Hôm thứ Năm (10/10), Ban điều hành của Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận việc thành lập một quỹ trung gian tài chính (FIF) để hỗ trợ Ukraine, với sự đóng góp dự kiến từ Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, Reuters đưa tin theo ba nguồn tin biết rõ quyết định này.
Hai nguồn tin quen thuộc với cuộc bỏ phiếu cho hay, sự phản đối duy nhất đến từ Nga.
Các nguồn tin trên cho biết FIF do Ngân hàng Thế giới quản lý sẽ giúp thực hiện lời cam kết của Nhóm Bảy nước giàu dân chủ có (G7), cung cấp thêm cho Ukraine tới 50 tỷ USD tiền tài trợ vào cuối năm nay, khi nước này tiếp tục chiến tranh dai dẳng với Nga.
Một trong những nguồn tin cho hay số tiền chính xác mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada đóng góp vẫn đang được tính toán, nhưng nguồn hỗ trợ chắc chắn là lấy từ tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Một tuyên bố từ Hội đồng Liên minh châu Âu cho biết cuộc bỏ phiếu của Ngân hàng Thế giới diễn ra một ngày sau khi các phái viên của Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấp cho Ukraine tới 35 tỷ Euro (38,3 tỷ USD) như một phần trong khoản chia sẻ của khối này trong khoản vay lớn hơn theo kế hoạch từ các quốc gia G7, và khoản tiền hỗ trợ này cũng được lấy từ số tiền thu được từ các tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị phương Tây đóng băng.
Ông Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết hai hành động này sẽ cho phép các nước G7 cung cấp khoản tài trợ đáng kể cho Ukraine và thực hiện các lời hứa đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 6/2024.
“Đây là một khoản tiền thay đổi cuộc chơi“, ông Lipsky nói, lưu ý rằng chi tiêu của Ukraine cho cuộc chiến trong năm 2023 là khoảng 80 đến 90 tỷ USD. “Đó là các nguồn lực thực sự trên thực địa có thể tạo ra sự khác biệt“. Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Nhà Trắng từ chối bình luận. Không có bình luận nào được đưa ra ngay lập tức từ Nhật Bản hoặc Canada.
Theo Nhà trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về Ukraine và các chủ đề khác hôm thứ Năm (10/10), sau khi ông Biden hoãn chuyến đi tới Đức để ở lại trong nước giám sát việc ứng phó cơn bão Milton.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga nói với Reuters vào tháng 5/2024 rằng ông ấy “hoàn toàn” cởi mở với ý tưởng quản lý quỹ cho vay G7 dành cho Ukraine ít nhất là cho các mục đích phi quân sự được hỗ trợ bởi thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Các tài sản đã bị phương Tây đóng băng ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine vào tháng 2/2022.
Vào tháng Năm, ông Banga tuyên bố Ngân hàng Thế giới có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các thỏa thuận về quỹ tài trợ phi quân sự tương tự, trong đó có một thỏa thuận cho Afghanistan. Ông cho biết kinh nghiệm từ Afghanistan có thể áp dụng cho Ukraine.
Quỹ mới này sẽ cho phép các quốc gia ngoài châu Âu tham gia đóng góp vào khoản vay để tăng quy mô.
Vào tháng Sáu, G7 và EU đã tuyên bố họ sẽ cung cấp khoản vay 50 tỷ USD để giúp Ukraine, được huy động từ lợi nhuận thu được từ các tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây.
Hơn hai phần ba tài sản của Nga, khoảng 210 tỷ euro, bị kẹt tại EU với 27 quốc gia thành viên, và phần lớn trong số đó do công ty lưu ký Euroclear của Bỉ nắm giữ.
Phạm Duy, theo Reuters