Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng Temu, EU cũng cảnh giác

(Ảnh: Shutterstock)

Một bộ trưởng Chính phủ Indonesia cho biết hôm thứ Sáu rằng ông đã yêu cầu Google và Apple chặn nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu của Pinduoduo Trung Quốc, để ứng dụng này không thể được tải xuống tại Indonesia. Ngoài ra Temu cũng đang khiến giới chức châu Âu cảnh giác.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Budi Arie Setiadi của Indonesia nói với Reuters rằng động thái này nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này khỏi các sản phẩm giá rẻ do nền tảng Temu cung cấp, mặc dù chính quyền Indonesia vẫn chưa thấy người dân nào của họ mua sắm trên nền tảng này. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu ở nước ngoài đã khiến nhà chức trách một số nước đẩy mạnh giám sát mô hình bán hàng giá thấp của họ, thông qua các gói hàng nhỏ gửi từ Trung Quốc cho khách hàng nước ngoài.

Mô hình kinh doanh của Temu kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy ở Trung Quốc, giúp giảm giá một cách đáng kể. Bộ trưởng Budi nói: “Hành động của chúng tôi không phải đánh TMĐT mà là bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi phải bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp của chúng tôi”.

Ông Budi cho biết Jakarta cũng sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của Temu vào lĩnh vực TMĐT địa phương của Indonesia, đồng thời nói thêm rằng ông chưa nghe nói về bất kỳ kế hoạch nào như vậy.

Budi cũng đề cập Indonesia có kế hoạch tương tự đối với Shein của Trung Quốc. Các bên gồm Temu, Shein, Apple và Google đã không trả lời yêu cầu bình luận. Temu hiện vẫn có thể tải xuống được trên cửa hàng ứng dụng của họ ở Indonesia.

Năm ngoái, Indonesia đã buộc TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance Trung Quốc) phải đóng dịch vụ TMĐT của TikTok tại Indonesia, để bảo vệ dữ liệu của người bán và người dùng địa phương. Nhiều tháng sau, TikTok đồng ý bán phần lớn cổ phần cho đơn vị TMĐT của tập đoàn công nghệ GoTo Indonesia, để duy trì thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á.

Hôm thứ Ba, công ty TMĐT địa phương Indonesia là Bukalapak.com đã phủ nhận các thông tin về kế hoạch mua lại Temu.

Theo một số báo cáo như từ Google, từ tổ chức đầu tư nhà nước Temasek Holdings (của Singapore), và từ Bain & Company (công ty tư vấn quản lý của Mỹ), cho hay ngành TMĐT của Indonesia dự kiến ​​sẽ mở rộng lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030 (từ mức 62 tỷ USD vào năm 2023).
Thêm động thái từ châu Âu đối với Temu

Ủy ban châu Âu hôm 11/10 đã yêu cầu Temu trình bày chi tiết các biện pháp mà họ thực hiện để “chống lại việc bán các sản phẩm bất hợp pháp xuất hiện trên nền tảng Temu, cùng vấn đề nhiều sản phẩm bất hợp pháp xuất hiện trở lại sau khi bị xóa”.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lo ngại về việc Temu có thực hiện đủ các biện pháp để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng hay không. Ngoài ra, cơ quan quản lý kỹ thuật số của EU cũng yêu cầu Temu cung cấp thông tin chi tiết về thuật toán đề xuất của nền tảng, đặt câu hỏi liệu có rủi ro liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng hay không.

Ủy ban châu Âu đã chất vấn Temu căn cứ theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU. Theo luật này, các nền tảng trực tuyến phải thực hiện các biện pháp tương ứng để bảo vệ người tiêu dùng.

Mặc dù chất vấn chưa cấu thành cáo buộc chính thức, nhưng đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình điều tra chính thức có thể thực hiện. Nếu điều tra xác nhận Temu đã vi phạm, nền tảng này có thể phải đối mặt với các hình phạt tài chính nghiêm trọng.

Temu có thời hạn đến ngày 21/10 để gửi phản hồi chi tiết bằng văn bản, EU cho biết họ sẽ quyết định các bước tiếp theo dựa trên phản hồi của Temu.

Trước đó vào tháng 6 năm nay, EU lần đầu tiên yêu cầu Temu làm rõ các kênh và cơ chế báo cáo hàng hóa bất hợp pháp trên nền tảng. Các yêu cầu khác cũng bao gồm “thủ thuật đen tối” (dark pattern) có thể được sử dụng để thao túng hành vi của người dùng; các vấn đề của nền tảng như về việc bảo vệ trẻ vị thành niên, tính minh bạch của hệ thống đề xuất sản phẩm, và khả năng truy xuất nguồn gốc của người bán sản phẩm trên nền tảng…

Temu đã mở rộng phát triển nhanh chóng kể từ khi gia nhập thị trường châu Âu vào năm 2023 với chiến lược giá rẻ, bán rất nhiều loại sản phẩm. Tuy nhiên, chiến lược giá rẻ và giao diện người dùng phức tạp của Temu đã làm dấy lên cảnh báo từ các hiệp hội người tiêu dùng châu Âu. Vào tháng 5 năm nay, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đệ đơn kiện Temu, cáo buộc họ sử dụng thiết kế giao diện sai lệch để khiến người dùng chi tiêu nhiều hơn.

Đối mặt với áp lực từ EU, người phát ngôn của Temu cho biết công ty đang “hợp tác trên mọi mặt” với công việc của Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh rằng an toàn của người tiêu dùng là “ưu tiên hàng đầu”. Temu cho biết họ đã có những cải tiến mạnh mẽ kể từ mùa xuân năm nay, và sẽ tiếp tục tối ưu hóa nền tảng để tuân thủ các yêu cầu của Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số.

Vào cuối tháng 9 đã có 6 nước EU, bao gồm Pháp và Đức, yêu cầu Ủy ban châu Âu tăng cường quản lý Temu. Quốc vụ khanh Sven Giegold Bộ Kinh tế Đức cho biết mỗi ngày có hàng ngàn gói hàng chảy vào châu Âu thông qua giao dịch nền tảng này, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc và nhiều hàng hóa không tuân thủ các quy định của thị trường EU.

Mộc Vệ

Related posts