Nguồn: James Palmer, “Chinese Official’s Suspicious Death Stirs Speculation,” Foreign Policy, 24/09/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Các nhà chức trách cho biết Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam, bà Lưu Văn Kiệt, đã bị sát hại. Tuy nhiên, các vụ ám sát chính trị trực tiếp là điều hiếm thấy ở Trung Quốc.
Tiêu điểm tuần này: Cái chết đáng ngờ của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam khơi dậy nhiều đồn đoán trong và ngoài nước, một học sinh người Nhật thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao ở Thâm Quyến, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế mới.
Cái chết bí ẩn ở Hồ Nam
Cái chết của bà Lưu Văn Kiệt, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam, do bị ngã vào tuần trước đã làm dấy lên làn sóng tin đồn tại Trung Quốc. Thi thể của bà Lưu được phát hiện bên ngoài tòa nhà chung cư của bà ở Trường Sa vào sáng thứ Năm tuần trước. Cảnh sát cho biết bà Lưu bị sát hại và đã xác định hai người đàn ông – cũng rơi từ tòa nhà xuống và tử vong – là nghi phạm.
Bà Lưu, 58 tuổi, từng giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam từ năm 2022, nhưng trước đó đã có một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực tài chính và thống kê ở Hồ Nam, một tỉnh lớn phía Nam Trung Quốc. Vụ án đã lôi cuốn trí tưởng tượng của công chúng, ngay cả khi các nhà kiểm duyệt nội dung đang nỗ lực xóa bỏ các tin đồn liên quan.
Câu chuyện chính thức rất khó tin khi cho rằng, bà Lưu bị ném qua ban công căn hộ của mình và hai kẻ tấn công cũng vô tình ngã tử vong, một trong hai tên được cho là đã cố gắng trốn thoát bằng cách trượt xuống một sợi dây làm từ rèm cửa buộc lại. (Kỳ lạ là, cảnh sát cho biết công cụ của những kẻ tấn công cũng có dây nylon đã được chuẩn bị sẵn.) Các vụ đột nhập nhà ở Trung Quốc rất hiếm, nhất là đối với các khu dân cư dành riêng cho quan chức chính phủ được giám sát nghiêm ngặt như của bà Lưu.
Cư dân mạng suy đoán rằng hai người đàn ông có thể là những nhân chứng vô tội, hoặc họ có thể đã tham gia vào vụ sát hại nhưng bị cảnh sát hoặc đồng phạm trừ khử sau đó. Trên các kênh truyền thông xã hội của Trung Quốc và cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, một số người còn khẳng định, dù không có mấy bằng chứng, rằng bà Lưu đã bị trói hoặc bị tra hỏi về việc cá nhân bà đã bảo lãnh một khoản nợ 60 triệu nhân tệ, và rằng các lãnh đạo tỉnh khác đã nhanh chóng đến hiện trường nơi bà Lưu tử vong.
Vậy, rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra ở đây? Khác với Nga, nơi mà việc ném người ra cửa sổ (defenestration) là một rủi ro nghề nghiệp đối những người có liên can đến chính trị, chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) hiếm khi liên quan đến các vụ ám sát trực tiếp. Thay vào đó, quyền lực của các cơ quan an ninh thường được sử dụng như một công cụ chống lại những ai bị cho là kẻ thù. Những vụ tử vong trong trại giam hoặc do bị tra tấn thường được xem là tai nạn, phần nào là do việc ép cung.
Bản cáo phó chính thức của bà Lưu cung cấp rất ít thông tin chi tiết, nhưng cho thấy một điều là bà Lưu có chỗ đứng khá tốt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu như bà có liên quan đến bất cứ điều gì, thì khả năng cao là liên quan đến tội phạm có tổ chức và có thể là vay mượn tiền. Điều này có thể đồng nghĩa với việc dính dáng đến các băng đảng Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông và Macao, tổ chức chuyên đòi nợ xuyên biên giới. Tuy nhiên, những thành phố lớn như Trường Sa cũng có các băng nhóm tội phạm riêng của họ.
Theo như nhà tội phạm học Federico Varese đã viết trong một nghiên cứu đáng tin cậy về tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, các băng nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hợp pháp và các quan chức Đảng Cộng sản địa phương ở Trung Quốc. Chính quyền địa phương, thậm chí cả chính quyền tỉnh, đã chuyển sang những phương thức huy động vốn không chính thống mà đôi khi, những phương thức này còn được các nhóm tội phạm có tổ chức “chống lưng” – và cũng chính từ đây, tham nhũng đã làm mờ đi ranh giới phân biệt giữa tiền công và tiền tư. Ngay cả việc thu hồi nợ thông thường ở Trung Quốc cũng có thể liên quan đến bắt cóc và cưỡng đoạt.
Vai trò của các “băng đảng đen” – từ dùng để chỉ tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc – trong chính quyền địa phương là điều ai cũng biết, và chính quyền trung ương đang nhắm đến xử lí vấn đề này. Nhưng trên thực tế, các chiến dịch trấn áp thường chỉ là sự thay thế giữa một nhóm tội phạm cũ bị loại bỏ với một nhóm mới khác nổi lên. Tuần trước, Trung Quốc đã công bố một cơ quan giám sát trung ương ở Bắc Kinh để lãnh đạo “cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và các thế lực xấu.” Điều này có lẽ là rất cần thiết, trong bối cảnh các chính quyền địa phương đang đối mặt với những khoản nợ sắp đến hạn – mà không chỉ có các khoản nợ ngân hàng.
