BBC
Các ngư dân Quảng Ngãi kể lại câu chuyện kinh hoàng mà họ vừa trải qua trên Biển Đông, khi bị tàu Trung Quốc tấn công và đánh đập.
“Tàu có cờ Trung Quốc. Chúng tôi đánh bắt ở ngư trường đó và (tàu tấn công) là tàu của Trung Quốc nhưng không biết loại nào. Chúng lên tàu thì bận đồ rằn ri, chúng đánh thì anh em gục hết rồi nên không biết gì hết”.
Đó là lời kể của ông Nguyễn Thanh Biên, 40 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS, với cộng tác viên của BBC News Tiếng Việt vào ngày 2/10.
“Nói chung tính trang thiết bị gồm máy móc, ngư cụ và mấy tấn cá thì sơ sơ (thiệt hại) hết 500, 600 triệu đồng”, ông Biên cho biết.
Lời kể của thuyền trưởng
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên kể: “Anh em tàu chúng tôi đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa cũng mười mấy hôm rồi. Tới ngày 29/9, lúc 6 giờ sáng chúng tôi phát hiện một chiếc tàu ở rất xa, mắt thường chưa nhìn được nhưng nhìn trong máy định dạng thì thấy. Đó là tàu 301”.
Ông Biên cho biết sau khoảng một tiếng đồng hồ rượt đuổi thì tàu Trung Quốc bắt kịp tàu cá của ông. Sau đó, tàu 301 thả ba chiếc ca nô, kẹp vô hai mạn tàu cá Việt Nam. Các ngư dân Việt Nam tìm cách không cho lực lượng Trung Quốc đu lên, leo lên boong tàu.
“Chúng dí nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ, sau khi không leo lên được thì chúng điện chiếc tàu 101 tới áp sát, kẹp và rượt đuổi chúng tôi”, ông Biên kể tiếp.
Tàu 101 tiếp tục áp sát rồi quăng móc lên tàu cá Việt Nam để cho người đu lên. Lúc bấy giờ là khoảng 9 giờ sáng.
“Lúc đó mấy anh em ở dưới tàu la lên là bọn Trung Quốc leo lên được rồi. Tôi cũng hoảng nên cho tàu chạy nhanh về phía trước”, ông Biên kể.
Sau khi cho ba chiếc ca nô cặp vào tàu cá, khoảng 40 người Trung Quốc leo lên tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, mỗi người cầm một cái dùi cui.
“Chúng tôi vừa chạy thì chúng đánh từ đằng sau đánh tới, gặp đâu đánh đó. Chúng nhằm vào tôi là thuyền trưởng, hai thằng đánh vô lưng và vai làm tôi bất tỉnh. Trong khi tôi bất tỉnh nó đánh mấy anh em khác, một anh bị gãy tay là Huỳnh Tiến Công”, ông Biên thuật lại sự việc trước khi ông bị đánh bất tỉnh.
Giữa lúc ông Biên bất tỉnh thì lực lượng Trung Quốc dồn các ngư dân Việt Nam lại, bắt quỳ xuống rồi lấy bạt che lại hết. Một số ngư dân xin đưa ông Biên vô ca bin để làm hô hấp nhân tạo nhưng lực lượng Trung Quốc thoạt tiên không cho, sau một lúc mới cho.
Tới khoảng 13 giờ thì thông dịch viên thông báo cho tàu cá của ngư dân chạy về Việt Nam, sau khi đã lấy hết lưới, máy móc và “mấy tấn cá”. Lúc bấy giờ tàu 101 của Trung Quốc vẫn bám theo.
Thuyền trưởng Biên cho tàu chạy về hướng đảo Lý Sơn và dùng máy liên lạc gọi về tổng đài duyên hải để thuật lại sự việc.
“Khi tàu vô cách bờ tầm 40, 50 hải lý thì gặp tàu 6001 của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc đó mới băng bó cho anh Huỳnh Tiến Công rồi tiếp tục chạy về đất liền”, ông Biên kể.
‘Biển của mình thì mình đi chứ’
Ngư dân Huỳnh Tiến Công, 47 tuổi, trú xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, là người bị đánh nặng nhất. Ông bị gãy tay, chân bị đánh sưng vù và bị thương nhiều nơi khác trên cơ thể.
Ông kể với cộng tác viên của BBC News Tiếng Việt rằng chiếc tàu đã thả ca nô tiếp cận tàu cá rồi cho người leo lên và “đánh anh em tới tấp, đánh phủ đầu”.
Ngư dân Nguyễn Thương, 34 tuổi, bị đánh tới mức hở khớp tay kể rằng ông đã bị đánh bằng tuýp sắt dài cỡ một mét.
“Trên tàu có bốn người bị thương nặng, một người bị gãy tay. Bị thương mà không biết bị thương luôn. Người bị nặng nhất là anh Huỳnh Tiến Công, bị gãy cổ tay”, ông cho biết thêm.
Dù bị đánh và bị cướp hết cá, ngư cụ nhưng các ngư dân nói rằng họ sẽ vẫn tiếp tục đánh cá “trên vùng biển của Việt Nam”.
“Vùng biển của mình thì mình cứ đi bình thường chứ mình không có sợ. Biển của mình thì mình đi chứ”, ông Công khẳng định.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho đến nay chưa có tuyên bố chính thức liên quan đến vụ việc.
Việt Nam trong nhiều năm qua luôn khẳng định “có bằng chứng lịch sử không thể chối cãi ở Hoàng Sa-Trường Sa”.
