Phận gái duyên tình

Đặng Duy Hưng

Có những người cha “giận mất khôn” mỗi lần lớn tiếng với những ngôn từ thô bỉ với người phối ngẫu,  hay lên tay xuống chân bạo lực với người vợ và con cái không có cơ hội chống trả! Tệ hại nhất là những hành động này diễn ra trước mắt những đứa con hiền lành vô tội. Họ nào biết dấu ấn bạo lực hằn sâu vết sẹo trẻ thơ không bao giờ lành! Đó là chuyện đời của Rose lúc nào cũng sống trong sợ hãi cho mẹ và bản thân mình mỗi lần cha đi làm về. Qua tuổi 16 nàng đã quyết định sẽ không bao giờ gần gủi quan hệ với người khác phái. Ít ai biết mỗi lần bạn trai học chung lớp lên tiếng muốn làm quen,  nàng chỉ thấy hình ảnh đòn thù từ cha hành hạ mẹ. 

Nàng bắt đầu hiểu hôn nhân gán ghép từ thế hệ  cổ xưa không tình yêu đã dẫn đến sự uất ức của người đàn ông đổ giận dữ lên người vợ vô tội. 

Rồi cha nàng cũng bỏ mặc mẹ con nàng đến sống chung với cô gái trẻ hơn. Nàng và mẹ khăn gói dọn về gần nhà ông bà ngoại. Lần đầu tiên mẹ lao vào làm những việc cực nhọc nuôi dưỡng nàng nên người. Và một điều đáng tiếc nhất trong đời là năm 31 tuổi, khi nàng trở thành tay trợ lý đắc lực cho tổng giám đốc công ty tài chính F. Lúc đó mẹ đã không còn để cho nàng trả lại công ơn sinh thành.

Không biết tư tưởng muốn có một hay hai đứa con mà không cần phải có chồng đã lên mầm tạo rễ ra hoa trong tâm tư nàng tự lúc nào! Tuy vậy khi ở ngoài đường hay mỗi lần gặp bạn bè, đồng nghiệp tay ẳm, tay bồng con nàng luôn lịch sự vui vẻ chia sẻ niềm vui.

Không ít người đặt câu hỏi về đời sống riêng tư của nàng nhưng không dám nói thẳng sợ mất lòng hay tệ hại hơn có thể mất việc làm.

Nàng vẫn vậy, đến công sở đúng giờ hòa bản thân mình vào công việc. Hàng ngày luôn hòa đồng với người chung quanh nên ai cũng thích . Nhưng sau khi vài người ngỏ ý muốn “ghép nối” bất thành. Họ chấp nhận để nàng tự quyết định hướng đi tương lai!

Và một ngày thật bất ngờ viện bảo tàng nghệ thuật tranh ảnh khai trương trên đường đi bộ về nhà mỗi buổi chiều. Nàng quyết định đi làm sớm dành trọn chiều 

 thứ sáu ghé ngang thưởng lãm. Với nàng trên thế gian này không có gì hấp dẫn hơn thưởng thức nghệ thuật và được đọc cuốn sách hay. Và mấy tuần nay bức tranh người mẹ bồng con thu hút sự tò mò, cảm xúc tâm tư nỗi loạn xúc động nhiều nhất.

Nàng hay đứng lặng thưởng thức suy tư đưa tâm tư về thế giới nàng lớn lên cùng ước mơ tạm thành đạt. 

Người phụ nữ trong tranh từ Somali gầy còm ốm yếu không đủ dinh dưỡng để có sữa cho đứa con. Thế giới từ bao giờ chiến tranh tạo ra bao thảm họa cho người dân vô tội.

6 tuần liên tiếp nàng ghé vào đây đứng nhìn sững vào bức tranh sơn mài. Nàng chợt nhớ đến người mẹ cả cuộc đời hy sinh cho đứa con, thất vọng với hôn nhân cứ ngỡ như ước mơ.

Nước mắt chảy xuống hai má làm nàng lục trong bóp đầm lấy giấy chùi. Lục hoài không có, đột nhiên bên cạnh có ai đưa cho hộp giấy. Ngước lên thấy người đàn ông á châu khuôn mặt bị phỏng bên má phải. Nói thẳng thắn có thể mích lòng “hơi khó nhìn.”

Bộ đồ anh ta mặc trên người cho biết là thợ lo lắng bảo trì điện nước nơi đây. Hình quảng cáo số điện thoại in thật to trên áo “Gọi 24/24 số 408-5557777.”

Anh ta lên tiếng: “Nhìn họ thật tội nghiệp phải không cô?”

Hơi ngạc nhiên đến sửng sốt nhưng nàng lấy lại bình tĩnh: “Anh là ai?”

Anh ta mở mũ vừa gãi đầu: “Tôi đang lắp đặt thêm vài bóng đèn màu giúp những bức tranh khi nhìn nghiêng tạo ra cảm giác mới lạ hơn!”

Nàng hỏi: “Ý nghĩ lối nhìn nghệ thuật của anh?”

Anh ta cười e thẹn: “Đâu phải! Ông Curator sáng nay gọi tôi vào phòng giải thích muốn tôi phải chọn đúng màu ánh sáng. Tôi chỉ là thợ cu li ai sai đâu làm đó thôi. Làm gì biết nhiều về nghệ thuật.”

Anh nói tiếp: “Tôi thấy cô đang xúc động nên đưa hộp giấy này cho cô dùng. Xin lỗi đã làm phiền cô. Tôi trở lại với công việc đây!”

Anh ta mở mũ lịch sự chào rồi mở cửa vào trong phòng kín sau lưng bức tranh.

