Thổ Nhĩ Kỳ không chọn phe nhưng sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Nguồn: Oytun Orhan, 奥伊通·奥尔汗:土耳其不会在东西方竞争中站队,但准备好承担风险, Guancha, 19/09/2024.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Vào ngày 4 tháng 9 theo giờ địa phương, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên sau 12 năm và có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Hai bên cùng thảo luận về cuộc xung đột Gaza và cách thức khôi phục mối quan hệ vốn đã đóng băng từ lâu giữa hai nước.

Từ cuộc chiến ở Ukraine đến xung đột ở Gaza, cách thức Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan hệ với tất cả các bên bằng cách tiếp cận cân bằng về mặt ngoại giao đã thu hút nhiều sự chú ý. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những đề xuất và hành động gì đối với trật tự thế giới và cục diện khu vực Trung Đông? Động lực để Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc tăng cường hợp tác đến từ đâu?

Đối với các vấn đề liên quan, Guancha đã có buổi đối thoại và trao đổi với ông Oytun Orhan, Điều phối viên Nghiên cứu Levant tại ORSAM (Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông) Thổ Nhĩ Kỳ.

Guancha: Giới thiết kế chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận như thế nào hay có chủ trương ra sao về xu thế “sự trỗi dậy của một thế giới đa cực”?

Oytun Orhan: Chúng ta có thể quan sát thấy trật tự thế giới đã xuất hiện những chuyển biến và ảnh hưởng của điều này đối với trật tự tiểu vùng ở Trung Đông. Chúng ta cũng đã thấy sự xuất hiện của một hệ thống hiệp ước đa cực hóa ở Trung Đông. Cho đến nay, cấu trúc an ninh của khu vực này vẫn do Mỹ và phương Tây nắm thế chủ đạo. Tuy nhiên trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến quyền diễn ngôn của Nga trỗi dậy trong trật tự Trung Đông và trở thành một vai trò có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta chứng kiến ​​sự gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia trong khu vực, mà tiêu biểu là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Các nước khác trong khu vực cũng đang theo đuổi đường lối chính sách đối ngoại độc lập. Họ từng là đồng minh truyền thống của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhưng hiện đang cố gắng làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với Nga, Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp thay thế.

Chúng ta thấy xu hướng đa cực hóa ở Trung Đông và điều này mang lại cơ hội cho các quốc gia trong khu vực. Nếu nhìn từ góc độ sự tăng giảm tầm ảnh hưởng của các nước bá quyền ở Trung Đông thì trong quá khứ, các quốc gia trong khu vực này không có cách nào để mở rộng ảnh hưởng. Nhưng khi các nước bá quyền bắt đầu rút lui và khoảng trống quyền lực xuất hiện thì các nước trong khu vực lại có cơ hội. Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhìn thấy cơ hội trong cục diện quyền lực ở Trung Đông và đang nỗ lực lấp đầy những khoảng trống đó một cách tích cực về cả quân sự, ngoại giao, chính trị và kinh tế.

Guancha: Có học giả Thổ Nhĩ Kỳ từng lập luận rằng, lập trường ngoại giao độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ cho phép nước này duy trì mối liên hệ với tất cả các bên ở Trung Đông, ví dụ như NATO và Nga, Israel và Palestine. Mục tiêu chủ yếu đằng sau chính sách đối ngoại này của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? Họ hình dung ra sao về trật tự khu vực ở Trung Đông?

Oytun Orhan: Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận thức được rằng, họ không thể tự mình trở thành một thế lực thống trị ở Trung Đông hay có khả năng xây dựng và duy trì trật tự khu vực một cách độc lập. Thổ Nhĩ Kỳ không coi mình là một thế lực như vậy trong khu vực. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng nếu không có sự đóng góp và tham gia của mình, Trung Đông sẽ không thể đạt được sự ổn định, an ninh hay thúc đẩy thành công bất kỳ sáng kiến ​​nào.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò quan trọng trong khu vực và có thể dành được sự coi trọng của tất cả các bên. Từ góc độ này, lập trường ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự rất độc đáo. Không chỉ bao gồm vấn đề Palestine-Israel ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ còn không chọn phe trong các xung đột quốc tế lớn (chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine) hay các vấn đề liên quan đến “cạnh tranh phương Đông-phương Tây”. Thổ Nhĩ Kỳ lượn quanh những bất đồng và lập trường khác nhau để tăng cường ảnh hưởng của mình. Cục diện đa cực hóa cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò như vậy trong khu vực. Nhưng như tôi đã nói, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rất rõ về giới hạn quyền lực của mình và không cần phải phóng đại tầm ảnh hưởng của bản thân. Bởi việc đánh giá sai năng lực của chính mình có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

