Một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan cho biết, Trung Quốc đang xây dựng năng lực quân sự để nhanh chóng biến các cuộc tập trận quân sự thành một cuộc tấn tổng lực vào Đài Loan. Vị quan chức này cũng đưa ra đánh giá của chính phủ Đài Bắc về mục đích chiến lược đằng sau các cuộc tập trận của Bắc Kinh xung quanh quốc đảo dân chủ trong tuần này.
Trung Quốc, vốn coi Đài Loan được quản lý dân chủ là lãnh thổ của mình, đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn vào thứ Hai (14/10) mà Bắc Kinh coi là một lời cảnh báo đối với “các hành động ly khai” sau bài phát biểu của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nhân ngày quốc khánh Đài Loan vào tuần trước.
Trên thực tế, Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới quyền quản lý của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Quốc đảo này từ lâu đã được quản lý dân chủ với chế độ bầu cử dân chủ cùng với hệ thống quân đội và tiền tệ riêng, tách biệt khỏi Trung Quốc.
Trong năm năm qua, Đài Bắc đã liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự gây hấn diễn ra hầu như hàng ngày của Bắc Kinh xung quanh đảo quốc, bao gồm ít nhất bốn cuộc tập trận quy mô lớn và “các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu” thường xuyên.
Trong một cuộc họp báo ngắn tại Đài Bắc, vị quan chức Đài Loan yêu cầu giấu tên để có thể phát biểu thẳng thắn hơn, cảnh báo: “Họ [Trung Quốc] đang tăng cường phát triển năng lực quân sự để biến các cuộc tập trận quân sự thành một cuộc xung đột”.
Đài Loan đã báo cáo một số lượng kỷ lục 153 chiếc máy bay Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này. Vị quan chức Đài Loan còn cáo buộc, một số lượng chưa từng có 25 tàu hải quân và tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng tiến gần vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý (39km) của Đài Loan.
Vị quan chức này cảnh báo: “Họ [Trung Quốc] đã tiếp cận rất gần Đài Loan. Họ đã gây sức ép lên Đài Loan và thúc ép thời gian phản ứng của Đài Loan. Cuộc tập trận này tạo ra mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết đối với Đài Loan”.
Vị quan chức giấu tên tiết lộ, trong cuộc tập trận, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa về phía khu vực nội địa chưa được xác định. Tuy nhiên, vị quan chức không cung cấp thêm chi tiết.
Vị quan chức an ninh của Đài Bắc lưu ý: “Mặc dù lần này họ [Trung Quốc] không bắn tên lửa về phía Đài Loan, nhưng họ đã luyện tập phóng tên lửa”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận về phát biểu của vị quan chức Đài Loan. Hôm thứ Hai (14/10), quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ có thêm hành động khi cần thiết để chống lại Đài Loan. Tiếp đó vào thứ Tư (16/10), Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đe dọa, Bắc Kinh sẽ không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Vị quan chức của Đài Loan tiết lộ, cơ quan tình báo của quốc đảo này đã phát hiện các dấu hiệu về cuộc tập trận của Trung Quốc trước khi nó diễn ra và Đài Bắc đã triển khai các khí tài quân sự bao gồm các bệ phóng tên lửa di động đến các vị trí chiến lược trước khi Bắc Kinh công bố cuộc tập trận vào rạng sáng ngày 14/10.
Tổng thống Lại Thanh Đức và chính phủ của ông đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ. Tổng thống Lại Thanh Đức đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc, nhưng đều đã bị Bắc Kinh từ chối.
Tuần tra thường xuyên
Trong báo cáo gửi quốc hội hôm thứ Năm (17/10), Bộ Quốc phòng Đài Loan lưu ý, Trung Quốc hiện tổ chức ba đến bốn “cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung” mỗi tháng xung quanh Đài Loan. Bộ này mô tả động thái này của Bắc Kinh là “khiêu khích và gia tăng mối đe dọa đối với quân đội của chúng ta”.
Khi được hỏi khi nào Trung Quốc có thể tổ chức cuộc tập trận tiếp theo, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Wellington Koo nhấn mạnh với các phóng viên rằng cuộc tập trận tiếp theo có thể diễn ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ lý do gì.
