An Chi
Khi quan hệ Trung Quốc-Philippines lên tới mức căng thẳng nhất mọi thời đại, có ý kiến cho rằng Philippines nên làm giống như Argentina, thẳng tay đánh chìm tàu Trung Quốc dù chính quyền Argentina lúc đó có quan hệ rất nồng ấm với Bắc Kinh.
Sau một loạt các cuộc chạm trán giữa Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và lực lượng Philippines, BRP Sierra Madre, một tàu chiến Philippines neo đậu tại Biển Đông đang có tranh chấp, một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết nếu Trung Quốc di dời tàu chiến rỉ sét—BRP Sierra Madre—vốn đang hoạt động như một tiền đồn quân sự của Philippines tại Bãi Cỏ Mây, thì điều đó tương đương với một “hành động chiến tranh”. Ông đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 phút” (60 Minutes) của CBS.
Ông Teodoro Jr cũng nhấn mạnh rằng Manila sẽ mong đợi sự can thiệp của Hoa Kỳ nếu Trung Quốc cố gắng di dời tàu vì có người trên tàu. Hoa Kỳ là đồng minh hiệp ước của Philippines và có nghĩa vụ bảo vệ đất nước này trong trường hợp xảy ra xung đột.
Ông nói: “Đó là tiền đồn thuộc chủ quyền Philippines, vì vậy chúng ta không chỉ nói về một con tàu cũ rỉ sét. Chúng ta đang nói về một phần lãnh thổ Philippines ở đó”.
Philippines cố tình đưa tàu chiến BRP Sierra Madre thời Thế chiến II mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999 để khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình. Nước này duy trì một nhóm nhỏ thuỷ quân lục chiến trên tàu.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Bãi Cỏ Mây, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) đã nhiều lần chặn các nhiệm vụ tiếp tế tới Sierra Madre bằng cách đâm vào tàu và quấy rối lực lượng Philippines.
Vào tháng 6 năm 2024, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã tịch thu thiết bị của Philippines trong nhiệm vụ tiếp tế do Lực lượng vũ trang Philippines dẫn đầu cho tàu BRP Sierra Madre (LT-57) tại Bãi Cỏ Mây.
Trong thời gian gần đây, Bãi Cỏ Mây không có mấy căng thẳng vì điểm nóng đã chuyển sang bãi cạn Sa-Bin gần Quần đảo Trường Sa, nơi đã trở thành đấu trường của một cuộc đọ sức. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại, với việc Philippines cáo buộc Bắc Kinh có hành vi bạo lực.
Tình hình căng thẳng gần đây đã tiếp tục thúc đẩy tình cảm chống Trung Quốc ở Manila, bằng chứng là lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng về việc sẽ tiến hành chiến tranh nếu Trung Quốc loại bỏ BRP Sierra Madre. Khi căng thẳng với Trung Quốc vẫn ở mức cao, Philippines đã hứa sẽ duy trì sự hiện diện của mình tại các địa điểm tranh chấp và củng cố thế trận quân sự chung của mình.
Trong bối cảnh này, một tài khoản trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) được đặt theo tên của BRP Sierra Madre – con tàu tượng trưng cho sức bền bỉ của người dân Philippines – đã thảo luận về vụ đánh chìm một tàu đánh cá của Trung Quốc do Argentina thực hiện.
Nhắc đến sự việc do một người dùng X khác chia sẻ, tài khoản này kêu gọi đoàn kết khu vực chống lại Trung Quốc. Tài khoản này đã tích cực đăng nội dung liên quan đến các cuộc giao tranh và đối đầu trên biển giữa Philippines và Trung Quốc.
Nhắc đến vụ việc năm 2016, người dùng này viết: “Đây là cách chúng ta chống lại những kẻ bắt nạt—bằng cách nói ngôn ngữ của chúng và thể hiện sức mạnh. Nếu các quốc gia xung quanh Biển Đông đoàn kết và kiên quyết phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc, họ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi vượt qua ranh giới. Cùng nhau, chúng ta có thể bảo đảm rằng các ranh giới được tôn trọng và không ai sử dụng sự đe dọa để giành quyền kiểm soát”.
