trong một siêu thị ở Thượng Hải, một khách hàng đi qua kệ trưng bày các sản phẩm sữa. (Ảnh: Getty Images)

Theo EU, châu Âu là khu vực xuất khẩu sữa lớn thứ hai của Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc cũng là điểm đến lớn thứ hai của EU đối với sữa gầy và sữa bột nguyên kem. Về xuất khẩu bơ và phô mai của EU thì nơi nhập nhiều nhất là Anh và Mỹ, còn Trung Quốc lần lượt đứng thứ 3 và thứ 8. Năm ngoái, xuất khẩu sữa của châu Âu sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 1,8 tỷ euro, giảm so với 2 tỷ euro năm trước, chiếm khoảng 9,5% tổng xuất khẩu sữa của EU.

Chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Hoa David Huang nói với Epoch Times rằng các biện pháp đối phó của ĐCSTQ đối với châu Âu thực sự đã có tác động rất tiêu cực đến cuộc sống của người dân thường ở Trung Quốc. Bởi vì các sản phẩm sữa nội địa của Trung Quốc luôn bị chỉ trích về nhiều vấn đề (từ melamine đến hàm lượng protein và hàm lượng kim loại nặng…) đã và đang gây khó khăn cho toàn bộ ngành công nghiệp sữa Trung Quốc.

“Các sản phẩm sữa tương đối rẻ ở châu Âu có thể cải thiện cuộc sống của người dân Trung Quốc, vì vậy biện pháp đối kháng của Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa châu Âu đang gây tổn hại đến chính dân thường Trung Quốc.”

Áp thêm thuế chống trợ cấp của EU đối với xe điện Trung Quốc: Tác động rất lớn

Vào ngày 20/8, EU đã công bố dự thảo quyết định cuối cùng về vụ điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, khuyến nghị 27 nước EU đồng ý áp dụng thuế đối kháng bổ sung từ 17% – 36% trong ít nhất 5 năm, và áp đặt hạn chế đối với hàng xuất khẩu Tesla (Mỹ) từ Trung Quốc nhập khẩu vào EU phải chịu mức thuế 9%.

Nếu kết hợp với mức thuế 10% mà EU đã áp dụng đối với tất cả xe điện nhập khẩu, mức thuế thực tế mà xe điện của Trung Quốc xuất khẩu sang EU sẽ dao động từ 19% – 46,3%.

Phó giáo sư Sun Guoxiang tại Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Nanhua ở Đài Loan, nói với Epoch Times rằng việc EU tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc thực sự đã có tác động lớn hơn đến Trung Quốc, tác động này không chỉ đối với xe điện Trung Quốc mà còn về chiến lược thị trường của ĐCSTQ.

“Thứ nhất, do EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của xe điện Trung Quốc, cho nên việc EU áp thuế chống trợ cấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh về giá của các công ty Trung Quốc tại thị trường châu Âu, đặc biệt là các thương hiệu hàng đầu xe điện Trung Quốc đang tích cực thâm nhập thị trường quốc tế; thứ hai là tác động đến chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, một số nhà sản xuất châu Âu sẽ xem xét lại chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào linh kiện hoặc công nghệ của Trung Quốc.”

Ngoài ra, ông tin rằng nếu thuế chống trợ cấp của EU có hiệu lực, sẽ làm suy yếu tiếng nói của ĐCSTQ trên thị trường xe điện toàn cầu, theo đó họ cũng sẽ bị thêm áp lực chính trị và kinh tế trong và ngoài nước.

“Ngành công nghiệp xe điện hiện là ngành chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc. Các chính sách trợ cấp, hỗ trợ của chính phủ sẽ đối mặt với áp lực phải xem xét lại, có thể buộc họ phải điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại và tìm kiếm các thị trường khác để bù đắp.”

Chuyên gia kinh tế David Huang nói với Epoch Times rằng 3 ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc là thiết bị điện, đồ nội thất và quần áo. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, Bắc Kinh muốn tăng thị phần xuất khẩu thông qua các ngành công nghiệp mới. Họ đã tăng trợ cấp đáng kể trong 3 ngành công nghiệp chính là xe điện, pin và tấm pin mặt trời, đồng thời khuyến khích người dân Trung Quốc đầu tư vào xe điện mặc dù giá cao hơn so với các phương tiện giao thông khác, để tạo ra một thị trường vững mạnh cho xe điện. Biện pháp chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc sẽ đánh bại kế hoạch mở rộng thị phần xuất khẩu thế giới của Trung Quốc.