Bộ trưởng Koo chỉ trích: “Điều này cho thấy bản chất bá quyền của họ [Bắc Kinh], điều mà tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy rất rõ ràng”.
Bộ trưởng Koo cho biết thêm, trong cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang), quân đội Đài Loan đã đưa ra một kế hoạch về các cách thức đối phó với thời gian phản ứng bị rút ngắn trong trường hợp Trung Quốc đột nhiên biến cuộc tập trận thành một cuộc tấn công thực sự vào Đài Loan.
Một nhà ngoại giao ở Đài Bắc quen thuộc với các vấn đề an ninh trong khu vực nhận định, các cuộc tập trận của Bắc Kinh là “mối đe dọa lớn” bởi vì thông qua các cuộc tập trận này, quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường năng lực huy động và chiến đấu của mình.
Nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, đưa ra cảnh báo rằng: “Trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu thường trực ngày càng cao hơn, họ [Trung Quốc] có thể chuyển từ không có gì sang tập trận rồi sang chiến tranh chỉ trong chốc lát”.
Đài Loan đã sống với mối đe dọa xâm lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc di tản sang đảo quốc này vào năm 1949 sau khi thất bại trong cuộc nội chiến trước quân đội cộng sản do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo.
Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc không gây ra lo ngại quá mức cho hầu hết người Đài Loan, và cũng không ảnh hưởng đến các thị trường tài chính trên đảo quốc này.
Khi được một nhà lập pháp hỏi trong một phiên họp quốc hội khác hôm 17/10 về khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đài Loan Dương Chí Long (Yang Chin-long) cho biết, cơ quan này đã có “những biện pháp chuẩn bị thích hợp”, nhưng không nói rõ chi tiết.
Gia Huy, theo Reuters
Nhập cư Mỹ phi pháp: Lượng người Trung Quốc vượt đèo Darien giảm mạnh
Đèo Darien (Darien Gap) ở Panama từng là tuyến đường chính cho những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp, và đây cũng là tuyến đường được nhiều người Trung Quốc lựa chọn. Nhưng số liệu mới cho thấy lượng người Trung Quốc vượt đèo Darien đã giảm mạnh sau khi một số nước Mỹ Latin bắt đầu trấn áp hoạt động nhập cư bất hợp pháp.
Con đường phủ đầy rừng rậm nối Colombia và Panama này là một trong những tuyến đường chính để nhiều người di cư lậu đến Mỹ. Trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã trở thành nhóm dân tộc lớn thứ 4 sử dụng đường biên giới này.
Sau khi Ecuador, Panama và một số nước Mỹ Latin khác bắt đầu trấn áp số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, dữ liệu từ Cục Di trú Panama cho thấy chỉ có 124 người Trung Quốc đi qua đèo Darien vào tháng 9, bằng 1/10 so với tháng 6.
Đèo Darien là một khu rừng nguy hiểm ở biên giới giữa Colombia và Panama và là con đường đất liền duy nhất từ Nam Mỹ đến nước Mỹ. Khu vực này không có đường trải nhựa và đầy rẫy tội phạm bạo lực, bao gồm giết người, bắt cóc và hãm hiếp.
Theo Cơ quan Di trú Panama, trong 9 tháng đầu năm 2024 có tổng cộng 263.296 người nhập cư trái phép vượt đèo, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo quốc tịch, khoảng 178.000 người (68%) là người Venezuela, khoảng 16.000 người khác đến từ nước láng giềng Colombia và 15.000 người từ Ecuador, số người từ Trung Quốc là khoảng 12.000 người.
Trước đó năm 2023 có hơn 25.000 người Trung Quốc đã đi bộ qua đèo Darien. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc chọn cách bỏ nước ra đi vì nền kinh tế trong nước chậm lại hoặc không hài lòng với chính sách ‘Zero COVID’.
Một số người di cư trả lời phỏng vấn với Epoch Times cho biết, họ hiện đang bắt đầu hành trình đến Mỹ vì lo lắng rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sắp kết thúc. Một người nhập cư Trung Quốc nói: “Ông ấy sắp rời chức, nên tôi tranh thủ đến”. Hai người di cư Trung Quốc không muốn nêu tên đã chửi rủa lãnh đạo ĐCSTQ trước ống kính, cho biết họ muốn sang Mỹ vì công dân Mỹ được hưởng tự do, trong khi Trung Quốc không có nhân quyền.
