Chuyên gia tài chính Trung Quốc bàn về VinFast, Vingroup và kinh tế Việt Nam

Nguồn: Fan Tong Huang Lao Ban, 饭统戴老板|西贡河畔的谜题:越南的三星和比亚迪在哪里?, Guancha, 10/09/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Ngày 15/8/2023, hãng ô tô Việt Nam VinFast được niêm yết tại Mỹ với giá trị vốn hóa ở mức cao nhất lên tới 200 tỷ USD.

Tuy không có danh tiếng lẫy lừng nhưng VinFast lại được nhà nhà biết đến ở Việt Nam, công ty mẹ của hãng xe này là Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty này có vô số điểm tương đồng với Evergrande: ông chủ Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất giống như Hứa Gia Ấn, hoạt động kinh doanh chính của họ là bất động sản, cả hai đều thích làm bóng đá và có tư duy “cái gì ra tiền thì làm cái đó”. Nhìn tổng thể thì VinFast gần như là phiên bản Việt Nam của Evergrande.

Hiểu như thế nào về khái niệm vốn hóa thị trường 200 tỷ USD? Nếu xếp hạng thì con số này đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota. Trên thực tế, khi Phố Wall xếp hạng VinFast, đó cũng là lúc lý thuyết về sự trỗi dậy của Việt Nam đang ở vào thời đỉnh cao. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh trí tưởng tượng đẹp đẽ của thế giới về việc Việt Nam sẽ thay thế vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc, ngay cả khi chưa có ai trên thế giới ngoài người Việt được chiêm ngưỡng xe của VinFast.

Vào cuối tháng 7, tôi đến TP.HCM công tác và có ghé thăm một cửa hàng VinFast. Giống như các thế lực mới trong nước, VinFast cũng mở cửa hàng trải nghiệm tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Một người bạn Trung Quốc ở Việt Nam cùng tôi đi khảo sát cho biết, xe điện VinFast về cơ bản được lắp ráp từ linh kiện Trung Quốc: pin của Gotion High-Tech, động cơ của Dalian Haosen, radar của Shanghai Baolong và cảm biến nhiệt của Jiangsu Kingfield…

Vì vậy, chiếc xe này đem lại cảm giác có chút “giả”.

Lịch sử đã chứng minh Việt Nam không mấy phù hợp với vị trí thứ ba thế giới. VinFast nhanh chóng bị đưa trở lại giá trị thực và vốn hóa đã giảm 95% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, khi thảo luận với người bạn Việt Nam về công ty này, chúng tôi nảy ra một câu hỏi thú vị: VinFast đã dựa vào sự thổi phồng của Phố Wall để trở thành thương hiệu Việt đầu tiên vươn tầm toàn cầu, nhưng ngoài nó ra, Việt Nam đã từng có thương hiệu đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á nào?

Bối cảnh của câu hỏi này là: Việt Nam đã bước sang năm thứ 38 kể từ cuộc cải cách vào năm 1986, ít nhất cũng phải có một số công ty trong nước có tên tuổi.

Thế là người bạn Việt Nam của chúng tôi kể ra một loạt cái tên: Vinamilk, Viettel, VietinBank… Một người bạn Singapore cùng ngành đã làm việc ở Việt Nam hơn mười năm ngắt lời anh ấy và nói rằng, có rất ít người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam từng nghe nói đến những thương hiệu này, chứ đừng nói đến đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á.

Chúng ta cũng có thể đưa ra các ứng cử viên của “mô hình Đông Á” và tiến hành một so sánh thống nhất:

Với Nhật Bản, nếu bắt đầu tính từ năm 1946 thì 38 năm sau là 1984, nước này đã có các hãng lớn như Sony, Toyota, Panasonic, Toshiba… Sản phẩm của họ bán chạy trên toàn thế giới, ngay cả người Mỹ cũng hét lên rằng “Nhật Bản là số 1”.

Đài Loan bắt đầu xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu vào năm 1958. 38 năm sau, tức năm 1996, Acer, Formosa Plastics, Asus và Uni-President đã nổi tiếng khắp châu Á. Ngay cả TSMC, một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 10 năm, cũng đang chuẩn bị lên sàn.

Chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1962. 38 năm sau, vào năm 2000, các doanh nghiệp chaebol như Samsung, LG, Hyundai, KIA đã trở thành tấm danh thiếp quốc gia của Hàn Quốc với danh tiếng vươn tầm thế giới.