Chủ đề đang được quan tâm
Học sinh người Nhật bị sát hại ở Thâm Quyến. Một học sinh 10 tuổi người Nhật đã tử vong, một ngày sau khi bị đâm ở một trường quốc tế tại Thâm Quyến, Trung Quốc, sự việc xảy ra vào tuần trước. Vụ việc thương tâm đã dẫn đến việc chính quyền phải áp dụng kiểm duyệt đối với các bài đăng bày tỏ sự thương tiếc, cùng với những nỗ lực nhằm trấn an Nhật Bản rằng đây chỉ là một “sự cố đơn lẻ”. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể không xoa dịu được những lo ngại của công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, nhất là khi vụ tấn công xảy ra ngay sau một vụ việc tương tự nhắm vào trẻ em tại một điểm dừng xe buýt trường học vào tháng Sáu.
Truyền thông Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc chống Nhật, và một sự sụt giảm tiếp nữa trong dòng tiền đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc là điều có khả năng xảy ra. Mặc dù chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể đóng một vai trò nhất định, nhưng những vụ tấn công bằng dao nhằm vào trẻ em đang diễn ra theo mô típ tương tự với các vụ xả súng trường học ở Mỹ, với một chuỗi các vụ xả súng kể từ năm 2010 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Một người đàn ông trong độ tuổi 40 đã bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ tấn công ở Thâm Quyến.
Tương tự các vụ xả súng trường học, hiện tượng lây lan xã hội (social contagion) dường như đóng vai trò quan trọng trong các vụ tấn công bằng dao tại các trường học ở Trung Quốc. Sự vắng mặt của súng tại Trung Quốc khiến các vụ tấn công ít thương vong hơn, nhưng so với những kẻ xả súng ở Mỹ, những tên tấn công này lại thường có xu hướng nhắm vào trẻ em hơn.
Loạt công ty quân sự Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan bị đóng băng tài sản. Vào tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đóng băng tài sản 9 công ty liên quan tới quân đội Mỹ đang hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan – cụ thể, một giao dịch trị giá 228 triệu đô la các linh kiện thay thế đã được phê duyệt vào ngày 16 tháng 9. Động thái này nhấn mạnh một lợi thế của phía Mỹ: khó mà biết được liệu các công ty liên quan đến Lầu Năm Góc có tài sản nào ở Trung Quốc hay không, hay đây chỉ là các động thái mang tính tượng trưng.
Mặc dù các doanh nghiệp Mỹ có thể bị chính phủ Trung Quốc gây sức ép lên các khoản đầu tư của Mỹ tại nước này, nhưng Bắc Kinh còn lâu mới kiểm soát được các điểm then chốt trong tài chính toàn cầu như Washington đang làm, điều cho phép chính phủ Mỹ sở hữu sức mạnh thực sự trong việc áp dụng các lệnh trừng phạt và phong toả tài sản.
Công nghệ và Kinh doanh
Ngân hàng Trung ương công bố gói kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố một gói kích thích kinh tế quy mô lớn, dẫn đến một đợt phục hồi nhỏ trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã do dự trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn tương tự như những biện pháp đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng chỉ số kinh tế không khả quan trong mùa hè này cho thấy Trung Quốc có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay, nếu như không có hành động can thiệp nào đáng kể.
Các biện pháp chủ yếu tập trung vào cải thiện thanh khoản nhưng cũng bao gồm cắt giảm lãi suất vay mua nhà và giảm mức tiền vốn người mua cần có nhằm phục hồi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các biện pháp này khó khả thi: Tuy giá bất động sản tiếp tục giảm, nhưng các chính quyền địa phương vẫn đang can thiệp đẩy giá lên bằng cách gây áp lực lên các công ty không được bán bất động sản dưới một mức giá sàn nhất định.
Các quan chức lo ngại về sự bất ổn xã hội, vì những người biểu tình có xu hướng quy trách nhiệm cho chính phủ khi các khoản đầu tư của họ thất bại. Tuy nhiên, khi giá cả không được phép giảm xuống mức đáy còn các tập đoàn bất động sản lớn đang dần suy yếu, doanh số vẫn tiếp tục lao dốc.
Chuyên gia kinh tế mất tích. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Chu Hằng Bằng đã bị giam giữ cách đây vài tháng vì chỉ trích các chính sách của Tập Cận Bình trong một nhóm WeChat riêng, theo tờ Wall Street Journal đưa tin vào thứ Ba. Ông Chu từng là phó Giám đốc Viện Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một viện nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu Trung Quốc, và là một nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề kinh tế.
Đây là một tín hiệu xấu vì một số lí do. Thứ nhất, điều này phản ánh sự bất an của các các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là ông Tập, đến mức mà ngay cả những chỉ trích mang tính chuyên môn và riêng tư cũng dẫn đến phản ứng thái quá như vậy từ các lực lượng an ninh. Rõ ràng rằng, khiến một người biến mất – thay vì chỉ cần để cảnh sát “mời lên uống nước” cảnh cáo – là một quyết định nghiêm trọng.
Điều này cũng tạo ra một “hiệu ứng ớn lạnh” (chilling effect) làm nản lòng các chuyên gia khác, khiến cho khả năng phản biện những chính sách không hiệu quả của chính phủ của các chuyên gia cũng bị xói mòn theo. Theo báo cáo, việc bắt ông Chu là một phần của chiến dịch tranh trừng có quy mô tại CASS do một bề tôi trung thành của ông Tập dẫn dắt. Trung Quốc đã đánh mất những nhân tài trong lĩnh vực tài chính do các cuộc thanh trừng và cắt giảm lương trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình, chỉ còn lại những nhà tư tưởng ở các vị trí chủ chốt. Điều này khiến việc quản lý hiệu quả gói kích thích kinh tế mới được Trung Quốc công bố trở nên khó khăn hơn.