Vĩnh Biệt Tình Anh!

Trong bài viết Lara, Người Tình Muôn Thuở, tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh Lara (Olga) và Dr. Zhivago (Pasternak) với cuộc tình bi thương và quá đẹp.

Năm 2016, trong bài viết Đôi Dòng Với Tiếng Chim Gọi Đàn của tôi cho Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Nhập Ngũ của Khóa I Nguyễn Trãi, Trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Tôi trích đăng các bài viết của bạn bè viết cho các người bạn đã nằm xuống, trong đó có đoạn của Đào Hoàng Việt. Và, tôi viết:

“Màu tím là màu của bi thương, trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử tôi viết 3 bài liên quan đến cuộc tình trong thơ của Hữu Loan, trong nhạc của Hoàng Trọng và Hoàng

Nguyên… man mác nỗi buồn của người cầm bút. Khi đọc những dòng cuối của Đào Hoàng Việt khi viết về Lê Minh Châu với hình ảnh tà áo tím của người yêu nơi nhĩa trang, tôi lặng người với hình bóng đau thương:

“Ngày tiễn đưa Lê Minh Châu ra Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, anh em cùng khóa tự khiêng quan tài bạn mình. Tôi ở lại đến phút cuối cùng, đứng xa để nhìn lại lần cuối nơi bạn mình vĩnh viễn an nghỉ. Mọi người về hết chẳng còn ai duy chỉ còn một tà áo tím buồn với mái tóc dài phủ bờ vai phất phơ trong nắng chói chang giữa khoảng không gian vắng lặng mênh mông. Nàng đứng khóc không biết đến bao giờ!…”.

Trong ca khúc Ngàn Thu Áo Tím của Hoàng Trọng: “Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa… Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím” có thể là hình ảnh tưởng tượng nhưng tà áo tím mà Đào Hoàng Việt là chứng nhân, là thực và từ cảm xúc để viết, quá tuyệt… Nhiều bài viết về chiếc áo dài màu tím với hình ảnh đau thương qua thơ văn nhạc nhưng bài viết của bạn tôi trong cảm xúc. Với tôi, không thể viết hay hơn…”

Có lẽ, hình như tôi đa cảm, tâm hồn lãng mạn nên khi đọc bài viết nào đề cập đến mối tình đẹp lẫn bi thương, dễ xúc động. Bản tính như vậy nên đôi khi cũng tự làm khổ bản thân, nhưng có khi cảm nhận thú đau thương như tựa đề thi phẩm Thú Đau Thương của Dương Kiến, ấn hành năm 1960 ở Sài Gòn.

*

Bản tin của Cali Today:

Sara Baluch khoác lên mình chiếc váy cưới cùng tấm voan màu trắng, nhưng thay vì nói lời thề ước ở thánh đường, cô ngồi trước mộ vị hôn phu, không ngừng rơi nước mắt.

Mohammad Sharifi (24 tuổi) – Sara Baluch (22 tuổi) gặp gỡ và yêu nhau khi cùng học tập tại ĐH Tennessee Chattanooga, Mỹ. Cả hai đã hẹn hò được khoảng hơn một năm khi Sharifi cầu hôn vào tháng 12.

Sara Baluch nhớ lại khoảnh khắc mà Mohammad Sharifi cầu hôn: ‘Anh sẽ nắm lấy tay em đi đến hết cuộc đời này’, đó cũng là ngày chúng tôi trở thành vợ chồng.

Baluch nói với CBS News rằng cả hai đã lên kế hoạch cho đám cước vào ngày 9 tháng 3 tại Mỹ khi trước đó cả hai đã kết hôn hợp pháp ở Iran, nơi Sharifi sinh ra.

Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 2, Mohammad Sharifi bị bắn trong bãi đỗ xe, khi đang bán một hộp Xbox (máy trò chơi điện tử).

Cả 2 hẹn thề sẽ tổ chức lễ cưới vào ngày 9/3 tại Mỹ.

Baluch nói với CBS News, mẹ chồng sắp cưới của cô gọi thông báo rằng Sharifi được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại bãi đỗ xe. Vị hôn phu của cô có thể tự bấm số gọi 911 sau khi bị bắn.

“Từ lúc gác máy và lên xe, tôi cứ linh tính điều gì đó không ổn. Tôi liên tục nói với bản thân rằng ‘Không sao đâu’ như thể đó là điều cuối cùng tôi có thể nghĩ tới”, Baluch nói trong nước mắt.

