Tổng thống Pháp Macron kêu gọi thiết lập trật tự thế giới mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Nils Petter Nilsson/Getty Images)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, châu Âu không thể hạn chế bản thân mình chỉ trong Liên minh châu Âu cũng như NATO nếu muốn duy trì hòa bình tại châu lục này.

Vào hôm Chủ Nhật (22/9), ông Macron đã lên tiếng kêu gọi cải tổ trật tự thế giới hiện hành mà ông đánh giá là “bất công” đối với nhiều quốc gia, nhằm hướng đến một trật tự thế giới mới mà nhân loại có thể chung sống với nhau hòa bình hơn.

Ông Macron đã phác họa tầm nhìn của mình trong khuôn khổ hội nghị quốc tế ‘Tưởng Tượng về Hòa Bình‘ tại Paris, quy tụ nhiều chính trị gia cũng như các lãnh đạo tôn giáo hàng đầu thế giới.

Hội nghị quốc tế Sant’Egidio vì hòa bình tại Paris, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 9, là sự kiện thúc đẩy “hòa bình và đoàn kết giữa các tôn giáo và nền văn hóa” “với mục đích tạo ra một tương lai hòa bình, nơi sự táo bạo trong việc xây dựng những cây cầu sẽ thắng thế nỗi sợ chia rẽ“.

Phát biểu trong hội nghị Sant’Egidio, ông Macron nhấn mạnh: “Chúng ta cần có đầy đủ sự sáng suốt để hình dung ra một nền hòa bình cho tương lai, một nền hòa bình cho châu Âu trong một trật tự thế giới mới”.

Ông nhấn mạnh rằng nếu bất kỳ chính trị gia nào mong muốn châu Âu trở nên ổn định hơn, mọi nhà lãnh đạo cần phải thừa nhận rằng châu Âu “không chỉ đơn thuần là Liên minh châu Âu, hay cũng không phải chỉ là NATO”, ông Macron tuyên bố.

“Chúng ta cố gắng đồng hành cùng cộng đồng chính trị châu Âu này nhưng chúng ta sẽ phải nghĩ đến một hình thức tổ chức mới của châu Âu và suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng ta với Nga… Cũng giống như quý vị đã nói, chúng ta phải xây dựng một trật tự quốc tế mới, chắc chắn là thách thức lớn nhất hiện nay vì trật tự của chúng ta hiện nay chưa hoàn thiện và bất công“, ông Macron nói.

Tổng thống Macron đã từng phát biểu những quan điểm gây tranh cãi về cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine khi cuộc xung đột này leo thang trong nhiều năm. Năm 2022, ông đã từng bị các lãnh đạo phương Tây đồng cấp chỉ trích nặng nề khi kêu gọi các quốc gia châu Âu không làm Nga “bẽ mặt”. Đầu năm 2024, ông Macron tuyên bố phương Tây không nên loại trừ khả năng triển khai binh sĩ NATO trên đất Ukraine nếu tình hình chiến sự trở nên nghiêm trọng– một tuyên bố bị nhiều chính trị gia châu Âu đồng cấp phản đối.

Phát biểu nêu trên của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Zelensky chuẩn bị gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để trình bày cái gọi là ‘kế hoạch chiến thắng‘ – một kế hoạch nhằm tạo áp lực buộc Nga phải nhượng bộ trong cuộc chiến Nga – Ukraine. Ông Zelensky mong muốn cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đồng ý để quân đội Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Pháp là một trong số ít quốc gia đã viện trợ các loại khí tài quân sự như tên lửa hành trình SCALP/Storm Shadow, tên lửa do Pháp hợp tác cùng Vương quốc Anh đồng sản xuất, cho Ukraine. Các chính trị gia Anh đã đồng ý cho Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rõ ràng rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Nga sẽ bị coi như lệnh tuyên chiến của các quốc gia thành viên NATO.

Trong bài phát biểu của mình, ông Macron cho rằng trật tự thế giới được thiết lập sau Thế chiến II là “chưa hoàn thiện và bất công”, vì nhiều quốc gia hiện đại lúc bấy giờ vẫn chưa tồn tại và chưa nhận được vị trí xứng đáng trên bàn đàm phán quốc tế.

Ông lên tiếng kêu gọi cải tổ mạnh mẽ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho phù hợp với trật tự thế giới mới.

Ông Macron cũng cho biết trật tự thế giới mới cần phải tính đến sự đại diện bình đẳng cho tất cả các quốc gia châu Âu và cân nhắc các chiến thuật xây dựng hòa bình rộng lớn hơn.

Phát ngôn viên Điện Kremlin của Nga, ông Dmitry Peskov đã phản hồi bài phát biểu của Macron. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Peskov cho hay: “Rõ ràng là, khi cấu ​​trúc an ninh của châu Âu đang thay đổi nhanh chóng, thì cần phải xây dựng lại nó. Toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế đang thay đổi“.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng trật tự thế giới mới sẽ đặc biệt được Điện Kremlin quan tâm vì nó sẽ đảm bảo lợi ích an ninh hợp pháp của Nga.

Nga là một trong số các quốc gia đã tuyên bố rõ ràng mục tiêu giảm bớt ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế do phương Tây lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu nhằm tạo ra một trật tự thế giới đa cực.

Thiên Vân, theo Newsweek

Related posts