Vì sao nhiều người Trung Quốc “thấy chết không cứu”?

Thái Tư Vân

(Ảnh cắt từ video)

Gần đây, một đoạn video được lan truyền trên Internet cho thấy một nhóm học sinh ở trường trung học Từ Hối Thượng Hải được cho là đã bị ép đứng ngoài trời trong điều kiện nhiệt độ cao. Sau đó, một học sinh kiệt sức đã ngã xuống đất do say nắng, mặc dù vậy không có em học sinh nào có mặt tại hiện trường bước ra đỡ học sinh này. Cư dân mạng không khỏi thốt lên rằng cuối cùng họ đã hiểu lý do vì sao xã hội Trung Quốc “thấy chết không cứu”.

Có thể thấy trong video, các em học sinh đứng chắp tay sau lưng và xếp hàng dưới cái nắng như thiêu đốt. Đột nhiên, cậu bé cuối cùng của một hàng ngã xuống đất. Những học sinh khác vẫn đứng đó, chỉ quay lại nhìn nhưng không có ai tiến tới giúp đỡ. Hai ba học sinh rụt rè giơ tay lên, như thể đang báo cáo sự việc với giáo viên.

Một lúc sau, cậu bé tự ngồi dậy rồi gục đầu vào tay. Lúc này, một nam giáo viên chắp tay sau lưng vênh váo đi tới, vẻ mặt không có chút lo lắng. Một lúc sau, anh ta bước đi, để lại cậu bé tiếp tục nằm trên mặt đất.

https://x.com/muyang909/status/1831156396270006569?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1831156396270006569%7Ctwgr%5E74d4c79a2c77b62c943123c479136f9786e88dc0%7Ctwcon%5Es1_c10&ref_url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.co%2Ftrung-quoc%2Fvideo-sao-nhieu-nguoi-trung-quoc-thay-chet-khong-cuu.html

Đây là vụ việc xảy ra tại Trường trung học Từ Hối ở Thượng Hải hôm 2/9. Được biết, các học sinh đã đứng đó suốt nửa tiếng. Báo cáo của nhà trường cho biết, cậu bé bị ngất là học sinh lớp 6, ngất do không khỏe trong giờ thể dục thứ 4 vào buổi sáng, đã được đưa đến bệnh viện để điều trị và trở về nhà an toàn.

Điều đáng suy nghĩ là khi nhìn thấy có người bên cạnh mình ngã xuống, việc bước tới để quan tâm và giúp đỡ là một hành động tự nhiên. Tuy nhiên, các học sinh có mặt lúc đó chỉ đứng chắp tay sau lưng, không ai dám ra khỏi hàng để bước đến xem tình hình thế nào. Cho dù có người muốn báo cáo với giáo viên thì cũng không dám ra khỏi hàng.
Giáo dục cứng nhắc làm mất thiên tính thiện lương của trẻ

Một blogger giáo dục đã bình luận về điều này, cho rằng trước tình trạng khẩn cấp này, trẻ em rõ ràng đã bị mắc kẹt ở đó, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa tự do đạo đức và tự do đi lại. Các học sinh đó có mong muốn giúp đỡ các bạn cùng lớp, nhưng bị ràng buộc bởi kỷ luật. Những ràng buộc như vậy không thể rèn luyện trong ngày một ngày hai, mà là những “thành quả giáo dục” được tích lũy theo thời gian.

“Trên thực tế, trẻ em có bản chất hoạt bát, vui vẻ, hồn nhiên và tốt bụng, và chúng nên lớn lên trong môi trường đầy lạc quan. Tuy nhiên, sự tê liệt, cứng nhắc và thờ ơ của xã hội người lớn đã xâm nhập vào cuộc sống của bọn trẻ quá sớm, và nuốt chửng thiên tính thiện lương của chúng. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục cứng nhắc, lạnh lùng và nghiêm khắc này, trong tương lai sẽ trở thành người như thế nào, và chúng sẽ hình thành nên một xã hội như thế nào?

Hôm nay, một người bạn cùng lớp bị ngất, bọn trẻ chỉ biết bất lực nhìn. Không ai dám tiến tới hỏi han, sau này lớn lên đương nhiên sẽ đứng nhìn khi có người ngã hoặc bị thương trên đường. Cư dân mạng thốt lên rằng cuối cùng họ đã hiểu lý do tại sao xã hội Trung Quốc “thấy chết không cứu”.

“Thấy chết không cứu” phản ánh điều gì?

Vào tháng 10/2011, vụ việc liên quan đến Tiểu Duyệt Duyệt ở Phật Sơn, Quảng Đông đã gây chấn động và thu hút sự chú ý rộng rãi trong và ngoài Trung Quốc. Bé gái 2 tuổi Vương Duyệt (Wang Yue) bị hai ô tô đè lên, tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường. Trong khoảng thời gian này, có 18 người qua đường nhưng không có ai đến cứu. Sau đó, một bà lão nhặt rác đã đưa bé đến bệnh viện nhưng cuối cùng đã tử vong vì bị thương quá nặng.