Tối hôm đó trở lại nhà mới hay máy nước nóng dưới garage bị hư. Gọi công ty bảo hiểm họ báo thứ hai tuần sau mới có thể làm hẹn. Đầu óc rối bời không biết nên làm sao? Chợt nghĩ đến anh chàng hồi chiều cầm điện thoại gọi thử: “Hello! Anh có thay bình nước nóng không?”

“Có! Cô có thể đọc cho tôi biết loại nào? Chứa đựng bao nhiêu lít!? Tôi sẽ đi mua liền tối nay. Tôi sẽ đưa hóa đơn cho cô trả lại cộng thêm tiền công 150 đô.”

Nàng mừng rỡ: “Đây là tất cả thông tin về máy và địa chỉ nhà em chụp hình gửi cho anh. Cám ơn anh đã nhận công việc cho em.”

Đầu giây bên kia: “Nghe giọng nói cô quen xin lỗi không biết gặp ở đâu?”

“Tụi mình gặp chiều nay tại viện bảo tàng!”

“Cô đó sao không? OK chờ tôi độ một tiếng, tôi sẽ đến liền.”

Gần khuya nhìn anh cẩn thận gọn gàng chuyên nghiệp hoàn thành công việc chỉ sau 3 tiếng đồng hồ.

Đứng nhìn anh ta làm hỏi chuyện, bàn tán thời sự cho qua thời gian cảm thấy hai đứa gần gũi, cô giỡn: “Anh làm đêm nhiều chắc bà nhà không vui!”

Anh giọng buồn: “Cô nhìn tôi với khuôn mặt như vậy! Mồ côi cha mẹ không thân nhân gần gũi trên đất nước này; vẫn còn nghèo nên mơ mái ấm gia đình nhưng cuối ngày chỉ vui bên con mèo tên Soup.”

Khuya hôm đó sau khi chia tay nàng ngủ nằm mơ thấy anh ta mời về nhà ở trọ uống cà phê. Không hiểu sao ghé thăm nàng thấy giống cái nhà ngày xưa nàng sống với ba mẹ. Đột nhiên cha nàng đi làm về giận dữ cầm gậy đuổi anh chạy ra đường. Nàng sợ hãi giựt mình thức dậy mồ hôi ra ướt trán. 

Mấy thứ sáu liên tục nàng hy vọng sẽ gặp lại anh ở bảo tàng viện nhưng đợi hoài vẫn không thấy anh. Nàng tự cười cho ý nghĩ của bản thân mình: “Anh ta chỉ xem mình như người khách mà thôi!”

Nhiều lúc hy vọng đi làm về trong nhà có gì hư để có cơ hội gọi anh! Lần đầu tiên trong đời nàng nghĩ suy tư về một người đàn ông không là bạn hay đồng nghiệp.

Và một ngày bức tranh người mẹ sau 3 tháng triển lãm được chuyển đi thành phố khác. Thay vào đó bức tranh tình yêu giữa hai người khác màu da chủng tộc. Đầu thập niên 50 người họa sĩ ấy đột phá bạo dạn bộc lộ ý nghĩ dám nói dám làm. Tự nhiên nàng nghĩ đến câu của Janice Trachman: “Everything is within your power. And your power is within you.”

Tia sáng chớp qua tâm thức làm nàng tự nhủ: “Tại sao ta không gọi anh ta nhỉ?”

Nghe bên kia anh bốc máy trả lời giọng lo lắng: “Nhà cô có chuyện gì không?”

Nàng hân hoan: “Chỉ muốn mời anh đi uống cà phê trả ơn anh sửa chữa bình nước!”

“Cô trả tiền sòng phẳng mà. Chúng ta chẳng ai nợ ai!”

Nghe anh nói vậy nàng tự thầm nhủ: “Đúng là anh cù lần chẳng hiểu ý con gái!”

Thế là hơn 5 lần ra ngoài, có lúc uống trà đôi khi ăn trưa cuối tuần nàng thật sự yêu anh. Và một ngày anh ghé thăm căn hộ anh ở gọn gàng từ nhà bếp ra nhà khách. Nhìn anh cuốn chả giò chiên mời nàng chuyên nghiệp như việc làm. Nàng hỏi: “Em nghe đàn ông A châu rất ít vào bếp?”

“Em nói đúng! Anh tự lập từ nhỏ nên phải tự rèn luyện học hỏi lo lắng cho bản thân mình và người…”

Nàng hỏi gặn: “Vợ con?”

Anh cười gượng: “Mơ ước thôi! Phải biết nấu nồi cơm, tô cháo khi vợ con bị bệnh hay lúc bận rộn công việc.”

Một lần anh thú thật với nàng: “Anh thật sự muốn gọi em làm quen sau khi gặp lần thứ hai đến thay bình nước, nhưng nhìn vào gương anh cảm thấy không nên vói quá cao sẽ té nặng.”

Nàng nghe anh nói cảm thấy ấm long: “Em yêu anh không phải những gì trông thấy bên ngoài mà ở trái tim chân thành. Em tin anh sẽ đem về cuộc sống bình yên em ngỡ không ai có thể tạo được.”

Làm thân phụ nữ ai không muốn tìm người chồng giỏi giang hơn bản thân mình. Nhưng hạnh phúc đâu có phải đến từ sự nghiệp của người chồng thế hệ hôm nay.

Sống trong đời đếm bao lần gặp gỡ 
Quen và Quên vốn  cũng chỉ ngôn từ
Ta đôi lúc ngỡ đúng người, thời điểm 
Vẫn ngậm ngùi than hai chữ “Tuỳ Duyên.”

Đặng Duy Hưng

Related posts