Điều này cũng đúng với Trung Quốc đại lục. Nếu tính từ năm 1978 thì 38 năm sau, tức năm 2016, có 110 công ty Trung Quốc nằm trong top 500 công ty hàng đầu thế giới. Huawei, Haier, Lenovo, Tencent và Alibaba đã tạo dựng được danh tiếng trên toàn cầu.

Nếu nói quy mô của Trung Quốc đại lục lớn hơn Việt Nam rất nhiều và không thể so sánh thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có cùng tầm cỡ (hoặc nhỏ hơn) với Việt Nam về cả dân số và diện tích, nhưng Việt Nam lại có khoảng cách rất lớn so với cả ba.

Nếu đặt câu hỏi này với giới tinh anh Việt Nam, chỉ cần bạn đủ khéo léo, họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm, mà sẽ kể với bạn không ngừng: Một số người quy cho việc chính phủ thiếu hành động, phàn nàn về việc quan chức tham nhũng; có người bàn đến thói hư tật xấu của dân tộc và việc người dân sính ngoại, chỉ yêu thích thương hiệu Nhật, Hàn; có người trách cứ các công ty không có khát vọng, chỉ biết bóc lột công nhân trong cuộc chiến giá cả rồi chuyển tài sản sang Mỹ…

Những lời này nghe có chút quen thuộc. Thậm chí, tôi còn tự hỏi liệu chúng có được trích từ một trang web tiếng Trung hay không. Tất nhiên, việc phàn nàn chỉ có thể trút bỏ cảm xúc chứ chẳng thể nào cho ra được đáp án. Vẫn cần dựa vào số liệu và thực tế để trả lời câu hỏi này: Việc Việt Nam vắng bóng thương hiệu nội địa là kết quả của sự mất cân bằng cơ cấu kinh tế trong thời gian dài, hay nói cách khác, là do sự thất bại trong việc học hỏi “mô hình Đông Á”.

Đằng sau câu hỏi này ẩn chứa sự thực về nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi hiểu được nó, bạn mới có thể thực sự hiểu về Việt Nam.

01.

Nhìn bề ngoài, Việt Nam là người bạn siêng năng cùng học hỏi “mô hình Đông Á” và là đại diện tiêu biểu cho việc “níu lấy Trung Quốc để qua sông”.

Nhịp độ của Việt Nam cách Trung Quốc khoảng 6 đến 10 năm: Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa từ năm 1978, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện cải cách đổi mới từ năm 1986; năm 1980, Trung Quốc bắt đầu thực hiện “hệ thống khoán hộ gia đình”, Việt Nam thực hiện chính sách tương tự năm 1988; năm 1982, Trung Quốc công nhận địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân, Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990; Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, Việt Nam cũng gia nhập WTO năm 2007.

Chúng ta coi cuộc cải cách của hai bên làm xuất phát điểm và vẽ ra tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước trong 20 năm qua. Có thể thấy rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều trải qua hai chu kỳ tăng trưởng, nhưng tốc độ của Trung Quốc nhanh hơn. Từ năm 1978 đến năm 1998, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là 9,8%, trong khi từ năm 1986 đến năm 2006, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,1%. Từ góc độ dữ liệu, thành tích của Việt Nam trong 20 năm đầu của cuộc cải cách là khá chuẩn mực.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu kinh tế của hai nước, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.

Từ cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc năm 1998 có thể thấy, các sản phẩm cơ điện tử đã vượt qua dệt may và trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Còn với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam năm 2006, có thể thấy sau 20 năm cải cách, nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu) chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất, và trong số các sản phẩm công nghiệp, dệt may và giày dép xếp trên các sản phẩm cơ điện tử.

Tổng kết đơn giản như sau: Trong kỳ đầu, Trung Quốc và Việt Nam đều xây dựng nền kinh tế “định hướng xuất khẩu” theo mô hình Đông Á. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu của cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã chuyển từ các ngành cấp thấp như dệt may sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện và cơ khí, trong khi Việt Nam vẫn dừng lại ở tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm công nghiệp cấp thấp. Nhìn bề ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần giống với số liệu của Trung Quốc nhưng lại có những lỗ hổng nhất định trong cơ cấu.

Không phải Việt Nam không có cơ hội sửa chữa sự lạc hậu về cơ cấu, mà thực tế là họ đã sớm nhận được cơ hội thứ hai.

Tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, hàng loạt công ty có vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Đặc biệt, năm 2008, Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh và sau đó triển khai kế hoạch “kiến chuyển nhà”, liên tiếp đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến, Thiên Tân và Huệ Châu để chuyển đến Việt Nam, kèm theo một lượng lớn các nhà sản xuất linh kiện thượng nguồn và hạ nguồn. Việt Nam nghênh đón nhà đầu tư lớn nhất trong lịch sử.

Hiện nay, Samsung sản xuất điện thoại di động, đồ gia dụng, máy tính, linh kiện chip, linh kiện điện tử và các sản phẩm khác tại Việt Nam. Đặc biệt, sản lượng điện thoại di động của Samsung Việt Nam đã vượt quá một nửa sản lượng toàn cầu của Samsung, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới. Giá trị sản lượng hằng năm của Samsung tại Việt Nam chiếm tới hơn 20% GDP của nước này. Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Samsung cũng từng đảm nhận chức Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong Chiến tranh Việt Nam, chính phủ Park Chung-hee đã phái tổng cộng 320.000 người đến Việt Nam để giúp đỡ quân đội Mỹ. Dưới sự thúc đẩy của Samsung, các doanh nghiệp Hàn Quốc kéo nhau tới. LG đổ bộ vào Đà Nẵng, SK vào Hải Phòng, Hyundai khai thác Ninh Bình, Lotte cắm cờ ở Thành phố Hồ Chí Minh, POSCO ngụ ở Bà Rịa Vũng Tàu… Các doanh nghiệp Hàn Quốc kết thành một dải từ Nam ra Bắc, thực hiện giấc mơ còn dang dở của quân đội Mỹ hồi đó.

Vốn sản xuất theo mô hình Đông Á sẽ không bỏ sót bất kỳ quốc gia nào có nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đài Loan lần lượt vào Việt Nam, còn TCL và Haier của Trung Quốc đại lục cũng vào Nam mở nhà máy từ rất sớm. Vì vậy, với sự giúp đỡ của các chủ doanh nghiệp nước ngoài, nền xuất khẩu của Việt Nam cũng dần rời xa thời đại của nguyên liệu thô và dệt may, các sản phẩm cơ điện có giá trị gia tăng cao đã chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023.

Theo kinh nghiệm của mô hình Đông Á, việc tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lên chuỗi cung ứng bản địa, cùng sự tiếp thu và hấp thụ các công nghệ tiên tiến có thể giúp nuôi dưỡng một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghiệp bản địa. Các thương hiệu bản địa này có thể hoàn thành cuộc phản công chống lại các doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên là thay thế hàng nhập khẩu, tiếp đó là tiến hành cạnh tranh với các ông trùm nước ngoài trên toàn cầu và cuối cùng trở thành thế lực xuất khẩu lớn. Có rất nhiều công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm được điều này.

Vậy Việt Nam có làm được điều này không? Hãy nhìn thẳng vào số liệu.

Đây là biểu đồ về tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu của Việt Nam. FDI là viết tắt của Đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh. Có thể thấy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên qua từng năm và tỷ trọng của doanh nghiệp nội địa cũng giảm dần theo thời gian. Đến năm 2023, tỷ trọng FDI đã tăng lên mức khoảng 74%.

Khi phân tích sâu hơn, có thể thấy, trong các lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, đồ gia dụng và linh kiện điện tử, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngay cả trong lĩnh vực dệt may ở cấp tương đối thấp, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể đánh bại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc). Chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu các ngành chế biến nông sản và thủy hải sản, doanh nghiệp nội địa của Việt Nam mới có thể áp đảo doanh nghiệp vốn nước ngoài.

Nếu nghiên cứu sâu hơn sẽ phát hiện ra rằng, chỉ có 13% doanh nghiệp FDI là liên doanh, còn lại là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài bị siết chặt, Việt Nam khó có thể nuôi dưỡng được các doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam giống như một trạm trung chuyển sản xuất cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Đông Nam Á và để lại rất ít không gian cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiệm vụ tham gia và cạnh tranh toàn cầu còn khó thực hiện hơn nữa.

