Lý Chính Hâm
Cuộc chiến chip đã leo thang, Hà Lan và Hoa Kỳ đã nhất trí thắt chặt các hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, công ty “kỳ lân” GPU nội địa của Trung Quốc, Xiangdixian (Tượng Đế Tiên), được gọi là Nvidia của Trung Quốc, đã giải thể. Các nhà phân tích chỉ ra rằng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hà Lan thắt chặt hạn chế xuất khẩu, đồng hành cùng Mỹ
Chính phủ Hà Lan đang thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với máy chip đã có hiệu lực trong 1 năm, để phù hợp với các hạn chế của Hoa Kỳ.
Ngày 6/9, Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ tăng hạn chế xuất khẩu máy chip sang các khu vực ngoài EU. Điều này có nghĩa là ASML, một công ty lớn trong ngành chip nằm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, giờ đây phải xin phép Chính phủ Hà Lan, thay vì Chính phủ Mỹ, trước khi có thể xuất khẩu thêm máy móc.
ASML, có trụ sở chính tại Veldhoven, phía nam Hà Lan, là một trong những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới, cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô.
Thiết bị của công ty này phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Nhưng ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành một chiến trường địa chính trị.
Châu Âu và Hoa Kỳ cho biết, họ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng máy móc này để sản xuất chip cho mục đích quân sự hoặc gián điệp kinh tế.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Reinette Klever cho biết, bà đưa ra quyết định này vì an ninh của nước này.
Bà không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Bà nói, sự phát triển công nghệ đồng nghĩa với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất đặc biệt này sẽ tiềm ẩn thêm rủi ro an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Do đó, Chính phủ Hà Lan đang tăng cường các biện pháp đã có hiệu lực trong một năm, khiến chúng phù hợp với các biện pháp của Chính phủ Hoa Kỳ.
Trước đó, các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan lỏng lẻo hơn so với các hạn chế của Chính phủ Hoa Kỳ. Vì vậy, ASML phải xin phép Chính phủ Hoa Kỳ để xuất khẩu một số máy móc không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Hà Lan.
Trong một thông cáo báo chí, ASML cho biết hãng tin rằng quy định này sẽ thống nhất cách cấp giấy phép xuất khẩu. Họ giải thích rằng kể từ bây giờ, ASML sẽ có thể nộp đơn trực tiếp lên Chính phủ Hà Lan để xin cấp phép.
ASML nhấn mạnh, vì đây chỉ là thay đổi kỹ thuật, nên thông báo này sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng tài chính năm 2024, hoặc các giả định dài hạn của công ty.
Các hạn chế xuất khẩu mới nhắm vào các hệ thống “tia cực tím sâu” (DUV) tiên tiến, giúp in các thành phần nhỏ tạo nên vi mạch. Kỹ thuật “In khắc cực tím” (EUV) của ASML có thể sản xuất các chip tiên tiến nhất, cũng bị kiểm soát xuất khẩu.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Hà Lan cho biết, từ ngày 6/9, việc xuất khẩu nhiều thiết bị sản xuất tiên tiến hơn sẽ được yêu cầu khi xin cấp phép quốc gia. Biện pháp này nhắm đến một công nghệ rất đặc biệt trong chu trình sản xuất chất bán dẫn, cụ thể là thiết bị in thạch bản cực tím sâu.
Nếu ASML muốn xuất khẩu một thiết bị liên quan sang Trung Quốc. Chính phủ Hà Lan sẽ quyết định xem có chấp thuận xuất khẩu hay không, vì vậy không có vấn đề cấm xuất khẩu.
Công ty “kỳ lân” GPU nội địa của Trung Quốc Xiangdixian (Tượng Đế Tiên) giải thể
Định giá của Xiangdixian (Tượng Đế Tiên) từng lên tới 15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,1 tỷ USD). Đây là một công ty thiết kế GPU nội địa được thành lập vào tháng 9/2020.
Hãng từng được ca ngợi là ngôi sao hy vọng trong lĩnh vực chip hiệu năng cao của Trung Quốc, được biết đến như một công ty “kỳ lân” chip hiếm có, và là Nvidia của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày 30/8 năm nay, có tin đồn công ty này đã tuyên bố giải thể và sa thải hơn 400 nhân viên, do không thực hiện được thỏa thuận đã ký với các nhà đầu tư. Tài khoản của công ty bị đóng băng.
Theo đuổi nghiên cứu, phát triển chip cũng không giúp ích gì cho nền kinh tế Trung Quốc
Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 7/9, ông Hứa Trinh, Phó Chủ tịch Viện Thành phố Tương lai tại Đại học Trung Văn Hồng Kông, tin rằng bất lợi chiến lược lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt không phải là việc thiếu năng lực công nghệ cao, như chip hoặc trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Hứa Trinh thẳng thừng nói rằng từ cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất, tiêu dùng ì ạch đến việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất, chính quyền Bắc Kinh đã biến ngân sách vốn được dùng để làm giàu cho túi tiền của người tiêu dùng thành cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế nói chung.
Ông nói: “Khi xảy ra khủng hoảng thanh khoản, dù có bao nhiêu con chip cũng không thể giải quyết được (vấn đề dòng tiền). Nhưng rất đáng tiếc là dường như đây mới là vấn đề thực sự của nền kinh tế Trung Quốc. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có sự phản tỉnh rõ nét.”
Lý Chính Hâm / Vision Times