Năm 2016, một sự cố ở Argentina đã gây chấn động Trung Quốc mặc dù chính phủ Trung Quốc và cựu Tổng thống Argentina Mauricio Macri có mối quan hệ nồng ấm.
Vào tháng 3 năm 2016, Cảnh sát biển Argentina thông báo rằng họ đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina.
Tàu Trung Quốc “Lu Yan Yuan Yu 010” bị phát hiện đánh bắt cá trái phép ngoài khơi bờ biển Puerto Madryn, một khu vực nổi tiếng với mực ống. Radar của Cảnh sát biển Argentina đã phát hiện ra tàu đánh cá này.
Cảnh sát biển Argentina đã cảnh báo con tàu bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha và cố gắng liên lạc với con tàu bằng tín hiệu âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên, thay vì hợp tác, con tàu lại tắt hết đèn và cố gắng chạy trốn đến vùng biển quốc tế mà không phản hồi Cảnh sát biển Argentina.
Một cuộc rượt đuổi trên biển đã diễn ra sau đó. Cảnh sát biển được cho là đã bắn cảnh cáo trong khi vẫn cố gắng liên lạc với thủy thủ đoàn của tàu vi phạm qua radio.
Lực lượng bảo vệ bờ biển sau đó giải thích thêm trong một tuyên bố rằng: “Nhiều lần, tàu vi phạm đã thực hiện các động tác nhằm va chạm với lực lượng bảo vệ bờ biển, gây nguy hiểm không chỉ cho thủy thủ đoàn mà còn cho cả lực lượng bảo vệ bờ biển, những người sau đó được lệnh bắn vào một số bộ phận của tàu”.
Tàu tuần tra lớp Mantilla của Argentina – Prefecto Derbes đã bắn thêm nhiều phát vào tàu đánh cá Trung Quốc, và chỉ dừng lại khi nó bắt đầu chìm. Thủy thủ đoàn đã bỏ tàu. Không có thương vong trong vụ việc.
Một tàu Trung Quốc bám theo cuộc truy đuổi đã cứu được một số thành viên tàu bị đánh chìm, trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina đã cứu được bốn người. Toàn bộ 32 thành viên phi hành đoàn của “Lu Yan Yuan Yu 010” đã được cứu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đưa ra “lời phản đối khẩn cấp tới Argentina” và bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” sau vụ việc.
Năm 2012, Argentina đã bắt giữ hai tàu Trung Quốc mà họ cho là đánh bắt mực bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Vào thời điểm đó, họ đã bắn cảnh cáo.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina đã hành động chống lại các tàu Trung Quốc mặc dù hai bên có mối quan hệ thân thiết vào năm 2016. Susana Malcorra, cựu bộ trưởng ngoại giao Argentina, sau đó đã xoa dịu Bắc Kinh và bày tỏ hy vọng rằng vụ việc sẽ không gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước.
Argentina từ lâu đã phải vật lộn với mối đe dọa của hoạt động vận chuyển bất hợp pháp, với các tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên bị chỉ đích danh là những kẻ gây rối mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên. Các tàu do Trung Quốc điều hành đã bị Argentina, Chile và Peru chỉ trích vì tham gia vào hoạt động đánh bắt cá xâm lấn quy mô lớn, không được kiểm soát trong vùng biển lãnh thổ của họ, mà các quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố là đang làm giảm quần thể cá và gây hại cho đa dạng sinh học tự nhiên của Tây Nam Đại Tây Dương.
Argentina, hiện do Tổng thống Javier Milei lãnh đạo, người đã xoay trục đất nước về phía Hoa Kỳ, đã thực hiện một loạt các bước để chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc.
Mặc dù vụ chìm tàu ”Lu Yan Yuan Yu 010” năm 2016 xảy ra trong bối cảnh hoàn toàn khác so với những tình huống ở Biển Đông, nhưng chính những sự cố như thế này dường như đã thu hút trí tưởng tượng của mọi người sau hành động xâm lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.