Do vậy, khó có thể coi Việt Nam là “học sinh xuất sắc” trong lớp học mô hình Đông Á. Rõ ràng rằng, Việt Nam đã không sao chép đúng một vài vấn đề lớn.

02.

Đầu tiên là chi tiêu R&D có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cấp công nghiệp.

Đây là biểu đồ về tỷ trọng đầu tư cho R&D trong GDP của 4 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông, Macao và Đài Loan). Có thể thấy rõ khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước còn lại là rất rõ ràng. Nó là một đường thẳng trong một thời gian dài, vẫn nằm ở đáy và khoảng cách này vẫn chưa được thu hẹp mà ngày càng bị nới rộng, ngay cả khi nền kinh tế đã cất cánh.

Năm 2023, đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,43% GDP. Trong mối tương quan với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc đại lục, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhỉnh hơn một chút so với một nước sản xuất khác là Mexico (0,27%) và chỉ tương đương với trình độ của Trung Quốc vào đầu những năm 1990.

Hãy lấy ví dụ về một trường hợp mà ngay cả chính người Việt cũng phải tiếc nuối, đó là Orion Hanel, doanh nghiệp liên doanh lớn nhất Việt Nam.

Doanh nghiệp này thành lập vào năm 1993, là liên doanh do doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng góp vốn. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này sản xuất bóng đèn hình và phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi toàn bộ ngành công nghiệp chuyển đổi sang LCD, Orion Hanel đã không kiên quyết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển màn hình, cuối cùng đã hoàn toàn tụt lại phía sau rồi tuyên bố phá sản vào năm 2009.

Trên thực tế, cũng trong năm 2009, khi mà khu nghỉ dưỡng của Vingroup ở Nha Trang thường xuyên “cháy” phòng và Sun Group đang xây dựng dự án quy mô lớn ở Đà Nẵng, thì Việt Nam lại để doanh nghiệp liên doanh lớn nhất của mình phá sản. Nói một cách đơn giản, điều này tương đương với việc vào lúc Evergrande, Sunac đang phát triển điên cuồng thì Trung Quốc lại để SAIC Motor phá sản. Trong con mắt người Trung Quốc, có lẽ đây là điều khiến người ta phải kinh ngạc.

Kết quả, Việt Nam hiện là quốc gia lắp ráp TV lớn trên thế giới nhưng mức giá mà người tiêu dùng phải chi trả cho TV lại cao hơn ở Trung Quốc. Dù là thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu thì cũng đều là “địa bàn” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, TCL và LG. Việt Nam không có chỗ đứng trong lĩnh vực màn hình ở thượng nguồn và chỉ có thể kiếm được chi phí lắp ráp ở cấp thấp.

Một số người có lẽ sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến vậy, chẳng lẽ không có chút lực đẩy nào đối với các doanh nghiệp trong nước?

Hãy lấy Samsung làm ví dụ và cũng sử dụng dữ liệu để đánh giá. Samsung Electronics là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị sản xuất tại Việt Nam của họ từng chiếm đến 28% GDP của nước này. Doanh nghiệp này tuyển dụng gần 100.000 nhân viên tại Việt Nam, có 1.600 xe buýt đưa đón nhân viên đi làm mỗi ngày. Vậy Samsung có bao nhiêu nhà cung cấp bản địa ở Việt Nam?

Theo danh sách các nhà cung cấp được Samsung Electronics công bố năm 2023, doanh nghiệp này có tổng cộng 103 nhà cung cấp cốt lõi trên toàn thế giới, 27 trong số đó có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và có thể cung cấp tại bản địa. Tuy nhiên, trong số 27 doanh nghiệp này, có 23 doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Trung Quốc. Không có bất kỳ doanh nghiệp bản địa nào của Việt Nam.

Lẽ nào không có bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào lọt vào chuỗi cung ứng của Samsung? Cũng không hẳn vậy, ba công ty Việt Nam sau đây là nhà cung cấp bản địa khá lớn của Samsung tại Việt Nam:

Ngân Hà Printing (in bao bì)

Phước Thành Plastic (linh kiện nhựa)

Goldsun (linh kiện nhựa)

Có thể thấy, các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam về cơ bản chỉ có thể cung cấp hộp đựng và linh kiện nhựa cho Samsung.

