Nhiều người nói kinh Kim Cang đọc thấy nóng cả người, thậm chí có người bị tẩu hỏa nhập ma nhưng cũng có người chỉ nghe lỏm một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ đạo, như ngài Huệ Năng lục tổ. Kim Cang còn có tên Kim Cang Năng Đoạn có công năng “chặt đứt” mọi thứ phiền não, khổ đau ách nạn của kiếp người đã được Phật giảng dạy từ hơn 2.500 năm trước.
Nghe vậy, tôi tò mò đọc thử. Ối trời, thật là chưng hửng, thật là choáng váng! Tưởng sẽ tiếp cận được với những lời dạy uyên áo, đạo lý cao siêu, pháp môn thượng thừa… hóa ra ngay trong đoạn đầu của Kim Cang đã kể lại một chuyện chẳng ăn nhập vào đâu, một chuyện rất bình thường, thậm chí tầm thường, đó là chuyện “cái ăn”!
Lúc đó “hội trường” đã đầy ắp cả ngàn người khắp bốn phương tụ về, nhiều vị chức sắc, đại Bồ tát, đại A la hán, đạo cao đức trọng trang nghiêm ngồi tĩnh tọa, bất động như những chiếc tháp, có người khoác y vàng, có người cà sa rực rỡ, có người giang hồ hảo hán… không ai nói với ai lời nào, ngóng chờ những lời giảng dạy của Đức Phật. Mọi người thậm chí chẳng còn nghe thấy tiếng thở của chính mình.
Nhiều đệ tử ở xa đi xe dê xe trâu tới trễ nên ban tổ chức cố ráng đợi cho đông đủ, nhất là các vị Bồ tát trẻ vừa mới phát tâm, muốn có cơ hội được gần Phật. Trên chánh điện, Phật đang ngồi nhập vô lượng nghĩa xứ định, một vầng hào quang nhẹ tỏa trên vầng trán rộng.
Giữa không khí hết sức trang nghiêm trịnh trọng như vậy, Phật bỗng lẳng lặng đứng lên, khoác y vàng, cầm bình bát… ung dung bước ra khỏi hội trường, chẳng thèm nói một lời, chẳng thèm tằng hắng một tiếng! Ngài đi đâu vậy? Đi khất thực. Trưa quá rồi. Đói quá rồi!
Đi khất thực, ấy là nói chữ chớ nôm na là đi “xin ăn”. Ngài đi một vòng trong thành Xá Vệ cho đến khi thấy vừa đủ, Ngài quay lại “hội trường”, bày ra ăn – mặc kệ mọi người chờ – ăn xong, thu dọn chén bát đâu đó đàng hoàng rồi rửa chân sạch sẽ, ngồi xếp bằng… nhập định tiếp! Cũng chẳng thèm nói lấy một tiếng. Chẳng thèm tằng hắng lấy một tiếng! Tôi tưởng tượng lúc đó nếu mình cũng đang ngồi xớ rớ đâu đó, bên ngoài hành lang, dự thính, chờ nghe những lời thuyết giảng của Phật mà phát tức anh ách, cảm thấy hẫng, thất vọng.
Bỗng dưng, Tu Bồ Đề xuất hiện. Ngồi giữa đám đông như mọi người bỗng ông đứng phắt dậy, cung kính cúi chào đúng nghi lễ với bậc Thế Tôn rồi cất lời: “Thật là tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu! Thật xưa nay chưa từng có! Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo truyền trao, khéo léo gởi gắm cho các vị đang có mặt tại đây hôm nay!”. Lúc đó thì quả thực mới bùng nổ bài học vừa được truyền trao mà chẳng ai ngờ! Lúc đó thì sự chưng hửng đã trở thành nỗi áy náy. Chết rồi, nãy giờ không để ý, không theo dõi kỹ bài giảng không lời kia của Đức Phật!
Thì ra Phật có cách dạy riêng: không nói mà làm cho coi. Cái đó gọi là “demonstration”, biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skill) rất hiện đại.