Nhiều nước thắt chặt kiểm soát nhập cư bất hợp pháp
Chính phủ Mỹ đã hy vọng bằng cách mở các trung tâm xử lý ở Mỹ Latin và khuyến khích các nước láng giềng tăng cường các biện pháp thực thi biên giới, nhằm giảm số lượng người nhập cư bất hợp pháp đến biên giới phía nam Mỹ.
Ecuador từng miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc, cho phép họ ở lại nước này tới 90 ngày. Sau khi bay vào thủ đô Quito, những người di dân Trung Quốc sẽ bắt xe buýt đến Colombia, băng qua đèo Darien và sau đó đến biên giới phía nam Mỹ qua Costa Rica và Mexico.
Chính phủ Ecuador vào tháng 7 đã đình chỉ miễn thị thực cho công dân Trung Quốc, vì gần một nửa số khách du lịch Trung Quốc vào Ecuador không rời khỏi nước “qua các kênh thông thường” hoặc rời đi trong vòng 90 ngày cho phép.
Một đánh giá hồi tháng 5 của Trung tâm Niskanen, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho thấy vào năm 2023 có 48.381 khách du lịch Trung Quốc đã đến Ecuador, nhưng chỉ có 24.240 người rời khỏi đất nước này một cách hợp pháp trong năm đó.
Theo một thỏa thuận với Mỹ, Panama đã bắt đầu trục xuất những người nhập cư Colombia và Ecuador có tiền án tiền sự, phía Mỹ chi trả cho các chuyến bay hồi hương của họ. Bản thân Mỹ cũng đã mở các chuyến bay để hồi hương người nhập cư Trung Quốc.
Brazil cũng đã thắt chặt các quy định đối với hành khách quá cảnh. Nguyên nhân là do lượng khách du lịch từ châu Á và một số khu vực khác tăng vọt, số người này tận dụng chính sách quá cảnh miễn thị thực và sau đó xin tị nạn tại các sân bay. Chính quyền Brazil cho biết trong số này có nhiều du khách có ý định đến Mỹ, đang lạm dụng hệ thống tị nạn của Brazil.
Nhập cư là một trong những vấn đề then chốt trong bầu cử Mỹ
Sau khi luật nhập cư gặp vấn đề bế tắc, chính quyền Tổng thống Biden vào tháng 6 đã công bố các hạn chế, theo đó sẽ cắt quyền tiếp cận tị nạn khi số lượng người nhập cư bất hợp pháp đến biên giới Mỹ-Mexico đạt giới hạn nhất định. Chưa đầy một tháng sau khi thực thi quy định mới, số vụ bắt giữ trung bình hàng ngày ở biên giới Mỹ đã giảm đáng kể, giảm hơn 40% so với trước khi quy định mới có hiệu lực.
Về vấn đề này, ứng viên Tổng thống Trump của năm bầu cử 2024 cam kết nếu tái đắc cử sẽ thúc đẩy việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trên quy mô lớn, hoàn thành kế hoạch tường biên giới còn dang dở trong nhiệm kỳ trước đây, cử thêm nhân lực thực thi pháp luật tới biên giới phía nam và tăng xử phạt người nhập cư bất hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là ứng cử viên tổng thống, bà Harris cho biết công việc của bà đã giúp giảm số lượng người vượt biên, bà nhắc lại sự ủng hộ của bà đối với dự luật biên giới lưỡng đảng chưa được Thượng viện thông qua.
Vào tháng 2 năm nay, một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy 55% người Mỹ trưởng thành tán đồng “số lượng lớn người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp” gây đe dọa nghiêm trọng (critical threat) đối với các lợi ích quan trọng của Mỹ – tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục và cao hơn năm ngoái 8 điểm phần trăm. Kỷ lục trước đó là 50% được thiết lập vào năm 2004, theo đó 31% cho biết số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp là “đe dọa quan trọng” (important threat), trong khi chỉ có 14% cho rằng điều đó không quan trọng.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times
(Bài này tham khảo phóng sự của Nikkei)