Giáo sư Thi Triển kể câu chuyện sau trong cuốn Lan tỏa: Ông đến thăm Nguyễn Đức Thành (tên tiếng Anh là Felix), viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và là một chuyên gia về kinh tế Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người họ, có một đọan như sau:

Tôi hỏi ông: “Việt Nam đang thu hút các ngành sản xuất một cách mạnh mẽ, vậy Việt Nam có chính sách công nghiệp của riêng mình không?”

Điều khiến tôi kinh ngạc là Felix đã khẳng định thẳng thừng rằng: “Chúng tôi không cần chính sách công nghiệp vì chúng tôi đã có Quảng Châu rồi!”

Tôi choáng váng: “Ông nói có Quảng Châu là có ý gì?”

“Nếu thiếu thứ gì đó trong quá trình sản xuất, chúng tôi có thể đến Quảng Châu để mua. Đâu cần đến chính sách công nghiệp”.

Quả là rất thuận tiện khi đến Quảng Châu để mua sắm – khoảng cách từ Quảng Châu đến Hà Nội là 850 km, trong khi khoảng cách từ Hà Nội đến TP.HCM là 1.150 km. Tuy nhiên, “Quảng Châu” ở đây chỉ vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, nơi đây có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới. Nếu Việt Nam bằng lòng với việc chỉ làm lắp ráp thì đúng là không cần hỗ trợ cho chuỗi cung ứng bản địa.

Câu chuyện này nghe có chút giống như chuyện đùa, nhưng giả dụ đối phương không kiêm chức vụ trong Cục Chiến lược, vậy thì điều này hẳn đã phản ánh nhận thức của một số người Việt Nam về chuỗi cung ứng bản địa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam tiếp tục vắng mặt trong các công đoạn cốt lõi của chuỗi công nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ có thể là phần mở rộng của chuỗi kinh tế Trung, Nhật, Hàn, chứ không thể là đối thủ cạnh tranh độc lập với ba nước này. Giới hạn trên của sự phát triển đã bị khóa chặt.

Thế nhưng lịch sử đầy rẫy những điều trớ trêu. Sau khi Việt Nam bỏ lỡ hai cơ hội chiến lược liên tiếp, một miếng bánh khổng lồ lại rơi vào tay nước này.

03.

Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ và Việt Nam trở thành một trong những nước được hưởng lợi nhất từ đó.

Năm 2016, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Việt Nam đã đề xuất chiến lược “ngoại giao cây tre”, nghĩa là gốc rễ phải vững chãi nhưng phần ngọn thì phải linh hoạt, uyển chuyển trước gió giống như cây tre. Dựa trên ý tưởng này, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. 16 FTA mà Việt Nam tham gia chiếm tới 90% GDP thế giới và bao trùm các nền kinh tế chính trên toàn cầu.

Quan trọng hơn, nhằm lách qua rào cản thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô vào Việt Nam với tốc độ chưa từng thấy. Theo trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đại lục đã vượt qua Hàn Quốc về số dự án được phê duyệt mới, chiếm 29,1%, và con số này chưa bao gồm tỷ trọng “mượn danh” Hồng Kông và Singapore.

Mượn lời của một ông chủ từng sang Việt Nam: Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điên cuồng gửi vốn, nhà máy, đơn hàng, công nghệ và nhân tài sang Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng trưởng tới 20,6%. Nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Nước này kiếm được một khoản lớn “phí quá cảnh”.

Liệu Việt Nam có nắm bắt cơ hội thứ ba này và chuyển hóa sản lượng đầu ra từ Trung Quốc thành sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước?

Cũng chính vào lúc đề xuất “ngoại giao cây tre” năm 2016, Việt Nam đã ban hành “Quy hoạch tổng thể ngành điện tử”, trong đó đề xuất rõ ràng việc tạo ra 500.000 việc làm mới, “trong đó hầu hết là kỹ sư, kỹ thuật viên và quản lý cấp trung”, và “bổ sung những việc làm này thông qua phát triển năng lực nghiên cứu bản địa”.

