Thấy gì qua bài diễn văn của ông Tô Lâm trong Hội nghị Trung ương 10, ngày 18/9/24?

Lê Minh Nguyên

18-9-2024

Sớm hơn một tháng, ngày 18/9 đảng CSVN họp thường kỳ Trung ương 10 trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ để dự họp Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc (Summit of the Future on 22-23) và có thể gặp riêng Tổng Thống Biden ở New York.

Ông Tô Lâm sẽ gặp đại diện các đại công ty Mỹ, trong đó có Google và Facebook. Sau đó ông đi Cuba. Tháng 10 ông đi Pháp. (https://reut.rs/47vnYdY)

Nhìn chung, bài diễn văn của ông Tô Lâm ngắn hơn, ít trừu tượng và ít giáo điều hơn là các bài diễn văn của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.

Đầu bài, ông ca ngợi ông Trọng, dùng nó làm cái khiên để che chắn cho các việc làm và sự tiếp nối của ông.

Hai điểm chính trong bài là kêu gọi đảng viên cố gắng hoàn tất các mục tiêu đã được đề ra trong nghị quyết của đại hội 13, và chuẩn bị cho đại hội 14 với hai chủ đề chính là văn kiện và nhân sự.

Ông dùng hai mốc thời gian là 2030 và 2045 để đánh dấu 100 năm thành lập đảng và 100 năm cai trị Việt Nam.

Ông gợi ý một số vấn đề cụ thể cho Khóa 14 như “đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ…”

Các điểm nhấn khác như phát triển lực lượng sản xuất mới thiên về chất xám cho Thời Đại Thông Tin, mà trong đó giao thông, kỹ thuật số và năng lượng được ưu tiên.

Kế đến là làm tinh gọn bộ máy đảng và nhà nước, tản quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, chuyển đổi qua kinh tế số, môi trường xanh, tận dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ nguồn và thu hẹp lại không dàn trải.

Ông Tô Lâm đi Trung Quốc giữa tháng Tám, chỉ hai tuần sau khi ông nắm chức Tổng bí thư. Điều này cho thấy, CSVN vẫn dựa vào Trung Quốc để bảo vệ chế độ, nhưng ông cũng muốn tận dụng phương Tây cho việc phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Trung Quốc tiếp đón ông nồng nhiệt với thảm đỏ, súng thần công và gặp hầu hết các nhân vật chóp bu từ Tập Cận Bình, đến Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh… nhưng lại không cho truyền thông Trung Quốc phổ biến rộng rãi. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn nhắn ông Tô Lâm rằng: Tôi cho anh cơ hội nhưng anh phải thể hiện, tức là anh phải làm gì trước khi tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh.

Nó cho thấy là việc đi dây của ông Tô Lâm không dễ dàng. Xét về địa chính trị thì Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ. Nhưng cũng xét về địa chính trị, Việt Nam là một quốc gia biển, nên lợi thế của Trung Quốc chỉ có được khi Việt Nam là một nước nghèo.

Việc ông Tô Lâm làm tổng bí thư chắc chắn sẽ có những thay đổi về chính trị và kinh tế sau đại hội 14, bởi vì từ đây cho đến đại hội, ông chỉ có thể tập trung vào việc cũng cố vị thế của ông trong nội bộ để chiến thắng vẻ vang trong đại hội.

Chế độ cộng sản giáo điều sẽ biến dạng nhưng không phải qua dân chủ mà là qua dạng độc tài mọc đuôi phát xít. Cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ bị rụng trong một tương lai gần.

Related posts