Tất nhiên, để lấp đầy khoảng trống quyền lực (tức là đạt được lợi thế trong các lĩnh vực khác nhau), Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bao gồm cả rủi ro về chính trị và quân sự.

Guancha: Các quốc gia châu Âu đang thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra nếu Mỹ giảm can dự vào các vấn đề châu Âu sau khi Trump đắc cử. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hình dung ra một kịch bản tương tự trong đó Mỹ rút khỏi Trung Đông chưa? Điều này sẽ có tác động gì đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và bối cảnh an ninh ở Trung Đông?

Oytun Orhan: Chúng ta đã thấy tiền lệ về nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Nhìn chung, ông sẽ tiếp tục rút dần lực lượng của Mỹ khỏi Trung Đông. Ông chỉ trích NATO và các nước châu Âu, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên trong đó. Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn biết rõ rằng NATO không có sự đoàn kết cao độ. Theo nghĩa này, lập trường của Trump (về NATO) không mâu thuẫn với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong vấn đề Trung Đông, trước hết, sự hiện diện của Mỹ ở Syria và Iraq không phù hợp với lợi ích khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ coi một số nhóm nhận được sự hỗ trợ của Mỹ ở Syria là các tổ chức khủng bố và cũng không tin rằng sự hiện diện của Mỹ ở Iraq sẽ giúp duy trì sự ổn định trong khu vực. Trump ủng hộ việc rút quân khỏi các khu vực này, giảm sự can thiệp vào các vấn đề Trung Đông, không dựa vào sức mạnh quân sự mà phát huy vai trò ngoại giao và chính trị để duy trì trật tự và ổn định trong khu vực. Theo nghĩa này, việc Mỹ rút quân sẽ có lợi cho việc Thổ Nhĩ Kỳ chống khủng bố và phát huy vai trò lớn hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, chính sách của Trump về vấn đề Palestine-Israel có thể gây ra rủi ro. Ai cũng biết rằng, Trump kiên định trong việc ủng hộ chính phủ Israel hiện thời và sự ủng hộ mà ông dành cho Israel trong nhiệm kỳ trước được cho là nhiều nhất trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ.

Từ góc độ này, trong trường hợp Trump đắc cử, chúng ta nhiều khả năng sẽ thấy Mỹ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Israel và có lập trường quyết liệt hơn đối với Gaza. Điều này chắc chắn không phù hợp với quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hành vi của Israel cần phải được kiềm chế và chỉ Mỹ mới có thể làm được điều này. Vì vậy, việc Trump đắc cử sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông trong vấn đề Palestine-Israel.

Guancha: Có học giả Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, mục tiêu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là tăng cường ảnh hưởng đối với Hamas và đưa lực lượng này ra thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Iran, đồng thời cho rằng cách làm này sẽ giúp khôi phục hòa bình và ổn định ở Trung Đông sớm nhất có thể. Điều này có đại diện cho chủ trương chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ không?

Oytun Orhan: Đây thực sự là chủ trương của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ công chúng đến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ hiện tại về cơ bản đều ủng hộ Hamas về mặt ngoại giao và chính trị. Nhưng không giống với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ không đóng vai trò quân sự trong cuộc xung đột Palestine-Israel, bởi làm vậy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm bất ổn và đe dọa đến an ninh khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể giúp Hamas thoát khỏi ảnh hưởng của Iran, tăng cường ảnh hưởng và lợi thế đàm phán của chính mình đối với Hamas, đồng thời giúp họ trở thành một tổ chức khu vực có trách nhiệm hơn và thiên về phát huy vai trò chính trị, ngoại giao hơn. Đây là những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi.