Mục tiêu là mục tiêu, Việt Nam sẽ lựa chọn con đường nào để thực hiện nó? Mặc dù mô hình của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có những điểm tương đồng nhưng cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt:

  1. Mô hình Nhật Bản: Thực thi mạnh mẽ các chính sách và trợ cấp công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời dùng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy sự ưng thuận ngầm của phương Tây (chủ yếu là Mỹ) đối với chính sách và trợ cấp.
  2. Mô hình Hàn Quốc: Sử dụng mô hình chaebol (tài phiệt) để tập trung đột phá ở một số ngành có giá trị gia tăng cao, đồng thời sử dụng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy tư cách xâm nhập những thị trường nhất định.
  3. Mô hình Trung Quốc: Học hỏi Nhật Bản, Hàn Quốc về chính sách công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời xây dựng thị trường nội địa có tính thống nhất và sử dụng việc mở cửa thị trường quy mô lớn để loại bỏ một số thế lực đối địch.

Mặc dù đáp án ở ngay trước mắt nhưng đối với Việt Nam, “thời thế nay đã khác”.

Một mặt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chặn đứng nhiều ngành công nghiệp, khiến các nước lạc hậu khó bắt kịp hơn gấp bội; mặt khác, vào thời đại mà Trung, Nhật, Hàn theo “mô hình Đông Á”, toàn cầu hóa vẫn là một xu hướng không thể ngăn cản. Nhưng trong bối cảnh chống toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam khó có thể sao chép hoàn toàn chính sách công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên thực tế, chính bởi ngành công nghiệp của Việt Nam tập trung vào công đoạn lắp ráp và có tương đối ít sự hỗ trợ công nghiệp ở cấp chính phủ nên nước này mới có thể thiết lập thành công quan hệ thương mại tự do với rất nhiều thị trường nước ngoài. Nếu hiện giờ Việt Nam quay trở lại con đường trợ cấp và hỗ trợ công nghiệp, nhiều khả năng sẽ bị thiết lập các rào cản thương mại, từ đó ảnh hưởng đến mô hình thu phí quá cảnh hiện tại.

Vì vậy, con đường khả dĩ nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn hiện nay là mô hình chaebol của Hàn Quốc, cũng chính là mô hình tài phiệt.

Cái gọi là mô hình tài phiệt, chỉ sự hỗ trợ cho các ông trùm nắm trong tay nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Chính phủ trợ cấp cho “bộ phận phi thương mại” của một doanh nghiệp lớn thông qua “trợ cấp không liên quan”, sau đó doanh nghiệp chuyển tiền tới “bộ phận thương mại” thông qua phân bổ theo chiều ngang, từ đó có được khả năng đầu tư quy mô lớn nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi theo định hướng.

Hãy lấy một ví dụ. Vào thời điểm đó, chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc muốn phát triển mạnh mẽ ngành đóng tàu nhưng không muốn các đối thủ chính là Nhật Bản và châu Âu nói ra nói vào, vậy nên đã tìm đến Tập đoàn Hyundai, trợ cấp cho mảng cơ sở hạ tầng – một “bộ phận phi thương mại” – và cung cấp cho họ các đơn hàng đường cao tốc khổng lồ. Thông qua cuộc chuyển đổi, Tập đoàn Hyundai đã chuyển sang ngành đóng tàu trên quy mô lớn và cuối cùng dựng nên công ty đóng tàu át chủ bài Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc.

Mô hình Hàn Quốc dường như là câu trả lời duy nhất. Vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp nào trở thành tài phiệt? Vingroup vào thời kỳ đầu rõ ràng là “kẻ được chọn”.

Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy tập đoàn này tham gia vào tất cả các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, ô tô… Người Việt Nam không chỉ có thể mua ô tô Vingroup, đến các khu nghỉ dưỡng, mua sắm tại trung tâm thương mại và sử dụng thanh toán điện tử của Vingroup, mà còn có thể đến các bệnh viện và trường học của Vingroup để chữa bệnh và học tập.

Sau khi người sáng lập tập đoàn, Phạm Nhật Vượng, kiếm được hũ vàng đầu tiên nhờ bán mì ăn liền ở Đông Âu, ông trở lại Việt Nam vào năm 2000 và nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ Việt Nam, từ đất đai, tín dụng cho đến chính sách. Thậm chí, khi lãnh đạo Việt Nam sang thăm Lào cách đây không lâu, họ đã mang theo 20 chiếc xe điện VinFast để làm quà cho nước bạn.

