Trọng Thành
Siêu bão Yagi bắt đầu đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam từ tối ngày 06/09/2024. Tâm bão đi qua Hải Phòng, Quảng Ninh…
Sức gió ở tâm bão có thể lên đến cấp 16, 17, với tốc độ thậm chí lên đến 200 km/giờ, đủ sức vật ngã cây to, lật đổ ô tô, phá tan nhà cửa không kiên cố…
Trên mạng xã hội lan đi nhiều lời kêu gọi phù hộ tai qua nạn khỏi.
Cũng trên mạng xã hội, lan đi những hình ảnh về tình người trong thiên tai: Một đoàn xe hơi đi chậm lại để che chắn cho một nhóm người đi xe máy trên cầu, một gia đình, một khu chung cư công bố số điện thoại, sẵn sàng nhường nhà cho những người cơ nhỡ vì bão tố… (1).
Yagi được coi là trận bão lớn chưa từng có đổ vào miền Bắc Việt Nam từ hàng chục năm nay. Cơn bão được coi là dữ dội nhất tại khu vực từ nhiều năm nay.
Yagi nhắc gợi đến trận “SÓNG THẦN TRÊN KHÔNG” Haiyan (bão Hải Yến)
Yagi nhắc gợi đến Haiyan năm 2013, đã biến nhiều khu vực tại Philippines thành bình địa. Khoảng 10.000 người chết vì “đại siêu bão” này; 10% dân Philippines bị bão gây thiệt hại.
Gọi Yagi là “siêu bão” thì phải gọi Haiyan là “siêu siêu bão”, “đại siêu bão” hay “Sóng thần trên không”, bởi sức gió trên biển của Haiyan lên đến 380 km/giờ. Khi ập vào đất liền lên đến 310 km/h, gấp rưỡi siêu bão Yagi.
Haiyan tàn phá Philippines gây chấn động cộng đồng quốc tế đang họp Hội nghị về Khí hậu tại Ba Lan cuối năm 2013.
Trận “Sóng thần trên không” ấy ắt hẳn đóng vai trò không nhỏ trong việc cộng đồng quốc tế đúc kết HIỆP ĐỊNH KHÍ HẬU Paris 2015, cam kết hướng đến mục tiêu cắt giảm mạnh than đá – dầu mỏ – khí đốt, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5° đến 2°C, nguyên nhân trực tiếp làm Trái đất bị hâm nóng, khiến các thảm hoạ như kiểu Haiyan, Yagi… diễn ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn (2).
Tâm lý cầu xin và thời khắc của sự thật
Tại Việt Nam, trước trận bão Yagi, nhiều người kêu gọi phù hộ tai qua nạn khỏi. Nhưng trong số những người cầu mong ấy, ai tin tưởng thực sự vào sự phù hộ, còn ai cầu để lấy may?
Những người cầu xin phù hộ cho tai qua nạn khỏi trong cơn bão, có ai hiểu được rằng chính các hoạt động kinh tế gây khí thải quy mô vô cùng lớn của con người đã góp phần mình vào các trận bão như Yagi, như Haiyan, khiến cho các hiện tượng thời tiết khác thường như trên càng thêm dữ dội hơn, thường xuyên hơn?
Trong kỷ nguyên kinh tế, công nghệ phát triển vũ bão hiện nay, thiên tai không thuần tuý là thiên tai mà là “thiên – nhân tai”, như cách gọi của nhiều người. Sự phồn thịnh của nền kinh tế mà nhiều người tin rằng là thước đo chủ yếu của hạnh phúc hiện nay đang để lại một cái giá vô cùng lớn: Sự ổn định của khí hậu với tình trạng MƯA THUẬN – GIÓ HÒA bền vững từ hàng nghìn năm nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn (3).
Trong mắt bão ta hy vọng may mắn, qua khỏi.
Nhưng thời khắc của sự thật sẽ đến khi bão qua đi: Sự thật của những đổ nát, thiệt hại do bão gây ra và cả sự thật về những gì đã làm nên bão.
Năm 2013, khi trận bão Haiyan tràn đến, Việt Nam được coi là một bên tích cực đóng góp vào thành công của Hội nghị Khí hậu thế giới.
Trong ít năm gần đây, Việt Nam được coi là một quốc gia trong nhóm nước đi đầu trong chủ trương sớm từ bỏ THAN ĐÁ – thủ phạm hàng đầu của biến đổi khí hậu, của các siêu bão như Yagi, Haiyan trong tương lai (với sự hỗ trợ quốc tế).
“Gieo gió, gặt bão” và cơ hội nhận ra sự thật trong “mắt bão”
Rất đáng tiếc là dường như xu thế đó đã và đang bị chựng lại. Một số nhà hoạt động môi trường ít ỏi, làm việc trong các tổ chức xã hội được nhà nước công nhận, đi đầu trong nỗ lực vận động và thúc đẩy từ bỏ than đá đã bị dính vòng lao lý. Không thể không nhắc đến những người như Nguỵ Thị Khanh (đã được trả tự do), Hoàng Minh Hồng, Đặng Đình Bách và mới đây là Ngô Thị Tố Nhiên (4).
Cổ nhân có câu: Gieo gió gặt bão.
Vận mệnh của Việt Nam không thể tách rời nhân loại. Đồng bằng Bắc Bộ hay Hà Nội không phải là một khu vực biệt lập với thế giới. Bão Yagi có thể là một cơ hội giúp nhận ra sự thực trong “Mắt Bão” – Cơn bão tố của đời sống quay cuồng, chạy theo các lợi ích phù du, ngắn hạn và nhất thời.
Phật thánh ở đâu, Chúa trời ở đâu trong Cơn bão tố này?
Ghi chú:
1/ Tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn) hiện đang có đội ngũ túc trực và sẵn sàng mở cửa đón bất kỳ ai cần nơi tránh bão lúc này. Liên hệ: 02473067889.
https://www.facebook.com/share/p/SwUaZD7U2bZ6JVWT/
Cô giáo Nguyệt Anh cung cấp một căn hộ cho mươi người cơ nhỡ https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid0yStMdH1B44Xda4DXEmbkhGxzXjh3Y7SbCGLyPwdJGPzjbmXTmW7mJTiVHQar6LG4l&id=100005950863203&mibextid=WC7FNe
2/ Bài học sau cơn bão Haiyan: Thảm họa từ biến đổi khí hậu
https://laodongthudo.vn/bagravei-hoc-sau-con-batildeo…
3/ Phần 5: Mưa thuận gió hoà ngàn đời đang bị đe doạ: Một biểu tượng chung cho Đông Á có ý nghĩa gì?
https://www.facebook.com/share/p/VfTGkLJqCcWCBP5J/
4/ Các tổ chức quốc tế hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, https://rfi.my/9V0C
Kết án nhiều nhà bảo vệ môi trường: Danh tiếng của Việt Nam bị ảnh hưởng, RFI 25/07/2022https://rfi.my/8bon
T.T.