Vương Đan: Bạo lực mang tính thể chế trong xã hội Trung Quốc

Tiêu Nhiên

Nhà đấu tranh dân chủ Vương Đan (Nguồn: Facebook của Vương Đan)

Bạo lực trong xã hội Trung Quốc những năm gần đây có xu hướng gia tăng cao, đó không chỉ là kiểu phản ứng tự phát nhất thời mang tính cá nhân, mà còn là một vấn đề xã hội sâu xa. Nhà đấu tranh dân chủ Vương Đan (Wang Dan) đã đề cập căn nguyên vấn đề này từ góc độ thể chế xã hội, cảm xúc tập thể, và sức khỏe tâm thần của xã hội Trung Quốc.

Căn nguyên từ cơ cấu thể chế xã hội

Theo Vương Đan chia sẻ trong chương trình YouTube của ông, đằng sau các vụ bạo lực thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây, chính là vấn đề sâu xa từ thể chế xã hội. Nghĩa là tình trạng bất công của hệ thống xã hội và cơ cấu quyền lực, khiến các nhóm dễ bị tổn thương thể hiện bất bình bằng bạo lực. Loại bạo lực này không đơn thuần là vấn đề cá nhân, mà là hệ quả của bất công xã hội và áp bức quyền lực, phản ánh tuyệt vọng và bất lực của người dân đối với hệ thống xã hội chi phối họ. Mặc dù chi tiết về vụ thảm sát ở tỉnh Thiểm Tây vẫn chưa được công khai, nhưng có thể thấy từ những tin đồn trên mạng rằng những vụ việc như vậy thường liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương chống lại quyền lực.

Ở Trung Quốc ngày nay khá phổ biến những vấn nạn như tranh chấp đất đai, xung đột giữa bác sĩ và bệnh nhân và các vụ bắt nạt… Mẫu số chung là việc người dân thường có những biện pháp cực đoan khi gặp khó khăn không thể giải quyết được. Những vấn đề mang tính cơ chế xã hội đã khiến nhiều người không thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các kênh pháp lý thông thường, họ phải dùng đến bạo lực. Đây không chỉ là vấn đề mang tính lẻ tẻ mà là hiện tượng xã hội phổ biến, phản ánh xói mòn trật tự xã hội do bất công về mặt thể chế gây ra.

Đồng thời, những vấn đề mang tính thể chế đằng sau các vụ bạo lực thường được cố tình che giấu. Bằng cách ngăn chặn tin tức, nhà chức trách cố gắng kiểm soát dư luận và giảm tác động của bạo lực. Nhưng nguyên nhân sâu xa của những hành vi bạo lực này – tình trạng thể chế xã hội bất công và những cảm xúc bị đè nén của người dân – chưa hề được xoa dịu, ngược lại bạo lực xảy ra thường xuyên cho thấy mâu thuẫn trong xã hội ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh bạo lực do thể chế xã hội, người dân bình thường khi phải đối mặt với áp bức rất khó tìm kiếm được các kênh pháp lý hợp pháp để bảo vệ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các vùng nông thôn, nơi những kẻ bắt nạt trong làng và quan chức địa phương sử dụng quyền lực của nhà nước để đàn áp dân làng, cuối cùng dẫn đến bạo lực trả đũa. Ở một mức độ nhất định, loại hành vi dùng bạo lực đáp trả này có thể được coi là sự phản công của các nhóm dễ bị tổn thương, nhưng nó không thể thực sự thay đổi cấu trúc xã hội bất công.

Sự xuất hiện thường xuyên của bạo lực do thể chế xã hội cũng phản ánh những lỗ hổng trong hệ thống quản lý xã hội của Trung Quốc. Trong một hệ thống quyền lực thiếu sự giám sát hiệu quả, quan chức sử dụng quyền lực nhà nước để xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, vì những vấn đề này tồn tại tích tụ lâu dài không được giải quyết nên cuối cùng gây phản kháng bạo lực. Vì vậy, mấu chốt để giải quyết vấn đề bạo lực xã hội nằm ở việc thiết lập một hệ thống công bằng và minh bạch hơn để bảo vệ quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương.

Ngày càng gia tăng tình trạng mất kiểm soát cảm xúc

Vương Đan tin rằng ngoài nguyên nhân sâu xa của bạo lực do thể chế xã hội, việc mất kiểm soát cảm xúc mang tầm tập thể cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến gia tăng các vụ bạo lực. Những năm gần đây, do áp lực kinh tế, khoảng cách giàu nghèo và bất công xã hội Trung Quốc ngày càng tăng, khiến nhiều người dân Trung Quốc tuyệt vọng về tương lai. Cảm xúc này dần dần tích tụ, ngấm ngầm trong xã hội và cuối cùng được thể hiện qua những vụ việc bạo lực. Vụ người làng Hà Nam trả thù quan chức bạo quyền là biểu hiện điển hình của tình cảm tập thể mất kiểm soát này, thể hiện sự bất bình sâu sắc của người dân ở tầng lớp dưới cùng với hiện trạng xã hội hiện tại.