Chỉ khi trực tiếp đến Việt Nam, bạn mới cảm nhận được sự hiện diện khắp nơi của Vingroup. Vào cuối tháng 7, tôi có một bài phát biểu ở Việt Nam, địa điểm là tòa Landmark 81 cao 461 mét, công trình mang tính biểu tượng của TP.HCM. Tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á này là “trung tâm Thượng Hải” của TP.HCM và các căn hộ cao cấp nằm bên cạnh (tương đương với Tomson Riviera) đều thuộc về Vingroup đang ở thời hưng thịnh.

Vì vậy, tuy mẫu xe điện VinFast được nêu ở phần đầu lỗ tới 2,3 tỷ USD vào năm 2023 nhưng mảng kinh doanh bất động sản và bán lẻ của Vingroup vẫn đang liên tục hái ra tiền. Trong bối cảnh bất động sản Việt Nam suy giảm vào năm ngoái và án tử hình của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2023 của Vingroup đã đi ngược lại xu hướng và tăng trưởng 49%, lợi nhuận cũng tăng 14%. Có thể coi đây là một “phép màu trong kinh doanh”.

Dù mô hình chaebol là liều thuốc độc nhưng đối với Việt Nam, có lẽ không uống cũng không được.

Chỉ khi bù đắp được những lỗ hổng của chuỗi công nghiệp trong nước, Việt Nam mới có thể thực sự trở thành đối thủ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mô hình chaebol không hoạt động, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trở thành ông Hứa Gia Ấn, tức là sẽ không có Samsung, Sony, Toyota hay Huawei, Xiaomi, BYD phiên bản Việt Nam và nước này chỉ có thể tiếp tục đóng vai trò là cơ sở sản xuất.

Vận mệnh của Việt Nam quả thực đã khởi sắc trong hai năm qua, nhưng không còn đủ thời gian nữa rồi. Năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, tổng tỷ suất sinh cũng đã giảm xuống dưới mức 2. Cùng nằm trong vòng văn hóa Nho giáo, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh dai dẳng về giá nhà đất, sự trì trệ và suy giảm tỷ suất sinh. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Thực ra đây mới là cơ cấu thực sự của nền kinh tế Việt Nam: Một mặt, được hưởng lợi lớn từ lợi thế địa lý, có lợi thế lớn về chi phí lao động, cả nước vẫn đang cất cánh và đời sống vật chất của người dân vẫn còn nhiều không gian phát triển. Nhưng mặt khác, nền kinh tế còn tồn tại những bất cập về cơ cấu, quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa đang tụt hậu nghiêm trọng. Còn phải quan sát xem liệu họ có vượt qua được “mức trần” hay không.

Sự thật này cũng cho chúng ta biết rằng: Có một số bài tập tưởng chừng như khá dễ sao chép nhưng thực ra lại rất khó thực hiện. Chiếc bánh nâng cấp công nghiệp chưa bao giờ từ trên trời rơi xuống.

04.

Trên thực tế, tình hình hiện nay ở Việt Nam mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Trung Quốc.

Một mặt, do sự yếu kém của chuỗi cung ứng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều này được thể hiện rõ qua tỷ trọng các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho phép Trung Quốc duy trì được giá trị gia tăng cao của chuỗi công nghiệp và các công nghệ cốt lõi. Nhìn vào mức chi cho R&D hiện dưới 0,5% của Việt Nam, sự phụ thuộc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Mặt khác, chính sách “ngoại giao cây tre” và chính sách công nghiệp yếu kém của Việt Nam đã cho phép nhiều nước phương Tây mở rộng cánh cửa với họ, khiến nước này trở thành trạm trung chuyển quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc, đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ gần đây đã khôi phục lại việc đánh thuế đối với các sản phẩm quang điện của Việt Nam. Bên phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc này không phải các doanh nghiệp Việt Nam, mà là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Do chi phí trong nước tăng, việc chuyển giao công nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề là chuyển tới đâu? Nó sẽ được chuyển giao sang Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc và khó có thể xây dựng được doanh nghiệp nội địa trong ngắn hạn? Hay nó sẽ được chuyển sang Ấn Độ, quốc gia không ngừng “kiếm chuyện” về chính trị, tìm mọi cách để hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc và điên cuồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước? Tôi tin rằng không khó để lựa chọn câu trả lời.

Trung Quốc quả thực không còn trẻ nữa, nhưng chúng ta thực sự không muốn nhìn thấy dáng vẻ trước đây của chính mình trong vô số kẻ theo sau.

Related posts