Nguồn: Gideon Rachman, “Elon Musk is an unguided geopolitical missile,” Financial Times, 02/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Dù ảnh hưởng của Musk đang lan rộng từ Ukraine đến Trung Quốc, ông ta vẫn thiếu khả năng định hình luật pháp.
Các doanh nghiệp lớn và tỷ phú thường tránh xa các tranh cãi chính trị. Nếu họ sử dụng quyền lực, họ thích làm điều đó trong bóng tối hơn.
Nhưng Elon Musk thì khác. Trong những tuần gần đây, ông đã lên tiếng ủng hộ Donald Trump và thực hiện một cuộc phỏng vấn nhẹ nhàng với cựu tổng thống trên X, nền tảng mạng xã hội mà ông sở hữu. Musk cũng đang tham gia vào một cuộc đấu khẩu công khai gay gắt với Tòa án Tối cao Brazil, những người đã ra lệnh cấm X vào tuần trước. Ông còn tuyên bố rằng nội chiến là điều không thể tránh khỏi ở Anh, và phản ứng về vụ bắt giữ Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, tại Pháp bằng cách viết rằng: “Góc nhìn: Bây giờ là năm 2030 ở châu Âu và bạn đang bị xử tử vì thích một hình meme.”
Quyền sở hữu X đã trao cho Musk một chiếc loa phóng thanh khổng lồ để phát đi quan điểm của mình. Nhưng việc tập trung vào nền tảng mạng xã hội này đã làm lu mờ phạm vi và nguồn gốc thực sự của quyền lực địa chính trị của ông.
Chính việc kiểm soát SpaceX, Starlink, và Tesla đã mang lại cho Musk vai trò trung tâm trong cuộc chiến ở Ukraine và trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc; cũng như một vai nhỏ hơn trong cuộc chiến ở Gaza.
Trong những cuộc xung đột này, vai trò của Musk mơ hồ hơn so với trong các cuộc chiến văn hóa ở phương Tây. Những can thiệp không thể đoán trước của ông – kết hợp với sức mạnh công nghệ và tài chính lớn – đã biến ông thành một tên lửa địa chính trị không được định hướng, người có những ý thích nhất thời có thể định hình lại các vấn đề thế giới.
Khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, một trong những mục tiêu đầu tiên của họ là đánh sập quyền truy cập internet. Bằng cách cấp cho Ukraine quyền truy cập Starlink, dịch vụ internet vệ tinh của mình, Musk đã giữ cho lực lượng vũ trang của nước này tiếp tục chiến đấu vào thời điểm quan trọng.
Tuy nhiên, khi xung đột diễn ra được một thời gian, Musk lại hạn chế quyền truy cập của Ukraine vào Starlink – nhằm cản trở mọi nỗ lực tấn công lực lượng Nga ở Crimea. Musk đã dùng rủi ro Thế chiến III làm lý do biện minh cho hành động của mình. Hành động đó – liên quan đến việc ông thúc đẩy một kế hoạch hòa bình trong đó kết hợp một số yêu cầu của Nga – khiến Musk không còn được ưa chuộng ở Kyiv. Nhưng quan điểm của ông về rủi ro Thế chiến III thực ra không khác mấy so với quan điểm của chính quyền Biden.
Musk và chính phủ Mỹ thực sự chia rẽ với nhau là vì Trung Quốc. Việc Tesla mở một nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải vào năm 2019 được Washington xem là một bước lùi lớn đối với mục tiêu của Mỹ – đi trước Trung Quốc trong các công nghệ then chốt của tương lai. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới và các quan chức Mỹ tin rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã học hỏi từ – và đôi khi là ăn cắp từ – Tesla.
Chính quyền Biden đang cố gắng thuyết phục các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và đã được khích lệ khi Musk lên lịch thăm Ấn Độ hồi đầu năm nay, với mục đích mở một nhà máy Tesla tại đó. Thế nhưng, vào phút chót, Musk đã hủy bỏ lịch trình và thay vào đó xuất hiện ở Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, ông tuyên bố tăng cường quan hệ của Tesla với quốc gia này. Nhà máy ở Thượng Hải hiện sản xuất hơn một nửa số xe Tesla được sản xuất trên toàn cầu.
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng việc Musk ủng hộ quyền tự do ngôn luận – và sẵn sàng xúc phạm các nhà lãnh đạo thế giới – không mở rộng sang Trung Quốc. X đã bị cấm từ lâu ở Trung Quốc nhưng Musk vẫn hết sức tôn trọng Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc.
Một nhà lãnh đạo nước ngoài khác dường như đã nắm thóp được Musk là Benjamin Netanyahu của Israel. Musk từng bị cáo buộc thúc đẩy các thuyết âm mưu bài Do Thái trên X. Nhưng chính đề xuất cung cấp Starlink cho các tổ chức viện trợ ở Gaza của ông đã thực sự khiến chính phủ Israel lo ngại – họ tuyên bố rằng điều này sẽ giúp Hamas. Sau chuyến thăm Israel vào năm ngoái, Musk đã đồng ý rằng ông sẽ chỉ vận hành Starlink ở Gaza khi có sự chấp thuận của Israel.
Chính quyền Biden lo ngại về nhiều hoạt động của Musk. Nhưng các công ty của ông sở hữu năng lực công nghệ mà ngay cả chính phủ Mỹ cũng không có. Để giữ cho Ukraine được kết nối Internet, khi Musk dao động, Lầu Năm Góc đã phải ký hợp đồng với Starlink. Khi NASA muốn đưa các phi hành gia đến và đi từ Trạm Vũ trụ Quốc tế, thì SpaceX phải là người thực hiện điều đó.
Nếu Musk thường nói và hành động như thể ông ta quyền lực hơn bất kỳ chính phủ nào, thì có thể là vì, trong chừng mực nào đó, điều này là đúng.
Nhưng các chính phủ vẫn giữ một quyền lực then chốt mà Musk chưa thể nắm giữ: khả năng lập pháp và hành pháp. Cuộc đụng độ giữa Brazil và X – cũng như vụ bắt giữ Durov ở Pháp – đều là những dấu hiệu cho thấy thời đại của sự miễn trừ trên mạng xã hội đang đi đến hồi kết trong thế giới dân chủ. (Điều này chưa bao giờ tồn tại trong thế giới độc tài.)
Các công ty truyền thông xã hội ngày càng có khả năng bị quản lý giống như các công ty truyền thông truyền thống, và điều đó dẫn đến những tác động tốn kém. Năm ngoái, Fox News đã phải trả cho Dominion Voting Systems 787,5 triệu USD để giải quyết các khiếu nại về phỉ báng, xuất phát từ việc Fox đưa tin về các thuyết âm mưu về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
X có đầy rẫy những thuyết âm mưu – một vài trong số đó là do chính Musk thúc đẩy. Bất chấp tất cả sự giàu có và tài năng không thể phủ nhận trên cương vị một kỹ sư và doanh nhân, Musk vẫn phải tuân theo luật pháp của các quốc gia mà công ty của ông đặt trụ sở. Nhận thức mới này có thể giải thích cho những lời chỉ trích ngày càng dữ dội của ông đối với Brazil, Anh, EU, và tiểu bang California – và bất kỳ ai khác dám cản đường ông.
X không phải là nguồn sức mạnh của Musk. Nhưng nó có thể đánh dấu ranh giới mà sức mạnh của ông bị hạn chế.