Nếu thành công, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có lợi cho cả Mỹ và Israel, bởi Israel thà chấp nhận một Hamas chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ còn hơn thấy một Hamas chịu ảnh hưởng của Iran. Thổ Nhĩ Kỳ là cường quốc khu vực có trách nhiệm hơn, vừa có khả năng kiềm chế Hamas, lại vừa nắm giữ lợi thế trong các cuộc đàm phán với Israel.

Đối với câu hỏi của bạn rằng liệu có thể thực hiện được triển vọng này trong thời gian ngắn không, tôi không nghĩ vậy. Vì cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn nên Hamas không cần sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và chính trị. Cái họ cần là sự hỗ trợ về mặt quân sự. Từ góc độ này, Hamas vẫn sẽ tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ quân sự của Iran nếu hành vi xâm phạm của Israel không dừng lại. Chỉ khi các sáng kiến ​​chính trị tiến triển và đạt được lệnh ngừng bắn, chúng ta mới có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò lớn hơn. Nhưng nếu cuộc xung đột không dừng lại thì sẽ không có điều gì giống với mong đợi của Israel xảy ra, bởi Hamas sẽ ngày càng bị ảnh hưởng sâu sắc hơn bởi Iran.

Guancha: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm nay và bày tỏ mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với Trung Quốc. Ông có thể nói về động lực và kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Trung Quốc không?

Oytun Orhan: Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Trung Quốc có nguyên do về mặt kinh tế và chính trị, trong đó có cả lý do an ninh. Hai bên có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đều có nhận thức cơ bản và hiểu rõ những vấn đề khác nhau trong trật tự quốc tế hiện nay. Từ góc độ này, hai nước có thể hợp tác để thúc đẩy trật tự quốc tế phát triển theo hướng công bằng và ổn định hơn.

Ở châu Phi và Trung Đông, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và xung đột Palestine-Israel, vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Palestine và thúc đẩy cuộc hòa giải Iran-Ả Rập Saudi cũng là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi, tức là thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao hơn để làm giảm leo thang xung đột và phát huy vai trò điều đình. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Trung Quốc đã có những đóng góp tích cực cho vấn đề Gaza, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng nỗ lực tham gia vào việc điều đình các phe phái khác nhau của Palestine và thúc đẩy thành lập chính phủ liên hiệp. Đại diện của họ đã gặp nhau nhiều lần ở Istanbul.

Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều nỗ lực chấm dứt xung đột ở Gaza, hai bên có thể hợp tác trong việc làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza và hỗ trợ tái thiết Gaza sau chiến tranh. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Palestine-Israel có thể cân bằng vai trò của Mỹ và là nhân tố thúc đẩy sự ổn định của cục diện, bởi định hướng chính sách của Mỹ không phải là chấm dứt xung đột hay thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Từ góc độ này, chúng ta cần sự can thiệp trực tiếp của nhiều chủ thể quốc tế hơn để cân bằng vị thế chủ đạo của Mỹ trong vấn đề Palestine-Israel.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này muốn tham gia sáng kiến ​“​Một vành đai, Một con đường”. Tôi nghĩ một vài dự án trong sáng kiến ​​hợp tác “Con đường Phát triển” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể được tích hợp vào ​​“Một vành đai, Một con đường”.

Hai bên có không gian hợp tác trong nhiều vấn đề, vị trí địa lý và lập trường địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa quan trọng. Các sản phẩm của Trung Quốc có thể thâm nhập thị trường châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và hai bên cũng có thể hợp tác trong ngành công nghiệp quân sự. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro nhất định trong quan hệ song phương. Theo tôi, trong vài năm trở lại đây, hai bên đã cố gắng tránh những rủi ro chính trị và tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực hợp tác. Chuyến thăm Trung Quốc của Fidan đóng một vai trò quan trọng. Hiện nay, chúng ta có thể thấy sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đặc biệt là về kinh tế).

Related posts