Cả hai có những tháng ngày bên nhau hạnh phúc

Khi cô gái 22 tuổi đến bệnh viện, nhân viên y tế thông báo rằng cô phải chờ đợi bên ngoài. Baluch ngồi đó, lòng quặn thắt lại, không thở nổi với những suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu: “Nếu như anh ấy đi rồi thì sao? Nếu như anh ấy chết rồi thì sao?”.

Điều tra viên tới gần và đặt câu hỏi cho Baluch cho đến khi cô khăng khăng muốn biết chuyện gì đang xảy ra.. Y tá thông báo tình trạng của Sharifi và dẫn cô tới chỗ vị hôn phu đang nằm im lìm.

“Tôi như đang nằm mơ chứ không còn ở thực tại. Ngay cả khi tận mắt thấy anh ấy nằm đó, tôi vẫn cảm thấy mọi thứ không phải sự thật”, Baluch kể lại.

Nhưng rồi cô gái cũng phải nhận ra, ngày này tháng sau sẽ không phải là lễ cưới cô hằng mong ước, nó sẽ là lễ viếng chồng sắp cưới của cô. Những tấm vé máy bay người thân đã đặt để đến chung vui cùng đôi lứa giờ để tham dự ngày buồn của gia đình.

Mất đi hôn phu, Sara gần như mất đi ý chí sống.. Ngày qua ngày cô gái chỉ muốn giam mình trong căn phòng. Nhưng cô biết đây không phải là điều Sharifi muốn, cô cần phải tiếp tục sống cần phải vượt qua nỗi đau này.

“Tôi thấy như mỗi ngày anh ấy nói với tôi: ‘Em đừng quá áp lực. Dù có chuyện gì xảy ra, em phải cố gắng vượt qua và sống thật tốt’. Đó là điều duy nhất khiến tôi đứng dậy”, Baluch nói.

Cô gái đã làm được, cô đã vực dậy bản thân và đến trường tiếp tục chương trình học của mình tại Tennessee Chattanooga. Cô đang theo học văn bằng hai sư phạm và mong sẽ trở thành một giáo viên sau khi tốt nghiệp vào năm sau. Sara hiểu đây là nguyện vọng của Sharifi.

Cô dâu trẻ đã tìm lại được sự mạnh mẽ của mình. Chủ nhật ngày 10/3, cô gái khoác lên mình bộ váy cưới, cùng 2 gia đình đến nghĩa trang thăm mộ Sharifi.

Người thân không kìm được nước mắt khi đứng trước di ảnh của chàng trai 24 tuổi xấu số qua đời khi còn nhiều ước mơ dang dở. Anh không kịp kết hôn với người con gái mình yêu thương, cũng không thể tham dự lễ tốt nghiệp với tấm bằng Kinh doanh vào tháng tới.

“Tôi cảm giác như anh ấy đang ngồi bên cạnh mình và khóc. Cha mẹ đưa anh ấy đến Mỹ vào năm 8 tuổi để mong anh có cuộc sống tốt hơn. Anh ấy sắp tốt nghiệp và dự định kết hôn. Tất cả bị tước đi chỉ bằng một viên đạn”, Baluch đau đớn nói.

Đối với Sara, Sharifi là một con người hoàn hảo. Tất cả những điều anh ấy muốn làm là khiến những người xung quanh vui vẻ. Anh ấy không giống những con người ích kỷ ngày nay, anh ấy luôn muốn mang những điều tốt đẹp đến cho tất cả mọi người.

D’Marcus White (20 tuổi) bị cảnh sát buộc tội trong vụ nổ súng nhắm vào Mohammad Sharifi, theo AP. Baluch nói rằng cô không hiểu vì sao kẻ thủ ác giết người mình yêu thương.

“Làm sao có thể chịu đựng nỗi đau người thân yêu bị tước đi mạng sống? Hộp Xbox giá 200 USD đáng để anh ta phải làm như vậy sao. Tôi có thể mua cho anh ta hàng trăm món đồ đó, nếu anh ta đừng làm hại người tôi yêu”, Sara Baluch bật khóc.

Nhiều tuần trôi qua kể từ sự ra đi của Sharifi, Baluch nói rằng cô nhớ anh nhiều hơn mỗi ngày: “Chúng tôi đã chôn cất anh ấy. Anh ấy đi rồi, chúng tôi biết. Nhưng mỗi ngày qua đi tôi vẫn mong anh ấy mở cánh cửa đó và bước vào”.

Sara Baluch “Vĩnh Biệt Tình Anh” Mohammad Sharifi!

VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG

Related posts