Phật muốn dạy bài học đầu tiên: đói ăn, khát uống. Tới giờ ăn thì phải lo ăn. Ai nói không cần ăn là người không biết sống, hoặc giả dối. Phật tới giờ ăn mà còn phải lo mặc áo, xách bình bát đi khất thực, huống chi ta! Điều đáng để ý ở đây, một bậc Thế Tôn như Đức Phật, chỉ cần nói một tiếng, không thiếu món ngon vật lạ cúng dường! Thị giả hẳn đã lo bữa tươm tất cho Phật đâu đó cả rồi. Nhưng không. Phật đã tự đi “xin ăn” lấy một mình. Không nhờ vả đến ai. Không ăn thức ăn dọn sẵn ngon lành, mà tự mình làm đúng những điều mình đã dạy.
Nhiều vị “chức sắc” có mặt hẳn… hết hồn nhìn lại mình, nào đệ tử cung phụng, nào bày biện các món ăn tuy là chay mà cũng “sơn hào hải vị” không kém! Ngày nay còn thấy có nhiều thức ăn chay giả giống hình con tôm, con cá, đùi gà… bày biện như đại tiệc lộng lẫy xa hoa mà ngại! “Hết hồn” còn bởi vì Phật, bậc Thế Tôn, có hàng chục “chức danh” lừng lẫy mà vẫn đi chân trần, vẫn bưng bình bát đi khất thực từng nhà giữa nắng trưa để có cái ăn, có gì ăn nấy.
Phật đi khoan thai, mỗi bước đều chánh niệm, không “dính mắc” gì với chung quanh mọi người đang xì xầm hay bàn tán về mình, kẻ khen người chê. Ngài chỉ thở vào thở ra trên từng bước đi, ung dung, nhẹ nhàng, sảng khoái không cố ý làm một điều chi để “trình diễn”. Phật cũng không chọn các nhà giàu để đến khất thực hoặc chọn nhà nghèo dễ chịu hơn, hoặc những nhà quen biết cho chắc ăn, Phật cứ ung dung lần lượt đi từng nhà, từng nhà, bởi vì đâu có cần phải phân biệt, đâu có cần giúp riêng người giàu hay người nghèo. Ai cũng có vấn đề, ai cũng “khổ” như nhau thôi. Người nghèo khổ nghèo, người giàu khổ giàu!
Có điều sau một vài tiếng đồng hồ đi bộ để khất thực như vậy thì món ăn nào cũng trở thành “cao lương mỹ vị”, nếu được ăn trong chánh niệm, được nhai kỹ từng chút một thì thức ăn nào cũng ngon, cũng dễ tiêu hóa. Cái bình bát cũng vừa lớn đủ đựng thức ăn cho một người thôi, để không quá dư, không thừa mứa.
Nếu chịu khó quan sát kỹ tí nữa, lúc Phật bưng bình bát đi khất thực từng nhà, có lẽ ta còn phát hiện ra nhiều điều hay, thú vị khác. Chẳng hạn cái người đi khất thực kia không phải là người “đi xin” mà là người “đi cho”. Không phải chỉ vì người đi xin kia là Đức Phật mà chỉ vì cái hành vi đi xin kia thực ra mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa cảnh tỉnh, như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở. Gia chủ sẽ có dịp nhìn lại chính mình, nghe ngóng một tiếng nói nào đó ở trong sâu thẳm tâm hồn mình.
Với người quyền quý cao sang, có thể giật mình một chút thấy cái người đi chân đất, để đầu trần, bưng bình bát đứng xin ăn kia là người vì sao đã từ bỏ ngôi vị thái tử, đã từ bỏ gấm vóc lụa là, cung phi mỹ nữ. Cũng có thể sẽ có những người xua đuổi, xỉ vả, để rồi cũng nhận được một ánh mắt biết ơn, một nụ cười trìu mến. Đêm về, nhớ lại, sẽ ngạc nhiên nghe một thứ tiếng nói khác trong lòng mình. Có những người nghèo không có cái ăn, không có cái gì để cho thì lúc đó cái ánh mắt, cái nụ cười sẽ chia sẻ cùng nhau. Sự tôn trọng, không phân biệt, đã nói lên nhiều điều quá đỗi.
Trở lại bài học đầu tiên của Kim Cang, ấy là “đói ăn, khát uống”. Nhưng ăn thế nào mới là vấn đề. Chỉ vì cái ăn mà tranh đoạt, lọc lừa, thủ đoạn, đấu đá, giành giựt, thu vén hết về cho mình thì thật là tội nghiệp! Không phải vô cớ mà người ta đọc kinh tạ ơn trước mỗi bữa ăn: “Xin hằng ngày dùng đủ”.
BS Đỗ Hồng Ngọc