Ông David Huang cho rằng hiện nay EU đã loại bỏ lợi thế về giá của Trung Quốc, đây là một đòn có chủ đích nhắm vào ĐCSTQ, khiến chiến lược phát triển xuất khẩu của ĐCSTQ trong 5-6 năm qua trở nên vô nghĩa.

Phân tích: Kế hoạch của ĐCSTQ sử dụng xe điện để giám sát toàn cầu gặp trở ngại

Hôm 20/8, Bộ Thương mại ĐCSTQ bày tỏ phản đối hành động mới của EU dưới danh nghĩa một người phát ngôn giấu tên, nói rằng họ “kiên quyết phản đối” và “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ” quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Về phản ứng mạnh của ĐCSTQ, chuyên gia David Huang chỉ ra thực tế do việc phát triển xe điện ở Trung Quốc nhờ các khoản trợ cấp lớn của nhà nước. Một lý do khác đằng sau đó là chính phủ cần lắp đặt các màn hình thực hiện chức năng giám sát, toàn bộ kế hoạch của ĐCSTQ đã được triển khai kỹ lưỡng trong nhiều năm. Lần này các biện pháp đối phó của EU đã tác động rất lớn đến kế hoạch đó, cho nên ĐCSTQ đã phản ứng rất mạnh mẽ.

“Thật khó để thực hiện chăm sóc y tế miễn phí và giáo dục miễn phí ở Trung Quốc. Tại sao (ĐCSTQ) đột nhiên cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng? Đó là để kiểm soát xã hội. Vì vậy (sự phát triển) xe điện của ĐCSTQ không chỉ để phá vỡ nút thắt về xuất khẩu và chiếm lại thị trường hàng hóa xuất khẩu toàn cầu, mà còn nhằm mục đích giám sát người dân và người dùng trên khắp thế giới thông qua các thiết bị giám sát trong xe điện. Những thiết bị đó sẽ giúp thu nhiều thông tin từ dữ liệu cá nhân đến địa lý, bao gồm cả việc sử dụng điện thoại di động và máy tính trong ô tô…”

Sau khi quyết định cuối cùng của EU về việc áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc được tiết lộ, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trước ngày 4/11.

Giáo sư Đài Loan Sun Guoxiang cho rằng hiện nay, các nước thành viên EU ngày càng thống nhất trong nhận thức bảo vệ lợi ích trong chính sách thương mại với Trung Quốc, cho nên khả năng thông qua vụ điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc là tương đối cao.

Ông cũng cho biết, một số nước đang phát triển hiện cũng ý thức hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang gây cạnh tranh gay gắt trên thị trường của họ, dẫn đến những vấn đề trong ngành công nghiệp của chính họ. Ví dụ, các vấn đề đang dần xuất hiện ở các nước Đông Nam Á. Do đó, nếu các biện pháp chống trợ cấp của EU chống lại Trung Quốc được thực hiện, có thể có tác dụng chứng minh và đưa thương mại quốc tế trở lại lộ trình công bằng.

Chuyên gia David Huang cũng tin rằng chính sách mới của EU rất có thể sẽ được thông qua. Một phần nguyên nhân là trong khi ĐCSTQ đang thu được lợi ích thương mại ở châu Âu, nhà cầm quyền này đang giúp Nga đe dọa an ninh châu Âu và không sẵn lòng từ bỏ lập trường này. “Vì vậy, động thái của EU (tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc) lần này còn dựa trên lập trường liên quan chiến tranh, do đó hành động của họ rất kiên quyết”.

Chuyên gia David Huang cũng đề cập rằng ngành công nghiệp châu Âu đã dần nhận thức được xe điện của Trung Quốc có số lượng lớn thiết bị giám sát, điều này gây ra những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn về mặt bảo mật thông tin.

“Sau khi (kế hoạch tăng thuế của EU) được thông qua, đây sẽ là cú đánh mạnh vào khoản đầu tư khổng lồ trong 5 – 10 năm qua của Bắc Kinh để phát triển xe điện; sẽ có tác động rất tiêu cực đến mong muốn của ĐCSTQ chiếm lĩnh thị trường khổng lồ của thế giới thông qua xe điện. Ngoài ra cũng là một trở ngại cho ĐCSTQ trong hy vọng dùng xe điện để giám sát tình hình các nước.”

David Huang cho rằng để trợ cấp cho xe điện, ĐCSTQ đã lãng phí quá nhiều khoản trợ cấp vốn dùng để trợ cấp cho các thiết bị gia dụng, đồ nội thất và quần áo, điều đó khá bất lợi cho phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, do đó sẽ dần xuất hiện thêm nhiều những tác động tiêu cực.

Hải Chung, Lạc Á, Epoch Times

Related posts