Nhưng không chỉ những người ở tầng đáy xã hội mà có vẻ như thực trạng mất kiểm soát cảm xúc diễn ra trên diện rộng toàn xã hội Trung Quốc. Trong vụ bạo lực trên xe buýt Trùng Khánh và vụ tranh chấp giữa bác sĩ và bệnh nhân ở Liêu Ninh, bạo lực xảy ra là kết quả trực tiếp của thực trạng không kiểm soát được cảm xúc. Nguyên nhân sâu xa đằng sau những vụ việc này thường liên quan đến tình trạng một xã hội mà phổ biến không còn niềm tin vào công lý và trật tự. Đối mặt với hiện trạng bất lực để thay đổi, ngày càng có nhiều người chọn cách thể hiện tức giận bằng bạo lực.

Đằng sau những cảm xúc xã hội mất kiểm soát, là nhiều vấn đề xã hội khác nhau do sự phát triển nhanh chóng của xã hội Trung Quốc gây ra, bao gồm cả sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa sự gia tăng của cải vật chất không đi cùng cân xứng sức khỏe tinh thần xã hội. Đô thị hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế khiến nhịp sống của nhiều người trở nên căng thẳng, nhưng hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ tâm lý không theo kịp. Trước cảm giác bất lực, nhiều người lựa chọn những biện pháp cực đoan để trút bỏ nỗi chán nản, giận dữ trong nội tâm.

Phổ biến của Internet cũng là lý do khiến việc lan truyền những tình cảm bức xúc được tăng cường. Các vụ bạo lực thường lan truyền nhanh chóng qua Internet, gây ra nhiều hiệu ứng bắt chước hơn. Hiệu ứng khuếch đại của cảm xúc xã hội khiến mọi vụ việc bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến địa phương mà còn có thể gây ra cộng hưởng và bắt chước trên phạm vi toàn quốc. Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng hơn sau đại dịch COVID-19.

Lý do gia tăng bạo lực xã hội vì xu thế xã hội khó kiểm soát cảm xúc là vấn đề cần chú ý. Nếu không có một hệ thống hỗ trợ tâm lý và xã hội hợp lý, xu thế không thể làm chủ cảm xúc trong xã hội sẽ gia tăng và dẫn đến nhiều vụ bạo lực hơn. Trong bối cảnh xã hội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân và thiết lập cơ chế tư vấn tâm lý hiệu quả để tránh xảy ra nhiều vụ bạo lực hơn.

Liên hệ giữa khủng hoảng sức khỏe tâm thần và bạo lực

Vương Đan cũng nhấn mạnh ở Trung Quốc, các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã bị xem nhẹ nghiêm trọng, những vụ bạo lực thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây đã cho thấy tình trạng sức khỏe tâm thần nói chung của xã hội Trung Quốc ngày càng xấu đi.

Vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội Trung Quốc nhìn bề nổi tưởng như chỉ là nỗi đau tâm lý mang tính cá nhân, nhưng thực tế chúng có liên quan mật thiết đến toàn bộ môi trường xã hội Trung Quốc. Một xã hội có tính cạnh tranh cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và sự mất lòng tin trong xã hội sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mắc bệnh tâm thần. Trong môi trường này, nhiều người cuối cùng trở nên cực đoan vì không thể đương đầu với áp lực, dẫn đến bạo lực.

Trong các vụ bạo lực gần đây, nhiều thủ phạm gặp vấn đề tâm lý lâu dài. Bạo lực trong các vụ tranh chấp giữa bác sĩ và bệnh nhân ở Phủ Thuận tỉnh Liêu Ninh và các vụ sinh viên đại học ở Thượng Hải phản kháng đều cho thấy: nạn nhân đã chọn sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề căng thẳng và trầm cảm kéo dài mà họ phải chịu, cho dù không những không thực sự giải quyết được vấn đề mà còn có thể gây tác hại xã hội lớn hơn.

Đằng sau cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần là sự thờ ơ của xã hội Trung Quốc đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Mặc dù Trung Quốc trong những năm gần đây đã chú ý đưa vào chương trình nghị sự vấn đề tư vấn tâm lý và điều trị tâm thần, nhưng tổng mức đầu tư còn hạn chế, vì thực tế cho thấy nhiều người không thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời ngay cả khi họ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là kết quả của áp lực xã hội và sự bất công nói chung.

Việc xảy ra thường xuyên các vụ bạo lực cũng phản ánh xã hội Trung Quốc còn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Về khoa học, quá trình phát triển xã hội phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con người và thiết lập một hệ thống hỗ trợ tâm lý hiệu quả, nếu không khi căng thẳng xã hội gia tăng thì các vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ gia tăng theo và số vụ bạo lực cũng theo đó nghiêm trọng hơn.

Theo góc nhìn của ông Vương Đan, khủng hoảng sức khỏe tâm thần là một yếu tố quan trọng dẫn đến leo thang bạo lực xã hội. Nếu xã hội Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả thì các vụ bạo lực có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, theo đó tình trạng bất ổn xã hội sẽ gia tăng hơn nữa.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Related posts