Tuy nhiên, do Trung Quốc đã kiểm soát thực địa tại quần đảo Hoàng Sa từ hơn nửa thế kỷ qua nên ngư dân Việt Nam khi đánh cá tại ngư trường này luôn đối mặt với sự xua đuổi, thậm chí hành hung của các lực lượng Trung Quốc.
Trong tuyên bố vào tháng 8/2023, sau khi một ngư dân Việt Nam trình báo bị tấn công khi đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói:
“Việt Nam phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với các tàu cá của Việt Nam hoạt động bình thường trên biển, đe dọa đến tính mạng và an toàn cũng như gây thiệt hại về tài sản và lợi ích của ngư dân, trái với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Hội Thủy sản Việt Nam lên tiếng phản đối
Hội Thủy sản Việt Nam đã gửi công văn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương vào hôm thứ Tư 2/10 về việc: “Phản đối phía Trung Quốc cản trở, cướp phá tài sản, đánh đập ngư dân và kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ ngư dân khi đi đánh cá trên biển”.
Công văn dẫn báo cáo của Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng Trung Quốc liên tục nhiều lần xua đuổi, ngăn cản, cướp phá tài sản, trang thiết bị, ngư cụ và sản phẩm hải sản đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng của ngư dân ta”.
Công văn liệt kê các vụ việc ngư dân bị cướp, bị đánh đập gãy tay, gãy chân vào các ngày 19/8 và 29/9/2024.
Do đó, Hội Thủy sản Việt Nam kiến nghị như sau:
“Kịp thời xác minh vụ việc, lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái như trên; bồi thường thiệt hại về sức khỏe con người, tài sản cho ngư dân Việt Nam; không xâm phạm đến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
“Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ngư dân, thường xuyên có lực lượng chấp pháp hỗ trợ cho ngư dân, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam, để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia và giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chuyên gia nói gì?
Trả lời Reuters vào ngày thứ Ba 1/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà không được chính phủ Trung Quốc cho phép và các cơ quan chính quyền Trung Quốc liên quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.
“Các hoạt động tại khu vực mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế, không có ai bị thương”, Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi Reuters về yêu cầu bình luận.
Trong một phân tích vào ngày 1/10, nhà nghiên cứu độc lập Đặng Sơn Duân chia sẻ trên website của ông:
“Hai tàu Trung Quốc tấn công các ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29/9 là tàu Tam Sa Chấp Pháp 101 (Sansha Zhifa 101) và Tam Sa Chấp Pháp 301 (Sansha Zhifa 301)”.
“Trong khi đó, dữ liệu tàu biển cho thấy hai tàu Sansha Zhifa 101 và Sansha Zhifa 301 xuất hiện tại khu vực này vào sáng 29/9. Đây là các tàu thuộc Cục chấp pháp hành chính tổng hợp và quản lý tình trạng khẩn cấp của cái gọi là thành phố Tam Sa. Sự trùng hợp về số hiệu, vị trí hoạt động cũng như cách hành xử bạo lực và vô nhân đạo cho phép kết luận chúng chính là hai tàu đã tấn công dã man các ngư dân Quảng Ngãi”.
BBC News Tiếng Việt chưa thể kiểm chứng độc lập thông tin này.
Việc tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc xua đuổi, tấn công, thậm chí đánh đập và cướp, tịch thu tài sản là điều không hiếm.
Hồi tháng 1/2024, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho BBC News Tiếng Việtbiết các ngư dân đang phải tránh xa vùng ngư trường Hoàng Sa vài chục hải lý để đảm bảo an toàn trước những tàu dân quân biển và tàu chấp pháp của Trung Quốc.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, khi đó cũng đề cập đến lực lượng dân quân biển rất đông đảo của Trung Quốc qua các câu chuyện được bà con ngư dân về kể lại.
“Lực lượng này đi có chiến dịch. Hết mùa cấm biển thì lao xuống vùng biển Việt Nam rất đông. Bà con ngư dân mình thấy mà sợ luôn, vì họ đi rất là đông, cả trăm, ngàn tàu và càn quét ngư trường của mình rất dữ dội”.
Không những rủi ro bị tàu Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1/5 đến 16/8 hàng năm.
Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ năm 2021 chỉ rõ: “Nhờ khoảng cách thuận tiện của các tiền đồn Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, các tàu dân quân thường tham gia cùng lực lượng chấp pháp Trung Quốc để chống lại hoạt động đánh bắt và khai thác hydrocacbon (dầu khí) của các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tại khu vực nằm trong yêu sách đường chín đoạn mơ hồ của Trung Quốc. Với lực lượng dân quân đóng vai bề ngoài là tàu đánh bắt thương mại, Bắc Kinh có quyền phủ nhận trách nhiệm trong khi sử dụng lực lượng này để gây áp lực lên các quốc gia tranh chấp khác với chi phí thấp”.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hồi tháng 1/2024 nói với BBC News Tiếng Việt rằng lực lượng này nằm trong chính sách “tằm ăn dâu” của Trung Quốc.
“Chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc”.
“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, điều mà Việt Nam và các nước khác trong khu vực phản đối. Với lực lượng trên biển vượt trội, Trung Quốc hiện thực hóa các yêu sách của mình bằng việc triển khai rộng khắp lực lượng hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu nghiên cứu, tàu cá ở các khu vực bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Hải cảnh Trung Quốc đã bị cáo buộc gây hấn và làm gián đoạn các hoạt động đánh bắt thủy sản và khai thác năng lượng của các nước như Malaysia, Philippines và Việt Nam, gây lo ngại về sự leo thang mâu thuẫn và thách thức mối quan hệ giữa các nước trong khu vực.
Nguồn: BBC Tiếng Việt