The Sun bình luận: “Mũi nhọn dư luận đang đồng loạt nhắm vào 18 người qua đường thờ ơ này, buộc họ phải chịu sự phán xét về mặt đạo đức… Tính máu lạnh của họ có phải là bẩm sinh không? Làm người tốt ở Trung Quốc ngày nay đã khó, làm việc tốt cũng rất khó, vì nếu không cẩn thận sẽ bị gài bẫy và phải bồi thường rất lớn. Phán quyết bất công của tòa án đã bóp méo đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa và làm xói mòn lương tâm của người dân Trung Quốc… Từ đó người dân Trung Quốc học cách tự bảo vệ mình một cách khôn ngoan và thờ ơ bàng quan… Sự máu lạnh của người dân Trung Quốc thực chất là kết quả tất yếu của sự hủ bại của chính phủ. Chính phủ thế nào thì người dân thế đó, chúng ta lên án sự máu lạnh của những người qua đường ở Phật Sơn, đồng thời chúng ta cũng nên nghiêm túc suy ngẫm xem sự máu lạnh này đến từ đâu.”

Tờ Apple Daily từng bình luận: “Có rất nhiều vấn đề đáng để bình tĩnh suy ngẫm lại: Phải chăng sự thờ ơ với kẻ yếu thế của 18 người qua đường ở Phật Sơn và việc họ không giúp đỡ các nạn nhân, có phải là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc ngày nay không? Tại sao lại có nhiều người như thờ ơ như vậy, gian xảo như vậy, mất niềm tin cơ bản vào người khác như vậy? Có những vấn đề ở cấp độ tính cách cá nhân, thái độ sống, thói quen suy nghĩ, v.v., nhưng nếu là hiện tượng phổ biến thì chắc chắn phải có những vết sẹo lịch sử sâu sắc hơn và hơn thế nữa là sự bại hoại cơ bản của chế độ.”

Một bình luận khác từng viết: “Thực tế, trong 22 năm kể từ ngày 4/6 (sự kiện Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989), thế giới tràn ngập những điều kỳ lạ và kỳ quái, và chúng đang được đổi mới mỗi ngày. Mối quan hệ của con người không còn chỉ là thờ ơ, mà là lừa dối và làm hại lẫn nhau, từ công trình xây dựng trường học chất lượng kém đậu phụ ở Vấn Xuyên (trận động đất năm 2008) đến cơn bão sữa nhiễm độc, rồi có thịt tiêm nước, tiêm clenbuterol, dưa hấu nở, bánh bao nhuộm, vắc-xin độc, thuốc trừ sâu giả, thuốc lá giả, rượu giả, dầu ăn thải… Chuỗi hãm hại nhau liên hoàn này là bằng chứng sắt đá cho sự sụp đổ của xã hội… Thế đạo nhân tâm như thế, toàn thế giới lại không thể nhìn thấy, nhưng nó được thể hiện một cách lạnh lùng ở một Trung Quốc thịnh vượng, bộc lộ sâu sắc sự thất bại to lớn của ‘Bát vinh, Bát nhục’ (khái niệm đạo đức do cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đưa ra), giáo dục lòng yêu nước, ‘Tam đại biểu’ (khái niệm của ông Giang Trạch Dân) để ‘đại diện cho nền văn minh tiên tiến’.”

Tờ Đông Phương Nhật Báo từng bình luận: “Trong một thế giới như vậy, phải trải qua bao nhiêu sự thờ ơ và tích tụ cái ác mới có thể hình thành một loại máu lạnh ăn sâu như vậy giữa thanh thiên bạch nhật? Còn bi thảm hơn nữa là khi người nhặt ve chai cứu bé gái, một số người chế nhạo người này vì muốn ‘thổi phồng bản thân’ và ‘trở lên nổi tiếng’… Nếu những người có trái tim ấm áp và tốt bụng không được công nhận và tôn trọng, ngược lại còn bị đối xử bất công và bị tổn hại, làm sao chúng ta có thể nói về đạo đức xã hội đây?”

Nhìn vào sự hỗn loạn khác nhau trong xã hội Trung Quốc, sẽ thấy rằng hệ thống giáo dục của quốc gia này có vấn đề rất lớn. Triết lý giáo dục của Trung Quốc coi thường bản chất con người và các quy luật tự nhiên, áp dụng nền giáo dục nhồi nhét áp lực cao vô nhân đạo, khiến học sinh coi trọng điểm số hơn là học kiến ​​thức, coi trọng công danh lợi ích hơn là nhân phẩm. Nhà trường dạy học sinh phải vâng lời tuyệt đối, khiến các em quen tuân theo mệnh lệnh mà bản thân không có khả năng tư duy, sáng suốt. Hệ thống giáo dục tham nhũng đã nuôi dưỡng một lượng lớn người có tư tưởng cứng nhắc, cuối cùng đã đẩy toàn bộ xã hội đến bờ vực suy đồi và sụp đổ.

Thái Tư Vân/ Vision Times