Ông Donald Trump dường như muốn tránh rủi ro trong giai đoạn nước rút khi từ chối tranh luận lần nữa với bà Kamala Harris sau khi bỏ lỡ cơ hội đánh bại đối thủ hôm 10/9 vừa qua.
“Kamala nên tập trung vào những gì nên làm trong khoảng thời gian gần 4 năm qua. Sẽ không có thêm cuộc tranh luận”, cựu tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 12/9.
Ông Trump bình luận sau khi phía bà Harris kêu gọi tổ chức tranh luận thêm ngay sau khi kết thúc sự kiện tối 10/9. Cựu tổng thống tuyên bố ông đã thắng thế trước bà Harris, hai ứng viên cũng đã đề cập mọi vấn đề, do đó không cần thêm một sự kiện tương tự nữa.
Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng ông Trump, người hiếm khi từ chối cơ hội để thể hiện mình trên màn ảnh nhỏ, có thể còn lý do khác. Họ cho rằng cựu tổng thống Trump không muốn lặp lại một cuộc đối đầu mà ông đã thiếu chuẩn bị, thiếu tập trung và bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để hạ gục đối thủ.
Giới chuyên gia đánh giá trong cuộc tranh luận hôm 10/9, bà Harris đã buộc ông Trump về thế thủ với hàng loạt đòn công kích về vấn đề phá thai, năng lực đảm nhiệm chức vụ và rắc rối pháp lý cựu tổng thống đang vướng phải. Ông Trump bình tĩnh trong những phút đầu tranh luận nhưng nhanh chóng trở nên kích động, liên tục mắc bẫy của bà Harris và đưa ra những đáp trả mơ hồ, gây tranh cãi.
Kết quả thăm dò do Reuters thực hiện ngày 11-12/9 cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 47%-42%, nới rộng chênh lệch thêm một điểm phần trăm so với khảo sát thực hiện ngày 21-28/8.
Trong nhóm cử tri biết về nội dung tranh luận ngày 10/9, 53% cho rằng bà Harris thắng, 24% chọn ông Trump, còn lại không nghiêng về ứng viên nào hoặc từ chối trả lời. 52% cho rằng ông Trump vụng về, thiếu sắc bén, tỷ lệ này của bà Harris là 21%.
Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của chiến dịch, nhấn mạnh không tranh luận thêm là một quyết định chiến thuật. “Không phải vì sợ hãi, mà là chúng tôi muốn tập trung vào giai đoạn cuối của cuộc bầu cử”, ông Lanza trả lời CNN. “Chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn trong các buổi phỏng vấn, sự kiện vận động, đến thăm các bang hơn là tham gia một cuộc tranh luận được sắp xếp để gây bất lợi cho ông Trump”.
Trong khi đó, thống đốc bang Illinois JB Pritzker, đảng Dân chủ, cho rằng bà Harris đã khiến ông Trump ái ngại. Jeremy Petersen, một cử tri độc lập tại Utah, nói rằng ông không ngạc nhiên trước quyết định của Trump. “Nếu Trump không cảm thấy mình có thể ghi điểm trên mạng xã hội, thì việc ông ấy xuất hiện thêm sẽ không có lợi ích gì”, Petersen nói. “Trump không thể ngăn cản đà tiến của bà ấy thông qua cuộc tranh luận nên ông ấy cần một góc độ mới”.
Ông Trump có thể đúng khi tìm cách giảm thiểu rủi ro, bởi sau cùng kết quả các thăm dò cho thấy hai ứng viên vẫn đang cạnh tranh quyết liệt, cựu tổng thống dường như có lợi thế hơn về chính sách kinh tế, nhập cư – nằm trong số những vấn đề được cử tri quan tâm hàng đầu.
Lịch sử cho thấy người thắng thế trong tranh luận chưa chắc là người chiến thắng chung cuộc. Năm 2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng được coi là thắng ông Trump trong tranh luận, nhưng cuối cùng, ứng viên đảng Cộng hòa mới là người tuyên thệ nhậm chức tháng 1/2017.
Giới quan sát cho rằng đây chưa chắc đã là quyết định cuối cùng của ông Trump. Alyssa Farah Griffin, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời ông Trump, dự đoán cựu tổng thống có thể đổi ý khi ngày bầu cử 5/11 đến gần.
“Nếu sự ủng hộ bà Harris nhận được trong các khảo sát gia tăng, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh vài tuần sau, ông Trump sẽ nói ‘tôi thách bà ấy tham gia tranh luận’”, Griffin cho hay. “Nếu cuộc đua trở nên sít sao hơn trong 8 tuần cuối, Trump sẽ cần một khoảnh khắc đặc biệt để duy trì khả năng cạnh tranh với đối thủ”.
Phan Anh