Trần Huỳnh Duy Thức

Hồ Phú Bông

26-9-2024

Những người bất đồng chính kiến với đảng cộng sản Việt Nam, cùng người dân trong và ngoài nước đều vui khi ông Trần Huỳnh Duy Thức bất ngờ trở về gia đình sau 15 năm 4 tháng trong ngục thất của bản án phi pháp 16 năm.

Điều đáng nói là, suốt trong thời gian tù ông Thức vẫn tranh đấu không ngừng vì ông hoàn toàn vô tội. Không những thế ông còn tranh đấu chống chế độ giam giữ khắc nghiệt đối với tù nhân. Vì thế, hình ảnh tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cũng là hình ảnh tù nhân nổi tiếng Nelson Mandela của Nam Phi.

Trong Lời Chào Đầu Tiên gửi đến công luận hôm 21-9, ông Thức kể:

Duy có một điều khá khôi hài mà tôi muốn kể ngay với quý bạn lúc này. Đó là việc tôi bị ĐẶC XÁ CƯỠNG BỨC, một chuyện có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở đất nước này.

Ngày 19/9/2024, đại diện của Trại giam số 6, thừa lệnh Bộ Công an, thông báo với tôi rằng, Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.

Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá, và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tôi bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.

Vậy mà vào lúc 17g45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo, rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc “đặc xá” cho tôi. Vì vậy, tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng, tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.

Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn”. (Hết trích)

Đúng là chuyện khôi hài khi công an cho biết, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá nên tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức không có quyền tiếp tục ở lại nhà tù. Nói cách khác, bằng mọi giá họ phải trục xuất ông. Và họ dùng đến 20 công an cưỡng bức khiêng ông ra, áp tải đến tận sân bay Vinh!

Khi thời thế đổi thay mọi người sẽ có dịp được xem đoạn video clip lý thú ghi lại sự kiện này. Và từ điển tiếng Việt từ nay có thêm cụm từ “đặc xá cưỡng bức”.

Công luận xác nhận ông Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân tài, không những về tri thức thời đại tin học, mà còn về tầm nhìn chính trị ông viết trong Con Đường Việt Nam, nên ảnh hưởng của ông rất lớn với công luận. Chính vì thế ông Tô Lâm mới đặc xá ông và thêm bà Hoàng Thị Minh Hồng, (người bảo vệ môi trường từng được Tổng thống Obama chụp hình chung), để tìm cách rửa bớt bộ mặt lem luốc của chế độ và của cá nhân ông Tô Lâm khi còn giữ chức bộ trưởng công an, về Nhân quyền.

Nhưng chuyện ông Tô Lâm trực tiếp chỉ huy tổ chức bắt cóc quốc tế Trịnh Xuân Thanh tại Đức vẫn còn đó. Chuyện “công an vì nhân dân quên mình” mà ông há miệng đớp miếng thịt bò dát vàng khoảng 1200 USD của “Thánh rắc muối” Salt Bae ở nước Anh, vẫn đầy trên internet. Hóa đơn bữa tiệc đó giá 37.023 bảng Anh (49.000 USD)

Còn quốc nội thì có hơn trăm nghi can bị giết ngay tại đồn khi vừa bị bắt mà theo tường trình, người thì tự tử “vì ân hận”, người thì dùng lưỡi dao cắt giấy tự cắt cổ, người thì dùng dây điện thoại để bàn… Vụ nổi tiếng nhất có lẽ là việc huy động 3.000 công an giữa khuya tấn công vào xã Đồng Tâm, giết rồi mổ bụng đảng viên già Lê Đình Kình, vì cụ quyết giữ mảnh đất đồng Sênh.

Với các phong trào tranh đấu như công nhân biểu tình, chống Formosa đầu độc môi trường, chống luật an ninh mạng và dự luật đất đai… đều ôn hòa vì đó là quyền sống, quyền tự do dân chủ, nhưng bị công an đàn áp dã man. Người chết, người bị đánh đến tật nguyền như trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang và cụ thể nhà cầm quyền đang giam giữ 160 tù nhân lương tâm.

Sơ lược về “thành quả” của bộ trưởng công an Tô Lâm như thế thì bộ mặt của tân đảng trưởng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước của ông, liệu có sớm rửa sạch được hay không?

Nhưng, bản chất khôn vặt cộng sản, đặc xá ông Trần Huỳnh Duy Thức và cho bà Hoàng Thị Minh Hồng ra tù sớm cũng chỉ là món quà “miếng trầu đầu câu chuyện” khi ông gặp Tổng thống Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York.

Mọi người đều biết và hiểu sự kiện vì không phải mới xảy ra lần đầu.

Vấn đề là ông Trần Huỳnh Duy Thức ra tù và quyết tâm tiếp tục tranh đấu.

Công an hành hạ nhưng không dám ám hại ông trong tù. Trái lại, họ rất lo sợ ông chết vì bệnh. Vì nếu xảy ra thì chế độ có nguy cơ lớn. Nhưng khi đã ra tù thì mọi “tai biến” đều có thể. Con Đường Việt Nam mà trở thành đảng, thành phong trào lớn mạnh thì “tai biến” càng dễ xảy ra. Vì bản chất cộng sản là man trá, ám muội.

Như Nga, dù đang có chế độ tổng thống, nhưng Putin, cựu trùm KGB, vẫn tổ chức ám sát đối thủ chính trị gần như công khai. Không những thế, ám sát khi họ đã thoát ra nước ngoài.

Ở Việt Nam thì những cái chết bí ẩn tầm cỡ như Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từng là bộ trưởng công an; Phạm Quý Ngọ, Thượng tướng công an; Nguyễn Bá Thanh mới nhận chức Trưởng ban Nội chính; đặc biệt là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, một tên tuổi nguy hiểm về gián điệp cung đình… Tất cả họ đều chết vì “bệnh hiểm nghèo” mà y học bó tay! Tại sao? Và do bàn tay của ai?

Rất khó xác định nhưng phải nằm trong ba nhóm: Đặc tình Tàu Cộng, phe Công an và phe Quân đội. Tùy từng trường hợp họ phải thanh toán nhau để bảo vệ quyền và lợi ích riêng của phe mình. Riêng bọn đặc tình Tàu Cộng thì chắc chắn đang có mặt ở mọi cấp, mọi nơi để kềm giữ Việt Nam, không thể thoát khỏi lá bùa “4 tốt và 16 chữ” (vàng) của Bắc Kinh.

Những nhân vật tầm cỡ của chế độ được bảo vệ an ninh tối đa mà vướng “bệnh” như thế, thì liệu ai có thể bảo vệ ông Trần Huỳnh Duy Thức và mấy người cùng nhóm?

Ông Nelson Mandela, sau khi ra tù, dù gì cũng được pháp luật dân chủ bảo vệ, nên trở thành tổng thống. Còn ông Trần Huỳnh Duy Thức, dù chỉ mong Việt Nam sớm thoát khỏi đại nạn độc tài cộng sản để dân tộc sớm theo kịp đà văn minh của nhân loại, liệu có thoát được ba nhóm đặc tình chỉ vì quyền và lợi ích riêng của chúng?

Xin chấp tay cầu nguyện. Vì sự thật không ai có thể bảo vệ được ông Trần Huỳnh Duy Thức giữa hỗn mang chính trị hiện tại ở Việt Nam.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts